Sunday, January 14, 2007

Người Việt ở Hàn Quốc : Làm 'chui' xứ Hàn

Người Việt ở Hàn Quốc : Làm 'chui' xứ Hàn

đăng ngày 2006/5/16 22:08:47 (171 lần xem)

Một buổi dã ngoại của các lao động VN tại Hàn Quốc.


Đưa lao động ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Hằng năm, những lao động này còn mang về nước một lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, do sự hấp dẫn của đồng lương, một số đã tự phá vỡ hợp đồng để trở thành những lao động bất hợp pháp trên đất khách.


Nhìn những người bạn cùng chăn trâu, cắt cỏ ngày nào giờ đã quần jean, áo pull thẳng nếp, giày Adidas... chễm chệ bước lên máy bay đi xa, D. (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM) không nén được tham vọng “đổi đời”. Rồi nhà ông K. xóm trên vốn ngày nào nhếch nhác bỗng phút chốc phất lên nhờ có 2 con đi hợp tác lao động. Tất cả những thứ đó đã thôi thúc D. hạ quyết tâm: Phải đi cho bằng được...

Và thế là, D. về nhà thúc giục cha mẹ bán nửa mẫu đất bưng còn lại của gia đình để lấy tiền cho mình thực hiện giấc mộng đổi đời. Cầm 50 triệu đồng trong tay, D. nhờ người quen “chạy” cho chiếc giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 2 (vì D. nghỉ học năm lớp 6) với giá 5 triệu đồng. Khi đã có bằng cấp, D. lặn lội về TP đăng ký đi Hàn. Sau 5-6 lần trật vuột trong khâu sơ tuyển vì kiến thức cơ bản trên “tiểu học” một tí mà D. tiếp thu cách đây gần chục năm đã “ra đi” gần hết, may nhờ có người “chạy thuốc” nên cuối cùng D. cũng được tuyển. Sau 3 tháng “bế quan luyện tiếng Hàn”, cuối cùng D. cũng nhận được visa nhập cảnh. Ngày D. lên đường, cả xóm được một bữa tiệc linh đình kéo dài từ trưa cho đến tận chiều tối.

Tuy nhiên, chỉ 7 tháng sau, vào một buổi chiều, người dân Thái Mỹ lại thấy D. lặng lẽ về nhà trên một chiếc xe ôm. Đến lúc này, cả nhà mới ngã ngửa ra khi D. thông báo mình bị bắt và bị trục xuất vì lao động “chui”. D kể: “Qua đó mình được bố trí vào một xưởng cơ khí để làm. Được khoảng 3 tháng tình cờ gặp lại người bạn cũ. Qua vài lần đi lại, mình quyết định trốn vì giá nhân công ở các xưởng bên ngoài cao hơn 100-200 USD một tháng”. Tuy nhiên, với vốn tiếng Hàn chỉ ở dạng “lớp chồi”, cộng với tính tình thiệt thà, nên chỉ 3 tháng sau, D. bị “tó” và bị trục xuất về Việt Nam. Lương bị mất, số tiền thế chân cũng không được công ty xuất khẩu lao động trả lại. Thế là giấc mơ đổi đời của D. nhanh chóng tan biến. Cùng chuyến đi và bị trục xuất lần ấy với D. còn có anh bạn tên H. (xã Phước Vĩnh An). Gia đình H. cũng phải bán đứt mẫu đất còn lại để trả nợ cho tham vọng làm “chui” của H...

Bấp bênh phận làm “chui”

Vất vả, đó chính là đáp án chung mà tất cả các lao động “trong” hay “ngoài” đều gặp phải. Tuy nhiên, với cánh lao động “chui”, ngoài chuyện cực nhọc ra còn vô số vấn đề khác phải lo. L., một lao động vừa mới bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam hồi đầu tháng 1 năm nay, kể: “Sống chui lúc nào cũng nơm nớp lo. Nếu bị bắt, coi như mọi thứ chấm hết: bị tống vô trại tập trung một tuần lễ, trục xuất, thế là xong!”.

Để tồn tại với sự khắc nghiệt đó, các công nhân thường phải thuê nhà ở với nhau theo từng nhóm một nhằm mục đích chia nhau thay phiên... “canh me” cảnh sát. Tuy nhiên, đấy cũng chưa cực bằng ngày truy quét, lúc ấy họ phải nâng mức báo động lên “vạch đỏ”. Đối phó với tình huống này, các lao động lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng: quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào bao tải để khi có động là “phăng” cho thật lẹ. Giá của nhà trọ cũng là một nỗi lo đáng kể: Một căn nhà xoàng xoàng chí ít cũng trên 500 USD/tháng và thường phải đặt cọc trước 6 tháng. Để giảm bớt gánh nặng tiền nhà, các lao động thường tụ lại với nhau thành từng nhóm 3-5 người.

