Wednesday, February 07, 2007

NEPAL - HÒA BÌNH TRONG TẦM TAY

NEPAL - HÒA BÌNH TRONG TẦM TAY

Huyền Diệu

LỜI NÓI ĐẦU

Đời người thật là kỳ diệu và mầu nhiệm vô cùng. Nếu chúng ta thật sự tĩnh tâm và bình thản, chúng ta sẽ khám phá và nhận thấy cuộc đời này có biết bao nhiêu điều hay, biết bao nhiêu điều mầu nhiệm đã đến với chúng ta. Trong một lúc linh thiêng nơi Thánh địa nào đó, chỉ cần ta có một tâm niệm lành cho mình, cho chúng sanh, thì một thời gian sau, những điều tốt sẽ đến một cách bất ngờ trong sự mầu nhiệm mà chúng ta không thể ngờ được. Như khi tôi đến chiêm bái Thánh địa Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Phật giáng trần, tận mắt thấy Thánh địa điêu tàn, không cầm được nước mắt, tôi bèn tụng kinh trì chú, niệm Phật và cầu nguyện với mơ ước được thấy Lumbini phát triển. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, gần 30 năm sau, tôi lại là người ngoại quốc đầu tiên được mời đến cấp đất để xây dựng ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần, đó là Việt Nam Phật Quốc Tự Lumbini.

Sự hiện diện của Việt Nam Phật Quốc Tự đã kéo theo sự xây cất các chùa tháp, cơ quan văn hoá xã hội của trên 22 tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới, tạo thành một thành phố hoà bình của tôn giáo tại vườn Lumbini. Thật là mầu nhiệm, mầu nhiệm.

Năm đầu tiên tôi không thấy có chim Hồng Hạc, năm thứ hai tôi may mắn và vui mừng bất chợt thấy được hai con xuất hiện gần "toà lâu đài" bằng tre lá của mình tại khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự. Tôi cùng bạn bè, đệ tử ra sức bảo vệ, nay số lượng Hồng Hạc tăng, chúng tôi đếm được 66 con quanh vùng Lumbini.

Thật là tuyệt vời kỳ diệu, nhờ đi đếm chim Hồng Hạc, tôi tận mắt thấy cảnh khổ của dân làng khi vượt qua dòng sông oan nghiệt, tôi cầu nguyện và mơ ước … Thế là làm được cây cầu … rồi mọi người thi nhau làm việc thiện. Còn những điều hay và mầu nhiệm khác trong cuộc đời này, tôi mong có dịp kể để cùng quí vị chia sẻ.

Khi tôi đến Nepal, đất nước tươi đẹp hùng vĩ này, mọi người sống trong an lạc hoà bình, bất chợt không may chiến tranh xảy ra làm trên 14.000 người chết, hàng trăm ngàn người mất nhà mất cửa, nhiều tỷ Dollar tài sản tiêu tan vì chiến tranh, dân thường mỗi ngày mỗi nghèo mỗi đau khổ hơn … Nhiều lần nhiều học trò đệ tử yêu cầu tôi rời khỏi xứ này để được an lành hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ rằng khi mình đến Nepal thì xứ này có hoà bình, nay chẳng may có chiến tranh xảy ra, mình nỡ lòng nào bỏ đi? Tôi đã quyết định bằng mọi cách ở lại để tụng kinh, trì chú cầu nguyện và đóng góp được gì cho hoà binh trở lại xứ này thì tôi sẽ sẳn sàng làm.

Đất nước này đã có nhiều vị Phật và Thánh nhân sinh ra và người dân Nepal nổi tiếng trên thế giới là dân tộc yêu chuộng hoà bình, dân tộc sống mạnh về tâm linh. Do vậy, mặc dù tình hình rất xấu, nhưng tôi vẫn tin tưởng là sự mầu nhiệm sẽ đến với dân tộc và đất nước này, đó là hoà bình thật sự trở lại trên đất nước Nepal.

