Tuesday, February 13, 2007

CƠ CHẾ PHÒNG NGỪA CHỐNG TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN



THƯỢNG VIỆN CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC
CƠ CHẾ PHÒNG NGỪA CHỐNG TRUNG ƯƠNG TẬP QUYỀN

*
jeudi 1 février 2007

Trong một số bài viết trước đây liên quan đến Quốc Hội ( Anh Quốc và Đại nghị Chế, Quốc Hội với Các Đặc Tính Thiết Yếu, Quốc Hội Đơn Viện hay Lưỡng Viện, Quốc Hội Lưỡng Viện Đồng Nhứt hay Dị Biệt), chúng tôi đã có dịp đề cập đến nguồn gốc Quốc Hội Lưỡng Viện của các Quốc Gia hiện đại, phát xuất từ Hội Đồng Tư Vấn giúp Vua trị nước của Anh Quốc.
Dần dần từ Hội Đồng Tư Vấn đơn viện của Vua, - gồm các qúy tộc và các huân tước, các đấng bậc cao trọng trong tôn giáo được Vua tuyển chọn -, do hoàn cảnh nhu cầu cung cấp tài chánh bắt buộc đưa đến, dân chúng từ làng xã thôn ấp đặt điều kiện với Vua, cử được người của họ vào Hội Đồng. Rồi dần dần Hội Đồng tự tách rời ra thành hai nhóm họp tách biệt nhau, do nhu cầu và lợi thú khác nhau. Hạ Viện ( hay Viện của các Đại Diện Làng Xã Thôn Ấp, House of Commons) và Thượng Viện hay Viện của nhóm chức sắc, qúy tộc.
Và như vậy Hội Đồng Tư Vấn đơn viện của Vua đương nhiên trở thành Lưỡng Viện: Thượng Viện ( hay Viện gồm các nhà qúy tộc, các Đấng Bậc Cao Trọng tôn giáo và các Huân Tước) và Hạ Viện ( hay Viện của đại diện các làng xã thôn ấp).
Trải qua nhiểu thế kỷ và phần lớn các Quốc Gia Tây Âu đã biến thể phương thức tổ chức Quốc Gia từ Quân Chủ sang Cộng Hoà Dân Chủ, nhưng hình thức Quốc Hội Lưỡng Viện vẫn còn tồn tại trong hầu hết các Quốc Gia: Quốc Hội không còn Hội Đồng Tư Vấn của Vua ( bởi lẽ Vua không còn nữa, ở phần lớn các Quốc Gia), nhưng là cơ quan dân cử, là tiếng nói đại diện của dân chúng trên toàn Quốc, hướng dẫn đường lối chính trị Quốc Gia, tín nhiệm hay bất tín nhiệm nhân sự và chương trình hoạt động của Hành Pháp và định chế cuộc sống Quốc Gia bằng " chuẩn y hay bác bỏ " luật pháp.
Trong nhãn quang đó, Quốc Hội của hầu hết các Quốc Gia đều giữ lại hình thức Quốc Hội Lưỡng Viện: Ha Viện là viện " chuẩn y hay bác bỏ luật pháp" và Thượng Viện là viện của " những người suy nghĩ khôn ngoan, lắng đọng để duyệt xét, hảm thắng, sữa đổi những dự định quá lố, trật đường" có hại cho cuộc sống Quốc Gia.
Chúng ta có nên tổ chức Lưỡng Viện Quốc Hội đồng nhứt trong tiến trình lập pháp của Quốc Gia hay không?
Đâu là lợi điểm của cách tổ chức Thượng Viện khác với Hạ Viện?
Một ít câu trả lời sơ thảo chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong các bài viết được đề cập ở dòng đầu của bài nầy.
Chủ đề của bài chúng tôi đang viết chỉ có ý khiêm tốn tìm hiểu những lợi điểm của một Thượng Viện khác biệt và tách rời Hạ Viện trong tổ chức Quốc Gia Liên Bang như Cộng Hoà Liên Bang Đức.
Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không thể tổ chức Quốc Hội Lưỡng Viện dị biệt trong một Quốc Gia đồng nhứt, bất khả phân, dĩ nhiên là với những đặc tính và khuyết điểm của nó.

