Friday, January 12, 2007

Lịch sử Nam Hàn

Lịch sử Nam Hàn
Tượng đài chiến sĩ ở bảo tàng quân sự
Có hai quốc gia cùng tuyên bố độc lập năm 1948 trên bán đảo Triều Tiên
Sử sách Hàn quốc cho rằng từ năm 2333 trước Công nguyên, một nhân vật nửa thần nửa người tên là Dangun đã lập ra vương quốc tên là Joseon trên bán đảo Triều Tiên.

Giới sử gia thì cho rằng dấu vết con người trên mảnh đất này có sớm nhất là trong thời đại Đồ Đồng, tức khoảng từ năm 1000 đến 300 trước Công nguyên.

Triều Tiên bị Trung Quốc xâm lấn vào năm 109 trước Công nguyên và lập ra 4 khu hành chánh ở phía bắc.

Ở phía nam còn tồn tại một vương quốc tên là Goguryeo, từ năm 37 trước Công nguyên đến năm 668, lần lượt chiếm các địa phận nhỏ xung quanh và đuổi quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi phần đất phía bắc.

Bên bờ sông Hàn mà hôm nay là Seoul có vương quốc Baekje cùng tồn tại trong thời gian này, theo đuổi ý nguyện hòa bình, phát triển văn minh, làm cầu nối văn hóa với Nhật Bản.

Triều đại Joseon dùng Nho giáo lật đổ Phật giáo

Thời Trung Cổ ở Hàn Quốc có triều đại Joseon (1392-1910) dùng Nho giáo để lật đổ dòng họ Goryeo (918-1392) vốn nặng về Phật giáo, chuyển thủ đô từ Gaeseong về Seoul.

Nếu Mông Cổ xâm lấn Hàn quốc trong khoảng 100 năm hồi 1231 thì các bộ tộc Mãn Châu tấn công vương quốc này hồi thế kỷ 17, trong tiến trình hạ bệ nhà Minh lập nhà Thanh trên đất Trung quốc (1644-1911).

Đến khi Nhật Bản trở thành cường quốc Á châu, đánh bại Trung quốc thì Hàn quốc bị biến thành thuộc địa của Nhật từ năm 1905, làm bùng nổ các phong trào giải phóng dân tộc vứi một trong số các đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa ở Seoul ngày 1 tháng Ba năm 1919, còn có tên là Samil.

Thời gian thuộc địa cũng là lúc văn hóa Nhật Bản áp đảo xã hội Triều Tiên, với tiếng Nhật dùng chính thức trong trường học, người Hàn phải lấy tên nghe giống tiếng Nhật, nhiều di sản quốc gia bị mang sang Nhật và đến giờ vẫn chưa được trả về nước.

Sự kiện Nhật đầu hàng đồng minh đem lại hòa bình ngắn ngủi cho bán đảo Triều Tiên, trước khi lâm vào một cuộc nội chiến với hai phe được Mỹ và Liên Xô ủng hộ từ hai miền Bắc và Nam theo sau hiệp ước Potsdam vào tháng Bảy năm 1945.

Ngày 15 tháng Tám năm 1948 phần đất miền Nam lập ra Đại Hàn Dân Quốc với thủ đô ở Seoul còn miền Bắc vào ngày 9 tháng Chín năm 1948 lập ra Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên với thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyeongyang)

Năm 1950 Bắc Triều Tiên tấn công tổng lực xuống phía nam, được quân Trung Quốc hậu thuẫn, còn Nam Hàn được Liên Hiệp Quốc trợ lực đã cố thủ, kéo theo hiệp định ngừng bắn năm 1953 và biên giới tạm thời nằm dọc theo vĩ tuyến 38.

Chính trị Hàn quốc trong giai đoạn chiến tranh do nhà độc tài Syngman Rhee dẫn dắt, kết thúc bằng hành động từ chức năm 1960 sau cuộc cách mạng Sailgu do sinh viên lãnh đạo.