Lao động “chui” cũng là đối tượng chính để một số ông chủ Hàn bất lương lừa gạt chiếm đoạt tiền. Biện pháp của các ông chủ này rất đơn giản: Làm gần 1 tháng thì kiếm chuyện đuổi việc. Điều đó đồng nghĩa với việc khoản tiền lương mà ông chủ hứa miệng sẽ trả vào cuối tháng sẽ chẳng bao giờ đến tay các công nhân. Là người đã từng bị “xù” đến 4 lần, H.V chua chát kết luận: “Dù sao làm việc ở trong hợp đồng còn được luật pháp bảo vệ, chứ làm việc ở ngoài thì chẳng ai bảo vệ cả... phải tự bơi là chính”.

Bên cạnh đó, tai nạn lao động cũng là một vấn đề mà tất cả các lao động chui đều rất sợ gặp phải. Bởi họ không được bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, trong khi chi phí cho việc điều trị ở bệnh viện lại rất đắt. Vì thế khi rủi ro bị tai nạn, các lao động chỉ còn biết nương tựa vào nhau để sống lây lất qua ngày chờ khi lành lặn trở lại.


Theo Người Lao Động

http://www.viet-europe.de/modules/news/article.php?storyid=776

Người Việt ở Hàn Quốc : Nổi chìm đời dâu Việt xa quê

đăng ngày 2006/9/22 12:26:16 (78 lần xem)

Một đám cưới Việt - Hàn do một công ty môi giới hôn nhân tổ chức.

Nguyễn Thị Linh, 18 tuổi, quê ở An Giang, lấy chồng tại tỉnh Kyungju, Hàn Quốc, tự tử vì không chịu nổi sự đánh đập hành hạ. Gia đình người chồng chỉ trả viện phí và khai báo cảnh sát đã xem như xong việc, không thấy xuất hiện nữa.



Nhờ một số đồng hương Việt Nam, thi thể của cô mới được đưa về quê.

Gần giống hoàn cảnh ấy, một cô gái khác tên Ngoan, 19 tuổi, cho biết cô lấy phải một người chồng “bệnh hoạn”. Hắn thường đánh đập Ngoan “cho vui” vì “buồn nó đánh, vui nó cũng đánh, say xỉn là nó đánh”. Trong khi đó, một chữ tiếng Hàn, Ngoan cũng không biết. Cô được gả cho người đàn ông xa lạ này thông qua môi giới và vội vàng bay sang Hàn Quốc vài tháng trước.

Tại nhà khách của đồn cảnh sát thành phố Chonbuk có nhiều cô dâu nước ngoài, chủ yếu là người Việt, trong đó có Ngoan. Những cô gái này thường sống chui lủi, tránh sự truy tìm của cảnh sát mà sống bất hợp pháp, trong tay không có giấy tờ tùy thân vì đã bị bên môi giới hoặc nhà chồng giữ hết.

Hầu hết những cô gái Việt Nam môi giới cho đàn ông Hàn Quốc có trình độ học vấn rất thấp. Nhiều cô dâu Việt nhờ môi giới lấy chồng Hàn để mong có cuộc sống sung túc hơn. Không ít cô còn phải ký giấy nợ hoặc chịu những ràng buộc về tiền bạc mà những tổ chức đưa ra để chặn hết đường về. Chính bởi vậy, những quảng cáo môi giới hôn nhân thường thấy trên đường phố Hàn Quốc cam kết cô dâu Việt Nam sẽ không chạy trốn, mà có chạy trốn thì họ sẽ “đền” cho khách hàng cô dâu khác.

Một cô dâu khác tên là Phúc 20 tuổi, đang ở thành phố Chonbuk, khi được gặp một người đến từ Hà Nội thì mừng rỡ cho biết cô có quen một người bạn “cùng quê với anh, hình như Hải Phòng”. Hóa ra Phúc tưởng Hải Phòng là một vùng hay một huyện xã nào đó của Hà Nội. Mới học hết lớp 7 nên trong nhà có máy tính kết nối Internet, Phúc cũng không biết dùng. Cô hầu như bị cô lập khỏi xã hội thông tin Việt Nam, ngọai trừ chuyện trò cùng vài người bạn và điện thoại về nhà.