I - Cơ cấu Thượng Viện Liên Bang Cộng Hoà Liên Bang Đức ( CHLBD).
Thượng Viện CHLBD ( Bundesrat ) là một cơ quan gạch nối giữa quyền lực trung ương ( Liên Bang, Bund) và lợi thú địa phương ( các Tiểu Bang, Laender).
Thượng Viện là cơ quan Liên Bang, mà qua đó địa phương được nói lên tiếng nói của mình liên quan đến nhu cầu và lợi thú địa phương, cũng như là tiếng nói của người dân sinh sống trong một phần đất ở đia phương liên quan đến đường lối mà mình cho là chính đáng đối với phương thức phải có để điều hành cuộc sống chung của Quốc Gia. Tiếng nói đó được diển tả bằng phương thức " chuẩn y hay bác bỏ" các dự án luật để điều hành Quốc Gia. Hay nói như Hiến Pháp 1949 CHLBD:
- " Qua Thượng Viện Liên Bang, các Tiểu Bang cộng tác vào tiến trình lập pháp và quản trị của Liên Bang" ( Điều 50, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Thượng Viện Liên Bang CHLBD được cấu tạo bằng các Thượng Nghị Sĩ là những thành viên của các Chính Quyền các Tiểu Bang, là tiếng nói của Chính Quyền các Tiểu Bang trước tiên và là tiếng nói của dân chúng địa phương ở các Tiểu Bang kế đến:
- " Thượng Viện Liên Bang gồm các thành viên của Chính Quyền các Tiểu Bang, là những thành viên mà các Chính Quyền vừa kể bổ nhiệm hay bãi nhiệm" ( Điều 51, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Trái lại, cũng cùng với mục đích vừa kể cho tiếng nói để bênh vực quyền và lợi thú của dân chúng địa phương, Thượng Viện của Ý Quốc có các thành viên của mình được tuyển chọn khác hơn so với thành viên của Thượng Viện Liên Bang CHLBD. Các Thượng Nghị Sĩ ở Ý Quốc được giao cho dân chúng và cơ chế các Vùng tuyển chọn:
- " Thượng Viện Cộng Hoà được tuyển chọn dựa trên nền tảng Vùng" ( Điều 57, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Trở lại Thượng Viện Liên Bang CHLBD, chúng ta thấy Thượng Viện vẫn còn giữ những đặc tính của những cơ quan Quốc Hội của thời kỳ trước đó, Thượng Viện của thời Vương Quốc Bismarck ( Reichsrat), cũng như là Hội Đồng các Bộ Trưởng và Tổng Thống thời 1947-1949, tức là một Hội Đồng gồm có thành viên Chính Quyền các Tiểu Bang và Liên Bang.
Như trên đã nói thành phần của Thượng Viện Liên Bang gồm các thành viên của Chính Quyền các Tiểu Bang phái đến hay thu hồi.
Mỗi Tiểu Bang có từ 3, 4, 5 hay 6 Thượng Nghị Sĩ tùy theo dân số trong Tiểu Bang:
- " Mỗi Tiểu Bang ( Land) có ít nhứt 3 lá phiếu, các Tiểu Bang ( Laender) có hơn hai triệu dân chúng, có được 4 phiếu; các Tiểu Bang có hơn 6 triệu dân, có được 5 phiếu; các Tiểu Bang có hơn bảy triệu, có được 6 phiếu" ( Điều 51, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Những gì vừa kể cho thấy các Tiểu Bang có thể có từ 3, 4, 5, hay 6 Thượng Nghị Sĩ, tùy theo số dân chúng trong Tiểu Bang. Tiêu chuẩn để chuẩn định số Thượng Nghị Sĩ cho mỗi Tiễu Bang là tiêu chuẩn không theo sát đa số tỷ lệ, cho bằng đa số tỷ lệ có cân nhắc ( proporzionale ponderata)
Mặc dầu không theo nguyên tắc bình đẳng tuyệt đối cho mọi Tiểu Bang như Hoa Kỳ, CHLBD áp dụng phương thức ưu đãi hơn những Tiểu Bang có dân chúng thiểu số.
Và tổng số các đại biểu Thượng Viện Liên Bang ở CHLBD là 69 thành viên.