Hàn quốc chịu ảnh hưởng mạnh cả từ Trung quốc lẫn Nhật bản

Chính phủ bầu cử nhanh chóng mất quyền vào tay tướng Park Chung-hee sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính giai đoạn cầm quyền của nhà độc tài Park Chung-hee là thời gian kinh tế Hàn quốc phát triển mạnh nhất, mà dư âm kéo dài cho đến tận hôm nay.

Năm 1979 tướng Park Chung-hee bị ám sát, kéo theo một giai đoạn chính trị bất ổn cho đến khi tướng Chun Doo-hwan lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự năm 1980.

Phong trào phản đối trong lòng sinh viên, công nhân, chính trị gia và ngay cả giới nội trợ khiến chính quyền phải có giải pháp và kéo theo là cuộc bầu cử tổng thống năm 1987 với phần thắng thuộc về ông Roh Tae-woo.

Cuộc bầu cử năm 1993 đưa ông Kim Young-sam lên làm vị tổng thống đầu tiên không có quá khứ quân nhân.

Sau cuộc bầu cử năm 1997, ông Kim Dae-jung lên cầm quyền với chính sách "Ánh sáng mặt trời", tích cực thống nhất đất nước.

Năm 2002 tổng thống Roh Moo-hyun lên cầm quyền, tiếp tục theo đuổi chính sách này nhưng mới đây quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị bế tắc sau vụ miền Bắc thử tên lửa, miền Nam ngừng viện trợ và để đáp trả, miền Bắc cắt bỏ chương trình đoàn tụ gia đình.

Ban tiếng Việt của đài KBS World
Mỗi ngày Hàn quốc có 2 chương trình tiếng Việt phát về Việt Nam

Trong vài năm trở lại đây, thế giới nhắc nhiều đến một hiện tượng mới, gọi là Làn sóng Hàn quốc - Korean Wave, khi quốc gia này ảnh hưởng lên các nước trong vùng qua văn hóa - như phim ảnh, âm nhạc - và kinh tế - như đầu tư, đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Tiếng Việt là một trong số ít các ngôn ngữ được phát trên làn sóng của đài KBS World, còn Việt Nam được một số các tổ chức phát triển như KOICA coi là mục tiêu hàng đầu.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2006/07/060725_daehanminkuk.shtml

Nguyên tắc làm Kimchi
Mô hình ở bảo tàng quốc gia Seoul
Đầu tiên là muối cải thảo từ 5-10 giờ đồng hồ
Trước khi mùa đông tới cũng là Kim-jang, tức là mùa làm kimchi của người Hàn.

Họ thu hoạch cải thảo, hay còn gọi là Bắc kinh, cải Đà Lạt, chuẩn bị gia vị và cho vào các hũ để dùng qua mùa đông.

Thực ra Kim-chi là tên chung cho các loại rau muối, vì có rất nhiều loại Kimchi khác nhau, không chỉ phân biệt về độ chua, độ cay mà còn chất liệu có thể được thay bằng củ cải, củ hành hay các loại rau khác.

Phổ biến nhất là cách muối với cả cây cải thảo được cắt đôi, dọc theo thân.

Quí vị cho muối vào ngâm khô cây cải cho tới khi chất muối thấm hết vào trong từng kẽ lá, thường là từ 5 tới 10 giờ đồng hồ.

Sau đó vớt ra rửa sạch, để cho ráo nước, rồi nhét ớt cùng hào sống hay tôm khô, cá khô cùng nước sốt vào giữa các bẹ cải.

Một trong số các thành phần chính của nước sốt là tỏi và nước mắm cùng dấm hay rượu nho.

Mô hình ở bảo tàng quốc gia Seoul
Muối xong thì rửa sạch, để ráo nước rồi cho ớt và các loại gia vị vào

Thế nhưng mỗi gia đình đều có một khẩu vị riêng hay bí quyết riêng để làm kimchi.

Vì vậy các cửa hàng Hàn quốc bên cạnh các loại kimchi làm sẵn còn bán cải thảo và các loại gia vị để người ta tự làm.

Chỉ cần thay bằng loại ớt khác, hay loại đồ biển khác là mùi vị của món kimchi đã đổi khác rất nhiều.