Xin tất cả chư vị cùng tôi cầu nguyện và cùng chân thành làm việc để sớm có hoà bình thật sự trên đất nước Nepal. Thành kính tri ân chư liệt quí vị. Thầy trò chúng tôi mong mỏi sớm được gặp và đón tiếp quí vị nơi Lâm Tỳ Ni, xin kính mời quí vị dừng chân thăm viếng và trú ngụ tại Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật Thích Ca giáng trần.

Kính

Huyền Diệu


NEPAL - HÒA BÌNH TRONG TẦM TAY

I. Nepal, Đất Nước Tươi Đẹp Hùng Vĩ Thu Hút Khách Năm Châu

Trong thế giới ngày nay, Nepal có thể là một nước khá nhỏ, lại nằm giữa hai nước lớn: Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng xứ sở nhỏ bé này có sức thu hút lạ kỳ, hàng triệu con người trên khắp năm châu tìm đến xứ này để chiêm bái và viếng thăm.

Cách đây 40 năm tôi đã chiêm bái vườn thiêng Lumbini và viếng thăm Nepal, và không ngờ sau cuộc chiêm bái và viếng thăm lịch sử đó, tôi đã gắn bó với xứ này phần lớn đời mình.

Nepal có thể tự hào là xứ sở có nhiều cảnh thiên nhiên tuyệt vời, với rặng Himalaya hùng vĩ, đỉnh cao của nó không đâu sánh nỗi là đỉnh Sagarmatha (Mẹ của Vũ trụ)ï mà mọi người quen gọi là ngọn Everest - cao 8848m.

Nepal có thể tự hào là quê hương của nhiều Đức Phật, của nhiều hiền giả. Đặc biệt là Lumbini, nơi giáng trần của Đức Phật Thích Ca, người đã chứng đạo và chỉ đường dẫn lối cho hàng trăm triệu con người sống trong hoà bình hạnh phúc hai mươi sáu thế kỷ qua. Biết bao nhiêu thứ triết học các nơi trên thế giới sanh ra và tự diệt trong vòng vài trăm năm hay ngắn hơn, trong khi triết học Phật giáo vẫn còn là một nghệ thuật sống tích cực đầy sức thuyết phục đối với nhân loại ngày nay.

Nepal có thể tự hào là đất nước có nhiều tôn giáo khác nhau sống chung một cách hoà thuận, chưa bao giờ xảy ra chiến tranh tôn giáo; là đất nước có một dân tộc trên 70 ngôn ngữ và sắc dân khác nhau sống trong hoà hợp nhiều trăm năm.

Nepal có thể tự hào là một trong số ít nước nhỏ trên thế giới đã giữ trọn nền đôïc lập của mình qua nhiều thế kỷ cho đến hiện tại. Chưa có một cường quốc nào dù Á châu, Âu châu hay Mỹ châu đặt được ách thống trị lên quốc gia đất không rộng người không đông này.

Nepal và người Nepal có thể tự hào về truyền thống văn hoá và tập quán của dân tộc mình vẫn giữ nguyên vẹn đến bây giờ trong khi ở nhiều nước trên thế giới những truyền thống tốt đẹp đã bị mai một. Trong những năm tháng dài sống và làm việc ở Nepal, tôi đã có dịp đi nhiều nơi tiếp xúc nhiều người, tôi thấy phần lớn người dân Nepal có lối sống hoà bình hướng nhiều về tâm linh. Trong gia đình vợ chồng rất tương kính, có nơi người chồng tôn trọng người vợ như là nữ thần, người vợ tôn trọng người chồng như là một vị thần, có sự hiếu thuận của con cái đối với ông bà cha me. Trong cộng đồng làng xã có sự đoàn kết tương trợ thân ái. Người dân Nepal còn có một vẻ đẹp đặc biệt, đó là tấm lòng cởi mở thông cảm và sẳn sàng giúp đở người lạ, người dân tộc khác từ nơi xa đến cư ngụ. Điều này bản thân tôi đã trải nghiệm trong những năm tháng sống và làm việc ở xứ sở này, đặc biệt là ở Lumbini nơi giáng trần của Đức Phật Thích Ca.