Còn nữa, mặc dầu mỗi Tiểu Bang có số Thượng Nghị sĩ khác nhau, nhưng khi bỏ phiếu để quyết định, các đại biểu của mỗi Tiểu Bang đều chỉ có thể
cùng nhau đồng thuận bỏ phiếu cho một ý kiến duy nhứt. Đó là những gì Hiến Pháp 1949 bắt buộc đối với các Thượng Nghị sĩ của mỗi Tiểu Bang:
- " Các phiếu của mỗi Tiểu Bang chỉ có thể được bỏ phiếu đồng nhất với nhau ( có nghĩa là cả khối cùng một ý kiến duy nhứt với nhau) và chỉ có những thành viên có mặt hay những ai đại diện cho mới được bỏ phiếu" ( Điều 51, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Điều đó có nghĩa là các Thượng Nghị Sĩ Liên Bang là những người đại diện cho Tiểu Bang, chớ không cho các chính đảng xuất xứ của mình. Trong trường hợp Chính Quyền của một Tiểu Bang là một Chính Quyền liên hiệp bởi nhiều đảng phái, Chính Quyền phải thoả thuận trước với các chính đảng thành viên và ra chỉ thị duy nhứt cho các thành viên của mình ở Thượng Viện rập khuôn hành động, vì lợi ích mà mình muốn cho đồng bào địa phương ở Tiểu Bang.

II - Tổ chức nội bộ.
Thượng Viện CHLBD là một Viện Quốc Hội có quyền tự trị được Hiến Pháp xác nhận:
- " Thượng Viện tuyển chọn Vị Chủ Tịch của mình mỗi năm" ( Điều 52, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Nhiệm kỳ của Vị Chủ Tịch kéo dài một năm và được chọn luân phiên thay đổi, tuyển chọn giữa các thành viên Chính Quyền các Tiểu Bang.
Vị Chủ Tịch
- có phận sự triệu tập Thượng Viện, nhứt là bắt buộc phải triệu tập theo lời yêu cầu của ít nhứt hai Tiểu Bang hay của Chính Quyền Liên Bang:
* " Vị Chủ Tịch triệu tập Thượng Viện. Và bắt buộc phải triệu tập theo lời yêu cầu của ít nhứt hai Tiểu Bang hay của Chính Quyền Liên Bang" ( Điều 52, đoạn 2, id.).
- có quyền thay thế các phận vụ của Vị Nguyên Thủ Quốc Gia, trong trường hợp ông bị cản trở hay bị trống ngôi trước định kỳ:
" Các phận vụ của Tổng Thống Cộng Hoà Liên Bang, trong trường hợp bị cản trở hay trống ngôi trước định kỳ, được xử lý bởi Vị Chủ Tịch Thương Viện" ( Điều 57, id.).
Ngoài ra Thượng Viện có quyền tự tri, tự chuẩn y các điều khoản nội quy của mình với sự đồng thuận của đa số:
* " Thượng Viện chuẩn y bằng ít nhứt là đa số phiếu của mình. Có quyền tự tạo cho mình nội quy. Các phiên họp của Thượng Viện là những phiên họp khoáng đại trước công chúng. Một đôi khi cũng có thể có những phiên họp kín" ( Điều 52, đoạn 3, id.).
Về tổ chức nội bộ, Thượng Viện có thể thành lập các Ủy Ban chuyên môn thường trực, mỗi Ủy Ban có sự tham dự ít nhứt là một thành viên của mỗi Tiểu Bang, và đó là những phương thức và dụng cụ để Thượng Viện hoạt động.
Ngoài ra các Ủy Ban chuyên môn cũng có thể mời thêm những thành viên hay đại diện chuyên môn khác của Chính Quyền các Tiểu Bang ( Điều 52, đoạn 4, id.).
Khi một dự án luật hay một vấn đề liên quan đến việc quản trị do Chính Quyền Liên Bang đệ trình trực tiếp hay đã được Hạ Viện Liên Bang chuẩn y,
Thượng Viện sẽ lập tức chuyển giao cho các Ủy Ban chuyên môn liên hệ và được Ủy Ban chuyển giao cho Chính Quyền Tiểu Bang duyệt xét.