Phúc may mắn hơn các cô gái khác lấy chồng Hàn qua môi giới. Chồng cô tuy đã lớn tuổi, hơn chừng hai con giáp, nhưng là thợ sửa xe ôtô nên thu nhập gia đình cũng không đến nỗi vất vả.

Hơn nữa, chồng cho Phúc đi làm công nhân may mặc, thỉnh thoảng ra ngoài gặp gỡ bạn bè Việt Nam khi đi nhà thờ (Phúc cải theo đạo Tin Lành của chồng). Hai năm làm vợ người đàn ông này, Phúc nói tiếng Hàn rất khá. Tuy nhiên, chồng cô đã có hai con với người vợ trước nên ông ta không muốn có con nữa và đang định đưa Phúc đi triệt sản.

Tuy nhiên ở thành phố này cũng có nhiều cặp vợ Việt chồng Hàn sống rất hạnh phúc. Họ thường kết duyên vì tình yêu chứ không qua môi giới.

Trong cuộc tuần hành hồi tháng 5 sau bài báo về cô dâu Việt, nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Hàn đến tham gia. Chị Duyên, chị Nga lặn lội từ thành phố Chonbuk cách Seoul 300 km, người mang theo con nhỏ, người mang theo nước uống, cơm ăn trưa. Chị Thủy từ Incheon đưa con cho người chồng Hàn trông nom để rảnh tay nâng cao các biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu. Kết thúc buổi diễu hành, các chị lại tất tả về nhà để kịp chuyến tàu tối.

Duyên trả lời phỏng vấn của báo Hankyoreh rằng chị và chồng biết nhau trong quá trình công tác chung ở Việt Nam. Hai người yêu nhau và đến khi không thể xa nhau nữa, chị “xuất giá tòng phu” . Chị khẳng định rằng cuộc sống ở Hàn Quốc có nhiều khó khăn với một người phụ nữ Việt Nam. Để vượt qua trở ngại ngôn ngữ và văn hóa, chị còn phải học nhiều.

Chị Nga người nhỏ bé nhưng khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười. Gia đình Nga không giàu có nhưng cũng đủ sống. Chị sang lao động từ mấy năm trước, quen chồng cũng là một công nhân. Hai anh chị cưới nhau sau một thời gian tìm hiểu. Chị nói rằng hai vợ chồng cũng có nhiều khó khăn do văn hóa và ngôn ngữ khác biệt, đôi khi không thể diễn tả chia sẻ cho nhau hết được.

Cùng tham gia cuộc tuần hành lúc đó còn có chị Trịnh Thị Liên , giám đốc một công ty hóa chất. Chị Liên trẻ hơn độ tuổi trung niên rất nhiều. Chồng chị là một doanh nhân Hàn Quốc vì quá yêu vợ mà đã ở lại Việt Nam 15 năm nay. Liên khoe rằng ông không chỉ học để nói tiếng Việt rất giỏi mà còn biết nấu món ăn Việt Nam, am hiểu văn hóa lịch sử của quê vợ. Chị nói vui, tự nhận mình là “ích kỷ” vì đã “dụ ổng” ở lại đầu tư làm ăn tại Việt Nam rồi trở thành “con nuôi” Việt Nam trước khi làm con rể.

Theo Việt Tiến
Vnexpress

Người Việt ở Hàn Quốc : Cưới hay mua vợ Việt Nam?

đăng ngày 2006/4/27 23:21:33 (176 lần xem)

Tấm ảnh này được đăng trên tờ Chosun, với các cô dâu Việt hoàn toàn không được che mặt.

Với một giọng văn lạnh lùng và vô cảm, bài báo "Các trinh nữ VN đến Korea - đất nước của hi vọng" đăng ngày 21/4/2006 trên nhật báo Chosun đang gây xôn xao dư luận trong xã hội Hàn Quốc.


Độc giả HQ, trong đó có du học sinh VN, đã phản ứng gay gắt với thái độ vô cảm của phóng viên cũng như những bức ảnh không che mặt kèm theo không đảm bảo quyền chân dung của các phụ nữ VN mà rất có khả năng sẽ trở thành cô dâu Hàn và sinh sống tại HQ.