Tôi đến ở Nepal và làm việc từ hơn mười năm nay, đi nhiều nơi từ bắc xuống nam, từ đông qua tây, từ vùng núi cao Himalaya đến vùng đồng bằng Tarai, mà không bao giờ bị cảnh sát hay bất cứ nhân viên an ninh nào hỏi giấy tờ. Ngay cả những vùng xa xôi hẻo lánh mà người ta cho là mất an ninh, do quân Maoist kiểm soát tôi đi vào nhiều lần nhưng cũng chưa bao giờ bị hỏi giấy tờ hay gây khó khăn gì hết, mặc dù đất nước này đang trong thời kỳ chiến tranh. Có lẽ đây cũng là một điều đặc biệt không nước nào trên thế giới có được. Từ khi có chiến tranh tới nay, chưa có khách du lịch nào bị giết chết.

II. Tôi đã trở thành một người con của đất nước Nepal như thế nào

1/ Tâm nguyện sâu xa được thấy Lumbini khôi phục và phát triển

Là người mang quốc tịch ngoại quốc, tôi cảm thấy tự hào và hoan hỷ khi vào năm 1993 được nhà vua Birendra và chánh phủ vương quốc Nepal cùng LDT (Lumbini Development Trust - Cơ quan Ủy thác Phát triển Lumbini) đích thân cấp đất để xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự Lumbini, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Và hơn một thập niên qua, chúng tôi đã đóng góp công sức phát triển Lumbini thành một trung tâm tôn giáo tâm linh quốc tế, một thành phố hoà bình, góp phần nâng cao vị thế của Nepal trong đời sống văn hoá thế giới. Như vậy tôi có thể tự coi mình là một người thân của dân tộc và đất nước Nepal tươi đẹp đáng yêu này.

Con đường đến Nepal rồi trở thành người con của Nepal là cả một con đường dài.

Lúc nhỏ thường theo mẹ đến chùa, tôi học hỏi nhiều điều và biết được Đức Phật Thích Ca sanh ở vườn Lumbini. Lớn lên tôi được biết ngài Pháp Hiển, nhà chiêm bái Trung Quốc đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, đi bộ từ Trung Quốc sang chiêm bái Lumbini và Kapilavastu vào thế kỷ thứ năm. Ngài có viết trong hồi ký của ngài về những thánh tích này. Gần hai thế kỷ sau đó, nhà chiêm bái học giả vĩ đại khác của Trung Quốc là Huyền Trang cũng đi bộ từ Trung Quốc sang. Ngài đã viết khá rõ ràng về Lumbini, vương thành Kapilavastu và các Phật tích khác trong quyển Đại Đường Tây Vức Ký.

Tìm hiểu rõ hơn, tôi lại biết trong bốn thánh địa Phật giáo hàng đầu thì ba thánh địa nằm ở Ấn Độ còn thánh địa Lumbini nằm trong lãnh thổ Nepal.

Những hiểu biết trên đã nuôi dưỡng trong tôi tâm nguyện, ước mơ, khao khát đêm ngày: trong đời mình có một lần được chiêm bái quê hương của Phật Tổ và các vị Phật khác.

Sau nhiều năm làm việc để dành tiền và cầu nguyện, cuối cùng sau khi vượt qua nhiều khó khăn tôi đã may mắn đến được vườn Lumbini vào ngày trăng tròn mùa xuân 1969. Nơi mà cách đây hơn 2600 năm một con người Nepal vô cùng vĩ đại đã sinh ra. Một vị hoàng tử quyền uy sống trong vàng son gấm vóc vợ đẹp con ngoan nhưng đã từ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau bất tận. Chính con người độc nhất vô nhị này đã chuyển hoá hàng trăm triệu người trên thế giới hướng về con đường chân thiện mỹ, hướng về con đường hạnh phúc an lạc do chính con người tạo ra, đặc biệt hơn nữa đó là con đường bất bạo động, con đường từ bi hỷ xả, con đường khoan dung, con đường tha thứ, dẫn dắt mọi người đến chổ hợp tác trong hoà bình thực sự.