Vấn đề duyệt xét và chuẩn định dự án luật hay vấn đề chuyên môn liên quan đến việc quản trị, lắm khi đặt các Dân Biểu Hạ Viện trong tình trạng bối rối, bởi lẽ thường thì các Dân Biểu Hạ Viện được tuyển chọn không phải tất cả là những chuyên viên luật pháp cũng như hành chánh, cho bằng là những người có khả năng và đường lối chính trị " hợp gu " với dân chúng.
Tình trạng bối rối vừa kể không xảy ra đối với các Thượng Nghị Sĩ, bởi lẽ trước tiên họ hầu hết là những chuyên viên ( luật pháp, hành chánh, cũng như nhiều lãnh vực khác...) được Chính Quyền các Tiểu Bang biết khả năng và cắt đặt, bổ nhiệm họ vào Thượng Viện.
Ngoài ra, một dự án luật hay một vấn đề hành chánh quản trị được chuyển đến các Ủy Ban chuyên môn Thượng Viện như đã nói, Ủy Ban đặc trách sẽ lập tức chuyển về Chính Quyền các Tiểu Bang để hỏi ý kiến, duyệt xét và phán quyết bởi bao nhiêu chuyên viên liên hệ khác ở địa phương, trước khi chính Ủy Ban đứng ra phán quyết và cho Hội Đồng Thượng Viện biết ý kiến.
Điều vừa kể cho thấy trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước, không phải chỉ có Hạ Viện ( với số đông "cả vú lấp miệng em", đồng thuận với Đảng và Nhà Nước, muốn soạn thảo, áp đặt luật lệ nào lên đầu lên cổ dân cũng được), mà tiến trình " lập pháp " ( chuẩn y hay bác bỏ dự án luật đang bàn), còn phải " đếm xỉa" đến ý kiến và sự đồng thuận của Thượng Viện, là sự hiểu biết và đồng thuận đến từ địa phương.
Điều đó cho thấy tại sao Hiến Pháp 1949 CHLBD xác nhận:
- " QuaThượng Viện, các Tiểu Bang cộng tác vào tiến trình lập pháp và hành chánh của Liên Bang" ( Điều 50, Hiến Pháp 1949 CHLBD).

III - Tiến trình lập pháp.
Quyền có sáng kiến đề thảo dự án luật được giao cho
- Chính Quyền Liên Bang,
- các thành viên Hạ Viện Liên Bang
- và Thượng Viện Liên Bang
" Các dự án luật được đệ trình lên Hạ Viện bởi Chính Quyền Liên Bang, các thành viên Hạ Viện Liên Bang hay bởi Thượng Viện Liên Bang" ( Điều 76, đoạn 1, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Khi Chính Quyền Liên Bang, qua các Bộ Trưởng của mình, soạn thảo dự án luật, dự án phải được đệ trình lên Thượng Viện Liên Bang.
Một khi nhận được dự án, Thượng Viện Liên Bang, trong vòng 6 tuần lễ phải cho biết ý kiến của mình.
Trong trường hợp một dự án luật được Chính Quyền coi là " bất thường và khẩn cấp", sau khi đệ trình cho Thượng Viện, chỉ cần sau 3 tuần lễ đệ trình cho Thượng Viện, Chính Quyền cũng có thể chuyển đến Hạ Viện, dù cho Thượng Viện chưa trả lời cũng vậy:
- " Chính Quyền Liên Bang có thể chuyển giao cho Hạ Viện Liên Bang, sau 3 tuần lễ một dự án luật mà mình cho là khẩn cấp bất thường, đã được chuyển đến Thượng Viện Liên Bang, cho dù chưa được ý kiến của Thượng Viện Liên Bang hồi âm; nhưng rồi phải chuyển đến Hạ Viện Liên Bang lập tức, vừa khi nhận được hồi âm của Thượng Viện" ( Điều 76, đoạn 2, id.).
Điều vừa kể cho thấy không thể vì bất cứ lý do gì Chính Quyền có thể bị tê liệt, cho dù dự án luật phải được cả Lưỡng Viện Quốc Hội duyệt xét cũng vậy, nhứt là trong các trường hợp " cần thiết và khẩn trương ", các thành viên Quốc Hội không thể làm việc tắc trách " nghị gù, nghị gật " chờ hết tháng lãnh lương, ngồi đó hút thuốc và ngâm tôm dự án.