Theo Cục Thống kê HQ, chỉ trong vòng năm năm, tỉ lệ kết hôn với người nước ngoài của HQ tăng lên ba lần, trong đó tỉ lệ lấy vợ VN lên đến 43 lần, năm 2001 là 134 người, đến năm 2005 là 5.822 người. Con số này chiếm 1/5 tổng số người HQ kết hôn với người nước ngoài, đứng thứ hai sau Trung Quốc (18.527 người). Nhưng hầu hết phụ nữ Trung Quốc này có gốc là người Hàn.

Như vậy, chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số người nước ngoài mà đàn ông HQ kết hôn là phụ nữ VN. Người ta hay cho rằng lý do chủ yếu mà đàn ông HQ thích lấy vợ VN chính là vì họ "dễ vâng lời và phục tùng" và "vì sự tương đồng về dung mạo nên khi sinh con sẽ không khác gì lắm với người HQ".

Hiện nay ở HQ, trên bất kỳ nhật báo nào cũng dễ dàng tìm thấy những lời quảng cáo như: "Cô dâu VN đã sẵn sàng, chỉ cần có ý định (của bạn)", "Người già, người muốn tái hôn, người đã có con, người khuyết tật đều có thể lấy trinh nữ VN xinh đẹp".

Những quảng cáo này còn liệt kê chi tiết về ưu điểm của các cô gái VN là: "xuất giá tòng phu", "tôn trọng người già, thờ cúng tổ tiên đến bốn đời", "dáng người đẹp nhất trên thế giới", "giữ gìn trinh tiết và chung thủy với chồng", "khác với phụ nữ Trung Quốc và Philippines, phụ nữ VN có mùi cơ thể dễ chịu", "vì đàn ông VN lười biếng nên ở nông thôn đi đâu cũng chỉ thấy phụ nữ làm việc, do vậy phụ nữ VN rất siêng năng, cần cù, không sợ lao động nặng nề ở vùng nông thôn HQ"...

Thậm chí người ta còn thấy lan tràn khắp nơi những biểu ngữ, áp phích, poster, băngrôn, tờ rơi... kêu gọi kết hôn phụ nữ VN với lời lẽ mang tính sỉ nhục nặng nề hơn: "sống thử sáu tháng, không bằng lòng thì đổi đi", "giữ nhà tốt", "(phụ nữ) VN không bao giờ chạy trốn"...

Theo luận án thạc sĩ (khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Quốc gia Seoul) của Hà Minh Thành với đề tài: Nghiên cứu về vấn đề kết hôn với người nước ngoài giữa VN và HQ thì lý do chính phụ nữ VN lấy chồng HQ là bởi "Korean dream" (giấc mơ HQ), "lý do kinh tế" và "tác động của trào lưu văn hóa HQ"...

Cũng theo luận án, giữa vợ Việt và chồng Hàn, trường hợp chênh lệch hơn 10 tuổi chiếm đa số (85%), trong đó chênh lệch hơn 20 tuổi chiếm 15%, bất mãn lớn nhất đối với chồng Hàn là vấn đề bạo lực (35%).

Hiện nay, các cuộc hôn nhân này chủ yếu được thực hiện thông qua công ty môi giới hôn nhân, tổ chức tôn giáo hoặc thông qua trung gian cá nhân. Xu thế đàn ông HQ già lấy vợ VN trẻ (trên dưới 20 tuổi) ngày càng tăng lên, theo đó hàng loạt vấn đề xã hội đã nảy sinh: cưỡng ép con dâu phải theo lối sống nhà chồng, sự căng thẳng bởi bất đồng ngôn ngữ, đối xử như vật sở hữu, xem vợ như người phục vụ, người giúp việc không lương, bạo hành tình dục...

Hầu hết phụ nữ VN sang HQ đều gặp phải những khó khăn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội như bị kết hôn giả hay những cái nhìn phiến diện về gái mại dâm... Thậm chí gần đây, trong hợp đồng hôn nhân cũng có trường hợp ghi rõ các điều khoản đòi cha mẹ bồi thường khi cô dâu bỏ trốn.

Trên thực tế có trường hợp một người đàn ông HQ 45 tuổi lấy vợ VN 19 tuổi, sau đó đã ly dị với lý do "vợ dậy muộn, không lo bữa sáng cho con trai đang học cấp III", và gửi đơn khiếu nại đến Viện Bảo hộ người tiêu dùng để đòi lại những chi phí thủ tục kết hôn.