Tôi đến đây lòng tràn đầy sung sướng, không ngờ bao nhiêu năm tháng cầu nguyện, cuối cùng mơ ước của mình đã thành sự thực. Nhưng cùng lúc khi tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn của thánh địa, tôi đã phải bàng hoàng bật khóc. Tôi tự hỏi có phải đúng chỗ này là nơi Phật giáng trần hay không? Trong khi bao nhiêu thánh tích của nhiều tôn giáo khác trên thế giới được bảo vệ tô đắp thật đẹp, tại sao thánh địa Lumbini tàn tạ như thế này… hay là tôi đã đi lạc đường, hoặc là người hướng dẫn đã đưa tôi đến chỗ không đúng là vườn Lumbini? Nhiều câu hỏi nghi ngờ cứ liên tục hiện ra trong đầu tôi, nhưng khi tới trụ đá vua Ashoka dựng lên cách đây trên 23 thế kỷ, tôi đọc được năm dòng chữ ghi rõ nơi này Đức Phật Thich Ca giáng trần, lúc đó tôi lấy lại niềm tin và biết mình đã đến đúng chỗ Phật sanh. Trụ đá này đúng y như sự diễn tả trong hồi ký của ngài Huyền Trang. Thầy Huyền Trang có ghi là dọc theo trụ đá có lằn nứt, đến nay chúng ta vẫn còn thấy rõ lằn nứt trên đá, nhưng đầu hình con ngựa trên trụ đá thì không còn. Tuy an tâm nhưng nhiều câu hỏi về lý do điêu tàn của Lumbini vẫn tiếp tục trỗi lên. Trong khi đi kinh hành xung quanh nơi Phật đản sanh tự nhiên tôi nhớ đến lời dạy của thầy tôi. Thầy tôi dạy là khi nào đến được những chổ linh địa như thế này, sau khi đảnh lễ hãy nhứt tâm tụng kinh trì chú niệm Phật rồi cầu nguyện những điều chân chánh, những ước mơ đẹp trong cuộc đời này thì sẽ được như ý. Thế là tôi đến trụ đá của vua Ashoka, nhìn kỹ những dòng chữ ghi trên trụ đá, tôiù khấn nguyện rồi ước mơ rất nhiều điều, trong đó có điều tôi lập đi lập lại rất nhiều lần là mong mỏi thấy thánh địa Lumbini được bảo vệ và phát triển trở lại trước khi tôi rời khỏi cõi đời này.

Sau khi học hành tạm ổn, tôi trôi nổi làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Trong thời gian ấy, những ý niệm tốt đẹp về phát triển thánh địa Lumbini vẫn thỉnh thoảng hiện ra. Bất cứ lúc nào, khi giảng dạy hay tham dự hội nghị, hoặc khi gặp những nhân vật quan trọng, tôi đều đem vấn đề phát triển Lumbini ra nói. Trong số các nhân vật ấy có những học trò và nhân viên làm việc dưới sự hướng dẫn của tôi. Họ rất ngạc nhiên không hiểu tôi có duyên nợ gì với Lumbini, vì sao Lumbini cứ ám ảnh tôi hoài trong khi tôi đâu phải người xứ Nepal, công việc giảng dạy của tôi cũng chẳng liên quan gì đến xứ ấy. Nhưng sau khi được tôi giải thích về sự cao cả thiêng liêng của thánh địa và tâm nguyện sâu xa của tôi, họ đã tình nguyện lặng lẽ hỗ trợ tôi đạt được điều mơ ước.