Cũng vậy, một dự án luật được các thành viên Hạ Viện Liên Bang soạn thảo được chuyển đến Thượng Viện để duyệt xét, Thượng Viện sẽ chuyển đến Chính Quyền Liên Bang để tham khảo ý kiến, bởi lẽ khi dự án trở thành luật, Chính Quyền sẽ là cơ quan có nhiệm vụ áp dụng để thi hành, không thể thi hành một chương trình áp đặt cho mình bổng nhiên từ trên trời rớt xuống ( Scholl U., Der Bundesrat in der deutschen Verfassungstwichklung. Berlin, 1982, 772).
Các dự án luật đều được các Ủy Ban chuyên môn của Hạ Viện cũng như Thượng Viện Liên Bang duyệt xét, được các phiên họp Hội Đồng ( plenum) của mỗi Viện nhóm họp bàn thảo và " chuẩn y " với đa số tuyệt đối.
Trừ trường hợp các dự thảo tu chính án đối với Hiến Pháp, phải được cả hai Viện Quốc Hội đồng thuận với số phiếu ít nhứt của 2/3 thành viên:
- " Một đạo luật như vừa kể ( về tu chính Hiến Pháp) phải được sự đồng thuận của 2/3 thành viên Hạ Viện và 2/3 thành viên Thượng Viện Liên Bang" ( Điều 79, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Một tỷ lệ gia trọng không phải dễ thực hiện.
Còn nữa, Hiến Pháp 1949 CHLBD cũng như hầu hết các Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu là những Hiến Pháp cứng rắn, nên dù cho cả Thượng Viện và Hạ Viện, cộng chung với trưng cầu dân ý 100% đồng thuận, cũng không ai được phép sữa đổi một số điều khoản nền tảng, bởi lẽ đó là nền tảng của Nhân Bản và Dân Chủ trên đó toà nhà Quốc Gia được xây dựng.
Xóa bỏ các nguyên tắc nền tảng là đạp đổ cả toà nhà Quốc Gia, được đặt trên nền tảng Nhân Bản và Dân Chủ.
Và đạp đổ nền tảng Nhân Bản và Dân Chủ, hay không chấp nhận Nhân Bản và Dân Chủ, không còn có cách sống gì hơn là cách sống mọi rợ.
Hiểu như vậy chúng ta hiểu được tại sao Hiến Pháp 1949 CHLBD nói riêng và các Hiến Pháp Tây Âu nói chung không chấp nhận bất cứ một tu chính án, sữa dổi nào đối với các nguyên tắc nền tảng của Quốc Gia:
- " Không thể chấp nhận bất cứ một sự sữa đổi nào đối với Hiến Pháp nầy liên quan đến mối liên hệ giữa Liên Bang và các Tiểu Bang, đến việc các Tiểu Bang tham dự vào tiến trình lập pháp hoặc đến các nguyên tắc đã được tuyên bố ở điều 1 và điều 20 " ( Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
( Điều 1 nói lên phẩm giá bất khả xâm phạm của con người và điều 20, định nghĩa Đức quốc là một Quốc Gia Cộng Hoà Liên Bang, Dân Chủ và Xã Hội).
Các dự án luật được Hạ Viện Liên Bang chuẩn y được đưa đến Thượng Viện.
Tại đây, quyền " lập pháp" ( chuẩn y hay bác bỏ ) của Thượng Viện được thay đổi tùy theo loại luật pháp mà mình phải duyệt xét và phán quyết.
a) Có những trường hợp trong đó phán quyết đồng thuận của Thượng Viện ( Zustimmungsgesetze) được coi như là điều không thể thiếu, để biến dự án luật ( dù đã được Hạ Viện quyết định) thành đạo luật có hiệu lực luật định.
Đó là những trường hợp dự án luật liên quan đến quyền và lợi thú của các Tiểu Bang, đến các vấn đề quản trị, tài chánh và thuế vụ, cũng như những dự thảo tu chính Hiến Pháp như đã nói.