Quí vị mới làm lần đầu có thể mua lọ nước sốt người ta đã pha sẵn và xuất khẩu ra nước ngoài.

Một số chuyên gia hướng dẫn là nếu không quen quí vị có thể cắt sẵn cải trước khi muối chứ không cần muối cả một nửa cây cải, phải mất công nhét muối vào từng bẹ.

Ngày xưa Kimchi được cho vào hũ sành, chôn xuống đất để ăn qua mùa đông.

Nay người Hàn ăn Kimchi quanh năm và có những loại tủ lạnh riêng để trữ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2006/08/060811_kimchi.shtml

Bí quyết phát triển của Hàn quốc
Công trường xây dựng ở Inwangsan
Thủ đô Seoul không ngừng phát triển và mở rộng
Hàn quốc là cường quốc ở Á châu với thành tích phát triển.

Chỉ trong vòng 40 năm qua thu nhập đầu người của người dân Hàn tăng trên 250 lần, từ vài chục USD một năm lên thành 15.000 USD.

Bây giờ đà phát triển của Hàn quốc còn hướng ra thế giới và được biết với tên gọi Korean Wave, tức là trào lưu Hàn, hay làn sóng Hàn, lan dần từ văn hóa sang kinh tế.

Không chỉ khán giả Việt Nam mà cả người Trung Quốc, người Nhật cũng đều say mê bộ phim Bản tình ca mùa đông do tập đoàn này phát hành.

Phim ảnh, âm nhạc do Hàn quốc sản xuất được nhiều nước Á châu đón nhận cuồng nhiệt.

Theo anh Lee Soo Haeng, chuyên viên tiếp thị của KBS, tên tuổi dẫn đầu làn sóng Hàn, một phần thành công của các sản phẩm văn hóa của Hàn quốc là vì tính truyền thống, nặng Nho giáo, được gói trọn trong nội dung.

Khu chợ điện tử ở Yongsan
Khu chợ điện tử ở Yongsan nổi tiếng lớn nhất châu Á

Nét văn hóa truyền thống này được các đạo diễn, biên kịch và nhạc sĩ học ở phương Tây về chuyển tải bằng phương tiện hiện đại.

Một phần khác nữa đó là nhờ nhiều bộ phim lấy bối cảnh từ chính xã hội hiện tại của Hàn quốc, giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh từ xã hội này.

Với người dân ở các nước chậm phát triển hơn như Việt Nam thì đây là dịp để họ nhìn thấy mình trong tương lai sau 20 năm nữa.

Nhờ có tiền mà người Hàn quốc có thể bảo tồn truyền thống và tái dựng lại lịch sử.

Thế nhưng cũng chính vì tiền mà người dân Hàn quốc ngày nay phải cạnh tranh sinh tồn mạnh hơn, nhịp sống gấp gáp hơn.

Sự phân hóa xã hội có thể nhìn thấy rất rõ ngay trên những toa tầu điện ngầm ở Seoul.

Giới trung niên giàu có sử dụng điện thoại truyền hình, trong khi lớp người già cả phải đi nhặt từng tờ báo để bán ve chai.

Đám trẻ con phải học quá sức đến nỗi không còn thời giờ để chơi.

Khoảng cách giữa nông thôn và thành phố, giữa nông nghiệp và công nghiệp là quá lớn.

Một ký lô thịt mắc gấp mười lần một ký lô rau.

Lee Kang-woo, trưởng ban tiếng Việt đài KBS World
"Đạo Tin Lành khuyến khích người Hàn kiếm tiền, làm việc chăm chỉ"

Bà già bán rau góc đường ngồi phơi nắng cả ngày chỉ kiếm được chừng vài chục ngàn won, tức vài chục USD, mà lại phải trả tiền vận chuyển cùng đủ mọi thứ chi phí, và chi tiêu, chưa nói đến sinh hoạt phí và tiền cho con cái đi học.

Hầu như tuần nào cũng có các đoàn xe chở những người nông dân nghèo khổ từ các vùng miền quê đổ về thủ đô Seoul để biểu tình.