2/ Khám phá vẻ đẹp của đất nước và người dân Nepal

Khi tôi được mời đến cấp đất xây dựng ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần, không mấy người tin rằng tôi sẽ thực sự dấn thân vào công việc, vì trước tôi có nhiều người của các cường quốc đã đến đây khảo sát để xây chùa, nhưng sự thiếu thốn mọi cơ sở hạ tầng và tiện nghi tối thiểu ở địa phương đã khiến họ không dám quyết định bắt tay xây cất . Sau khi lấy đất, chúng tôi làm lễ động thổ, với sự tham dự của đại diện chính quyền trung ương và địa phương cùng đại diện các nước. Trong buổi lễ tôi đã may mắn tận mắt thấy nhiều điều mầu nhiệm, cho nên trong vòng chỉ 10 đến 15 phút tôi đã quyết định ở lại để xây cất Việt Nam Phật quốc tự Lumbini. Tôi khởi sự xây cất ngôi chùa quốc tế này với chỉ vỏn vẹn 60 đồng Mỹ kim trong túi. Số tiền này đủ để mua một tấm lều bạt bằng plastic và một số dụng cụ nấu ăn. Cuộc sống đơn giản của tôi dưới căn lều đầy kỉ niệm này kéo dài gần sáu tháng rưỡi. Chỉ trong sáu tháng rưỡi ấy tôi đã tìm thấy nhiều điều hay từ người dân Nepal mà mình cần phải học.

Mặc dầu nghèo khổ, túng thiếu, nhưng trên nét mặt của nhiều người tôi thấy được một sự hồn nhiên đặc biệt.

Tuy nghèo khổ nhưng họ không tham lam trộm cắp. Xung quanh đất chùa Việt Nam lúc đó không có hàng rào, đồ đạc xây cất tôi để lung tung nhưng không bị mất. Tôi ăn ở trong căn liều plastic không người canh gác, nhưng chẳng bao giờ có cảnh cướp bóc làm tiền hay đe doạ. (Thời gian sau đó mấy người phụ giúp tôi làm việc chùa, có khi tôi nhờ họ lau quét phòng tôi ở và làm việc, những tiền bạc và đồ quí tôi để nơi này nơi nọ nhiều khi khá bừa bãi nhưng không bao giờ mất).

Chiều chiều trước khi hoàng hôn buông xuống, tôi ngồi trong căn lều nhìn ra thấy các em nhỏ cỡi trâu bò về nhà đi ngang qua những cánh đồng lúa chín, thổi sáo và cùng hát những bản dân ca Nepal, làm cho tôi thích thú lạ lùng. Tuy nghèo không được đi học như các bạn cùng lứa trên khắp thế giới, nhưng các em có một nếp sống hồn nhiên tự tại với tiếng ca tiếng sáo, cuộc sống đơn giản đó thật là hoà bình hạnh phúc. Người công nhân đi làm việc vào thời đó mỗi ngày chưa tới 1 đô la Mỹ, khi đi làm mang cơm theo ăn, hoặc tới buổi người vợ mang cơm đến tận chỗ làm. Khi chồng ăn xong, người vợ đi xách nước cho chồng uống; khi ăn uống xong, anh chồng quay ra ngủ một giấc, kẻng đánh anh ta thức dậy, vợ múc nước cho chồng rửa chân rửa mặt và khi anh ta bắt đầu đi làm thì chị vợ rửa chén bát sạch sẽ mang về để lo cơm chiều cho chồng ở nhà. Tuy không giàu có về vật chất, nhưng cuộc sống của họ thật an lạc.

Tại gần vườn Lumbini nơi tôi ở, mỗi tuần có hai buổi chợ chồm hổm vào chiều thứ năm và thứ bảy gần làng Maylewar và một chợ khác vào chiều ngày thứ hai phía tây vườn Lumbini. Đi chợ mua đồ ăn, nhưng cũng là tận mắt quan sát cảnh sinh hoạt của người dân địa phương. Có những gia đình nông dân trồng được vài kí lô cà rốt, hay có mấy trứng gà nhà đẻ cũng mang từ làng ra tận chợ, mặc dầu đi xa nhưng họ cũng rất vui vì mang sản phẩm của mình đi bán. Chính tại đây tôi cảm nhận sự thanh thản của người dân quê, và cũng chứng kiến tấm lòng đáng quí của họ. Có lần mua một cây tre của hai vợ chồng nhà kia, tôi đưa tiền và chỉ nói tôi ở chùa Việt Nam. Kế đến tôi đi mua nhiều đồ cần thiết khác, quên bẵng cây tre mà tôi đã mua và trả tiền. Mãi đến gần 8 giờ tối tôi mới về lại chùa Việt Nam, thì thấy cây tre bỏ ngay trước cổng chùa. Sự việc nhỏ như vậy làm tôi rất cảm động. Một lần khác tôi đi mua đồ xong lật đật đi ngay quên lấy tiền thối, hai ngày sau con người chủ tiệm đạp xe đem tiền đến tận chùa Việt Nam cho tôi.