Trong các trường hợp vừa kể, phán quyết " bác bỏ " của Thượng Viện được coi là phán quyết phủ định tuyệt đối, và dự án luật không có cách gì có thể trở thành đạo luật thực định ( Pier Giorgio Lucifredi, Appunti di Diritto Costituzionale Comparato, Giuffré, Milano 1992, 54).
b) Đối với các trường hợp luật pháp thông thường, Thượng Viện có quyền " đồng thuận chuẩn y hay bác bỏ" như là một Viện Quốc Hội ( ngang hàng với Hạ Viện). Trong các trường đang bàn, nếu Thượng Viện " bác bỏ " một dự án luật đã được Hạ Viện " chuẩn y ", Hạ Viện có thể duyệt xét lại và " chuẩn y " với đa số tuyệt đối như đa số mà Thượng Viện đã " bác bỏ" và dự án luật có thể được coi là đã trở thành luật.
Nhưng nếu Thượng Viện " bác bỏ " với đa số 2/3 các thành viên, muốn thắng được Thượng Viện, Hạ Viện cũng phải hội đủ 2/3 thành viên để " chuẩn y":
- " Nếu ý kiến trái ngược được đa số phiếu Thượng Viện chuẩn y, ý kiến đó có thể bị khước từ bởi đa số phiếu các thành viên Hạ Viện. Trong trường hợp Thượng Viện tỏ ý bất đồng với ít nhứt đa số 2/3 số phiếu, Hạ Viện có thể khước từ sự bất đồng đó bằng số phiếu 2/3 của đa số các thành viên Hạ Viện" ( Điều 77, đoạn 4, id.).
Thật ra trong suốt trên 50 năm lịch sử CHLBD từ ngày ban hành Hiến Pháp 1949 cho đến nay, những cuộc đụng độ giữa Thượng Viện Liên Bang và Hạ Viện Liên Bang như vừa kể rất hiếm xảy ra, bởi lẽ ngoài các mối tương quan " hiến định " như vừa kể, giữa hai Viện Quốc Hội còn có Ủy Ban Hoà Giải ( Vermittlungs ausschuss) gồm 10 thành viên Thượng Viện và 16 thành viên Hạ Viện.
Các thành viên của Ủy Ban Hoà Giải can thiệp với tư cách hoàn toàn cá nhân, cho biết ý kiến cá nhân của mình đối với vấn đề được đặt ra, không cần phải hỏi ý kiến Chính Quyền các Tiểu Bang, cũng như ý kiến của các chính đảng mà mình có liên hệ.
Hơn nữa những cuộc thăm dò ý kiến cá nhân vừa kể của Ủy Ban Hoà Giải được thảo luận trong phòng kín, không quảng cáo ra bên ngoài, do đó cũng không chịu ảnh hưởng dư luận công chúng.
Bởi đó những ý kiến của Ủy Ban Hoà Giải được biểu quyết sau đó, dường như trên 90% đều được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều đồng thuận chấp nhận ( Pezzini B., Il Bundesrat della Germania Federale, Giuffré, Milano 1990, 214).
Tiến trình lập pháp được thực hiện theo thứ tự:
- trước tiên dự án luật được Hạ Viện Liên Bang chuẩn y,
- liền sau đó dự án đã được chuẩn y được Hạ Viện chuyển qua cho Thượng Viện,
- trong trường hợp Thượng Viện không đồng ý, nội trong 2 tuần lễ Thượng Viện ( hoặc Hạ Viện hay ngay cả Chính Quyền Liên Bang) có thể triệu tập Ủy Ban Hoà Giải để giải quyết:
* " Trong trường hợp một đạo luật cần có sự đồng thuận của Thượng Viện, ngay cả Hạ Viện hay Chính Quyền Liên Bang cũng có thể triệu tập Ủy Ban Hoà Giải" ( Điều 77, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Các đề nghị của Ủy Ban Hoà Giải được chuyển đến Hạ Viện, và Hạ Viện phải sữa chữa điều khoản luật hợp với lời yêu cầu của Ủy Ban:
- " Trong trường hợp Ủy Ban đưa ra những sữa đổi đối với văn bản luật đã được chuẩn y trước đó, Hạ Viện phải có một quyết định mới " ( Điều 77, đoạn 2, id.).