"100% thanh toán sau" như một lời quảng cáo sản phẩm chính là "slogan" của các công ty môi giới hôn nhân giữa đàn ông HQ và phụ nữ VN. Hầu hết công ty môi giới hôn nhân đều tự đề cao chất lượng "món hàng" và dịch vụ hậu mãi của mình: "Tuyển chọn khắt khe các tiêu chuẩn của cô dâu về sức khỏe và phẩm hạnh", "Chỉ thanh toán sau khi đám cưới xong và trở về HQ", "Trong trường hợp ly dị mà lỗi thuộc về cô dâu thì công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm và bảo đảm tái hôn miễn phí"...

Nếu như phim truyền hình HQ đang là một "cơn sốt" ở VN thì con gái VN đang trở thành "mốt" cho giới đàn ông HQ, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Và nhật báo Chosun vừa chứng tỏ điều đó khi bình thản kể lại một câu chuyện bất thường mà như là bình thường...

Bài báo trên tờ Chosun viết gì?

Tác giả đã trực tiếp đến thăm văn phòng Công ty môi giới hôn nhân Cyclo tại TP.HCM và viết phóng sự về các cuộc hôn nhân.

Với một giọng văn lạnh lùng và vô cảm, tác giả bài báo miêu tả quá trình kết hôn giữa chú rể HQ và cô dâu VN như trong thời chiến: từ việc chọn một cô trong 150 cô gái "có mơ ước thoát khỏi cảnh đói nghèo" đến gặp mặt cô dâu, chào hỏi cha mẹ vợ, kiểm tra AIDS, đám cưới, chụp hình ngoại cảnh... tất cả chỉ diễn ra trong hai ngày! (Ku Su Jeong)

"...Trên bàn tiếp khách làm bằng tre, một người đàn ông Hàn Quốc (HQ) đang ngồi. 11 phụ nữ VN đang hồi hộp với ước mơ thoát khỏi cái nghèo. Người đàn ông HQ nhìn lướt qua một lượt khuôn mặt những cô gái đang ngồi xếp chân sang một bên. Sau 20 phút, ông ta quyết định thôi không chọn nữa và nói: "Ôi, thật ngại quá, không biết chọn ai bây giờ!".

Đó là ông Kim Chang Ho (tên giả), 35 tuổi, không nghề nghiệp, ở Incheon, có mẹ đang điều hành một quán ăn. Trước khi xem mắt trực tiếp 11 cô gái này, ông Kim đã xem qua ảnh của họ.

Ông chuyển sang phòng bên cạnh, mở đĩa CD có thời gian một tiếng rưỡi, thời gian ghi hình là tháng 4.2006. Trên màn hình lần lượt xuất hiện 150 cô gái có mã số. Ống kính quay từ khuôn mặt rồi đến toàn thân. Chỉ được 20 phút, ông lại bỏ cuộc. Có vẻ như ông đã chọn được hai trong số 11 cô gái lúc nãy.

Cô Sen là một trong hai người đó. Ông Kim hỏi Sen và một cô gái khác trạc 20 tuổi, có thân hình mảnh mai, rằng: "Tôi đang thất nghiệp nhưng sẽ xin việc làm. Mẹ tôi đã có tuổi và bà đang kinh doanh một cửa hàng thức ăn nhỏ. Có nuôi mẹ tôi được không?". Cả hai cô gái đều gật đầu. Cái trầm lặng cho cuộc nói chuyện giữa những người xa lạ với nhau càng trở nên dài hơn.

Quê Sen là một vùng nông thôn nghèo khó, cách TP.HCM bốn giờ xe chạy. Từ một năm trước cô đã có ước mơ lấy chồng nước ngoài. Cô muốn thoát khỏi cảnh nghèo. Cô nói: "Con gái của dì em ba năm trước lấy chồng Đài Loan, nhờ đó mà đã xây được nhà tường". Cô cũng đang mơ "giấc mơ HQ" như thế. Cách đây mười hôm, Sen đăng ký với văn phòng môi giới hôn nhân và đã qua một cuộc phỏng vấn nhưng không được chọn.

Vứt bỏ điếu thuốc, sau một hồi chần chừ, ông Kim cũng chọn Sen: "Mẹ tôi dặn đi dặn lại là chọn cô nào có tướng tá to lớn để mai mốt còn phục vụ cơm nước cho bà".

Hai người thành đôi và lập tức đến bệnh viện để xét nghiệm HIV...

Theo TTO/Chosun.

http://www.viet-europe.de/modules/news/article.php?storyid=745

0 Comments:

Post a Comment

<< Home