Trong quá trình xây cất, chùa Việt Nam không được may mắn như chùa các nước khác, rất hạn chế về tiền bạc, nhưng nhiều người bán vật liệu đã dành cho tôi nhiều sự dễ dãi vô cùng, đôi khi bảy tám tháng sau có tiền tôi mới trả nhưng họ cũng không than phiền gì hết.

Lối sống của người dân vùng xa xôi hẻo lánh này của xứ Nepal gợi cho chúng ta những triết lý đơn giản, những chìa khoá hạnh phúc an lạc trong cuộc đời này. Những người nông dân chân lấm tay bùn sống giản dị, ít so đo hơn thua tranh chấp, có lẽ vì vậy mà cuộc sống của họ an bình chăng?

3/ Lòng yêu mến đất nươc và người dân Nepal đã thúc đẩy tôi làm được những việc tốt

* Chuyện chim hồng hạc

Năm đầu tiên tôi đến Lumbini chưa thấy chim hồng hạc, nhưng tới năm thứ hai, vào một buổi sáng trong căn lều bạt bước ra tôi thấy hai con chim cao lớn thật đẹp xuất hiện ngay trước mặt. Tôi cao 1m68 mà hai con chim này còn cao hơn tôi. Lúc đầu tôi hơi sợ nhưng nhìn kỹ thì đôi chim này trông thật hiền lành. Khi chúng bay đi, một con bay trước một con bay sau thật nhịp nhàng, một hình ảnh đẹp tuyệt vời mà tôi có được nơi thánh địa. Sau đó tôi vào thư viện tìm tài liệu và liên lạc với các nhà môi sinh trên thế giới, họ cho biết rằng đây là loài chim quí hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng từ nhiều phía. Thế là tôi đứng ra tổ chức một phong trào bảo vệ hồng hạc ở Lumbini. Số lượng chim hồng hạc về trú tại Lumbini mỗi năm mỗi tăng. Hiện nay quanh vùng chúng tôi đếm được 66 con. Dân chúng lúc đầu thậm chí còn lấy trộm trứng chim để ăn, nhưng được hướng dẫn trong một thời gian ngắn là nhiều người tự động ý thức bảo vệ chim. Và từ đó đã hình thành ý thức chung về môi sinh trong dân chúng địa phương

* Cây cầu Việt Nam trên dòng sông thanh thoát

Khi đi đếm chim hồng hạc, tôi phải đi bộ từ làng này qua làng nọ, đây cũng là dịp tiếp xúc tìm hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của dân địa phương. Một buổi sáng nọ đi về phía đông vườn Lumbini gần làng Lankapur, tôi nhìn thấy một con sông nước chảy rất mạnh. Một cảnh tượng làm tôi đau lòng là ông già bà lão, đàn bà trẻ em, tất cả đều phải vô cùng vất vả để lội qua dòng sông này. Hỏi ra mới biết là con sông này đã từ nhiều trăm năm qua là một tai hoạ lớn vào mùa mưa, dân làng lội qua sông có rất nhiều người bị chết chìm. Tôi bèn cầu nguyện rằng những ngày còn ở Lumbini mình có duyên lành đề làm cây cầu cho mọi người đi qua sau này không còn nguy hiểm nữa. Sau đó tôi đã kêu gọi anh chị em học trò đệ tử các nơi và nhiều người Việt trong và ngoài nước Việt Nam đóng góp xây dựng cây cầu. Rồi khi có tiền tôi họp tất cả dân làng ở hai bên cầu bàn kế hoạch xây cầu. Mọi người đã tích cực cùng chúng tôi hoàn tất cây cầu chỉ trong vòng 3 tháng rưỡi.