Nếu văn bản mới của đạo luật lại gặp sự đối kháng của Thượng Viện, Hạ Viện có thể vượt thắng được Thượng Viện với số phiếu đa số hay số phiếu đa số 2/3 được đề cập ở trên ( Điều 77, đoạn 4 , id.).
Qua những gì vừa kể cho thấy vai trò quan trọng của Thượng Viện trong tiến trình lập pháp Quốc Gia.
Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Liên Bang.
Điều đó có nghĩa là thành phần chính đảng chiếm đa số có thể là đa số ở Hạ Viện Liên Bang và đa số đương quyền ở Chính Quyền Liên Bang. Nhưng điều đó không có gì bảo đảm là đa số đang chiếm quyền ở Liên Bang cũng là đa số lãnh đạo ở Chính Quyền các Tiểu Bang.
Do đó Thượng Viện được cấu tạo bằng thành phần Chính Quyền các Tiểu Bang có thể có thành phần đa số khác với đa số ở Hạ Viện Liên Bang.
Điều đó có nghĩa là Thượng Viện Liên Bang có thể là tiếng nói đối lập, có bổn phận và có quyền gạn lọc, sữa đổi, hảm thắng, cắt xén bớt những quá lố của đường lối chính trị Quốc Gia cũng như của luật pháp do Hạ Viện và Chính Quyền Liên Bang toa rập nhau soạn thảo và áp đặt.
Nói cách khác, Thượng Viện Liên Bang của CHLBD là cơ quan được Hiến Pháp giao phó cho quyền và trách nhiệm tránh " trung ương tập quyền", dễ đưa đến đọc tài ( Heger M., Deutscher Bundesrat und Schweizer Staenderat, Berlin, 1990, 712).
Dân chủ là vậy!
Dân chủ không có nghĩa là chỉ mơ ước không ai được áp đặt, độc tài hành xử quyền lực Quốc Gia, mà còn suy nghĩ và tìm ra cơ chế để bảo đảm cho độc tài không có thể ngóc đầu lên được.
Thượng Viện CHLBD chính là cơ chế đó, mà các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 CHLBD đã nghĩ ra.
Sau khi bản văn luật pháp được Hạ Viện và Thượng Viện đều đồng thuận chuẩn y, nếu cần phải trải qua tiến trình vừa kể, kế đến sẽ được Tổng Thống tuyên bố ban hành, với chữ ký của Thủ Tướng và các Bộ Trưởng liên hệ.
Đạo luật được công bố sẽ được phổ biến trên Tờ Công Báo Liên Bang ( Bundesgesetzblatt) và sẽ có hiệu lực sau 14 ngày được công bố.

IV - Tình trạng lập pháp khẩn trương.
Những gì chúng ta vừa đề cập đến vai trò của Thượng Viện Liên Bang CHLBD là hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống thường nhật.
Hạ Viện và Thượng Viện Liên Bang là hình thức Quốc Hội Lưỡng Viện dị biệt được CHLBD áp dụng trong cuộc sống Quốc Gia: Hạ Viện được dành nhiều quyền ưu tiên hơn Thượng Viện, nhưng Thượng Viện cũng được dành cho một số quyền quan trọng.
Nói cách khác, Thượng Viện Liên Bang là
" Viện của những nhà khôn ngoan, có khả năng hảm thắng trung ương tập quyền của Chính Quyền và lối hành xử chính trị mỵ dân của Hạ Viện" ( Pizzini G., Il Bundesrat nella Germania Federale. Il modello tedesco e la riforma del bicameralismo nello Stato a base regionale, Giuffré, Milano 1990, 187).
Nhưng cuộc sống Quốc Gia không phải lúc nào cũng trôi chảy, " thuận bườm xuôi gió" .
Cuộc sống chung là vậy, cuộc sống trong gia đình giữa hai vợ chồng " yêu nhau thắm thiết " còn vậy, huống lựa là cuộc chung sống trong một Quốc Gia, giữa vài chục triệu người với nhau.
Bởi đó, muốn cho cuộc sống Quốc Gia được trôi chảy, yêm thắm, các vị soạn thảo Hiến Pháp phải nghĩ ra phương thức để giải quyết các nghịch cảnh.
Phương thức mà các vị nghĩ ra trong lãnh vực lập pháp đang bàn, đó chính là Thượng Viện Liên Bang CHLBD.