Ngày hôm nay Hàn quốc được hưởng chế độ dân chủ, thế nhưng nhiều chuyên gia công nhận là sự phát triển của Hàn quốc thực sự đặt nền móng từ thời chế độ quân sự độc tài của Park Chung-hee.

Thế nhưng cái giá phải trả của những năm tháng cực khổ đã được đổi bằng nền kinh tế vững mạnh.

Người dân Hàn quốc nay có đủ tiền cho con cái đi du lịch ra thế giới, du học sang các nước phương Tây, và giúp đỡ các nước nghèo hơn.

Làn sóng Hàn lan sang tận các nước châu Phi cùng các dự án phát triển do tổ chức KOICA của bộ ngoại giao, một tên tuổi nổi bật trong làn sóng Hàn, thực hiện.

Tập trung phát triển kinh tế trước, rồi xây dựng chế độ dân chủ, đó là câu tóm gọn về bài học từ 40 năm qua mà tiến sĩ Chang Hyun-sik, giám đốc ban chiến lược và tổ chức hải ngoại của KOICA.

Theo ông, Hàn quốc biết phối hợp cả nội lực và ngoại cảnh.

Tiến sĩ Chang Hyun-sik
"Hàn quốc phát triển kinh tế trước rồi mới chuyển sang phát triển chính trị"

Nguồn viện trợ của phương Tây không những giúp Hàn quốc vượt qua được giai đoạn khó khăn sau chiến tranh, mà còn giữ vững nhịp độ phát triển trong suốt nhiều năm sau đó.

Nhiều người Hàn không muốn nhắc tới vai trò của Mỹ nhưng sự hiện diện của các căn cứ Mỹ, lối sống nặng về tiêu thụ của Mỹ, qui hoạch Mỹ và văn hóa Mỹ tự bản thân đã nói thay nhiều điều.

Nội lực của người Hàn thể hiện qua tinh thần kỷ luật, và một điều được anh Lee Kang-woo từ ban tiếng Việt đài KBS nhấn mạnh, là sự thay đổi trong suy nghĩ của người Hàn quốc.

"Trước đây, tư tưởng Nho giáo thống trị xã hội Hàn quốc: người Hàn coi việc kiếm tiền, buôn bán là bất lịch sự, thậm chí còn là tội ác."

"Nhưng sau khi Hàn quốc mở cửa và tư tưởng phương Tây, tức là đạo Tin Lành vào, đã khuyến khích người Hàn kiếm nhiều tiền, làm việc chăm chỉ, coi đó là chứng cứ là đức Chúa trời ban phước." - Anh Lee nói

Nửa đầu của thế kỷ 20, Hàn quốc là thuộc địa của Nhật, và gần một phần năm dân chúng Triều Tiên chỉ biết nói tiếng Nhật.

Nhiều ý kiến cho rằng ảnh hưởng của Nhật Bản cũng phần nào đóng góp vào quá trình phát triển của Hàn quốc.

Thánh đường Hồi giáo ở Itaewon
Hàn quốc hiện có trên một trăm ngàn người Hồi giáo

Tác giả của sự nghiệp phát triển, tổng thống Park Chung-hee từng học trường Nhật.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng điểm mấu chốt là do người Hàn biết hấp thụ một cách chọn lọc các nền văn hóa khác nhau, không chỉ văn hóa Nhật mà còn văn hóa phương Tây, và cả các nền văn hóa lạ như Hồi giáo.

Đạo Hồi du nhập vào đây từ hàng trăm năm trước và vài chục ngàn dân Hàn theo đạo Hồi không bị làm khó dễ kể cả trong thời kỳ chính trị khó khăn nhất dưới chế độ quân sự.

Một số ý kiến cũng cho rằng nên cân nhắc tới sự đóng góp của trên 4 triệu dân Hàn đang sống ở nước ngoài.

Các cộng đồng Hàn quốc ở Đức, Anh và Mỹ chắc chắn đã đóng góp không ít công sức cho quê hương mình.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2006/08/060810_hankuk_development.shtml

0 Comments:

Post a Comment

<< Home