Trường hợp không " thuận bườm xuối gió" đó, được Hiến Pháp 1949 CHLBD diển tả và đưa ra phương thức giải quyết trong hai điều 68 và 71:
- " Trong trường hợp Thủ Tướng Chính Phủ yêu cầu Hạ Viện Liên Bang đồng thuận tín nhiệm ông không được đa số Hạ Viện đáp ứng, Tổng Thống Liên Bang có thể, theo lời đề nghị của Thủ Tướng, trong vòng 21 ngày giải tán Hạ Viện. Quyền giải tán sẽ không còn hiệu lực, vừa khi Hạ Viện chọn được một Thủ Tướng khác thay thế với đa số thành viên của mình" ( Điều 68, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
- " Nếu trong trường hợp đã được đề cập đến ở điều 68, Hạ Viện Liên Bang không bị Tổng Thống bải nhiệm, theo lời yêu cầu của Thủ Tướng Liên Bang và với sự đồng thuận của Thượng Viện, Tổng Thống Liên Bang có thể tuyên bố tình trạng lập pháp khẩn trương đối với một dự án luật, mà Hạ Viện đã bác bỏ, mặc dầu Thủ Tướng Liên Bang đã tuyên bố đó là dự án khẩn trương.
Điều vừa kể cũng có giá trị đối với một dự án bị bác bỏ, mặc dầu Thủ Tướng Liên Bang đã đặt liên hệ giữa dự án và các điều kiện được điều 68 nêu lên".
- " Nếu Hạ Viện vẫn bác bỏ nữa dự án luật sau khi tình trạng lập pháp khẩn trương đưọc tuyên bố hay được chuẩn y với bản văn mà Chính Quyền không chấp nhận được, dự án luật có thể được xem là được chuẩn y, nếu có sự đồng thuận của Thượng Viện Liên Bang. Điều vừa kể cũng có giá trị đối với dự án luật mà Hạ Viện không chấp thuận trong vòng 4 tuần lễ sau ngày đệ trình" ( Điều 81, đoạn 1 và 2, id.).
Điều vừa kể cho thấy Hạ Viện không thể cậy vào đa số đồng thuận các thành viên của mình mà làm mưa làm gió, tạo tê liệt cho cuộc sống Quốc Gia.
Nhứt là khi Hạ Viện bị " Đảng và Nhà Nước lủng đoạn khuynh đảo, ra chỉ thị phải nhất trí với Đảng", " cả vú lấp miệng em ", lấy đa số đè bẹp và đàn áp thiểu số.
Một dự án luật cần thiết và khẩn trương để đối phó với tình thế mà không được Hạ Viện " chuẩn y " cho phép áp dụng, làm cho Chính Quyền bị bó tay, tạo thiệt hại khó lường được cho cuộc sống Quốc Gia.
Điều may của CHLBD là quyền hành pháp Quốc Gia không phải chỉ có Hạ Viện, và Quốc Hội Lưỡng Viện của CHLBD cũng không phải là Quốc Hội với hai Viện đồng đẳng.
Hạ Viện Liên Bang có nhiều quyền hành hơn trong cuộc sống thường nhật, nhưng Thượng Viện Liên Bang được Hiến Pháp dành cho vai trò thượng đẳng trong các cơn khủng hoảng, cùng hợp tác với Tổng Thống để tháo gở những khó khăn cho Quốc Gia.
Thượng Viện Liên Bang là
- tiếng nói của người dân sống ở một phần đất địa phương, nói lên nhu cầu, ước vọng của địa phương, mà cũng là tiếng nói địa phương liên quan đến cuộc sông chung của cộng đồng Quốc Gia,
- là cơ quan gạn lọc, kiểm soát, thắng bớt, điều chỉnh những tư tưởng và hành vi quá lố của đa số đương quyền trung ương,
- là cơ quan cản trở chống lại trung ương tập quyền
- và là cơ quan giúp tháo gở những gút mắc trong cuộc chung sống Quốc Gia.
Phải chăng tổ chức Thượng Viện Liên Bang CHLBD là một bài học cho Đất Nước chúng ta trong tương lai?


0 Comments:

Post a Comment

<< Home