Cây cầu tình thương Việt Nam xây dựng xong, một buổi lễ khánh thành đã được dân làng tổ chức thật tưng bừng. Nhiều người Việt Nam và các nước đã đến tham dự dưới sự hiện diện của đại sứ Pháp Ambrosiani tại Nepal, nhiều đại diện các cấp của chính phủ vương quốc Nepal. Từ đó hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm hoàn thành cầu là dân trong vùng làm lễ mừng và nhân đó thúc đẩy các công việc xã hội chung.

Thỉnh thoảng vào những buổi chiều thứ bảy, thứ hai, khi có chợ, tôi ra gần cây cầu ngắm nhìn từng người qua lại một cách an toàn, lòng tôi dâng lên một niềm an lạc vô biên. Với cây cầu tình thương Việt Nam, dòng sông oan nghiệt đã trở thành dòng sông thanh thoát.

Trong cuộc đời này biết bao nhiêu điều hay, mầu nhiệm đã đến với chúng ta. Chỉ cần tâm thành là ước vọng tốt thành tựu.

Sau việc làm nho nhỏ này, tôi khám phá ra một triết lý sống vô cùng hữu ích: khi nào gặp được cơ may làm chuyện phước đức thì chúng ta phải làm ngay, vì nếu bỏ qua chưa chắc chúng ta có dịp làm vào ngày mai hay trong tương lai; và làm được việc tốt này thì việc tốt khác sẽ đến.

Sau việc bảo vệ chim hồng hạc, làm cây cầu, mọi người thi nhau làm việc thiện, đây là điều làm cho tôi vô cùng hoan hỷ, phấn khởi. Cũng từ đây, người dân địa phương coi tôi như ruột thịt, như người Thầy, đến đâu tôi cũng được bà con tiếp đón nồng hậu và xin tôi ban phước lành.

III. Khủng hoảng chính trị và chiến tranh du kích bùng nổ

Nepal có tiếng là nước hòa bình ổn định từ bao nhiêu thế kỷ qua, dân tộc Nepal là một dân tộc được thế giới ca tụng là một trong những dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất thế giới.

Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vào thập niên 1980 đất nước này đã trải qua những bất đồng và những xáo trộn chính trị, dẫn tới việc các đoàn thể đảng phái chính trị Nepal thành lập một liên đoàn đòi tự do vào năm 1989, gọi tên là Jana Andolan, tức "Phong trào của nhân dân". Cuộc biểu tình ôn hoà đòi dân chủ của dân chúng vào tháng 2 năm 1990 đã bị cảnh sát đàn áp đẫm máu làm hàng trăm người chết. Trước lời khuyên của nhiều nước trên thế giới, nhà vua Birendra đã sáng suốt tuyên bố chấp nhận những yêu cầu của phe đối lập vào ngày 9 thánh 4 năm 1990 và ngày 16 tháng 4 năm 1990 nhà vua yêu cầu các phe thành lập chính phủ mới. Vua Bidrendra chấp nhận chính thể quân chủ lập hiến và chính phủ dân sự được thành lập. Nhưng vì thiếu đoàn kết, thiếu tình thương chân thành giữa các đoàn thể chính trị và các phong trào đòi tự do dân chủ, Nepal đã đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Hết chính phủ này lên lại chính phủ khác xuống, đôi lúc có nội các chỉ tồn tại có một vài tháng.

Khi đảng Cộng sản Nepal phân hoá, đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mao (Maoist) tách ra và tiến hành chiến tranh du kích nhằm lật đổ chế độ quân chủ, phần lớn lãnh tụ các đảng phái chính trị cho rằng đó chỉ là nhóm phản loạn không quan trọng và họ rất lạc quan tin rằng chỉ cần vài tháng là dẹp xong. Trong những lần gặp gỡ nhà vua, các lãnh tụ đảng phái, trong những buối tiếp tân ở thủ đô, hoặc ở các buổi lễ tại Lumbini cũng như các nơi khác, hoặc những buổi mà các vị chính khách chủ động đến với tôi trao đổi ý kiến về tình hình Nepal, tôi đã thân tình và thẳng thắn đưa ra nhận định là tình hình Nepal mỗi ngày sẽ xáo trộn hơn và phong trào Maoist sẽ bành trướng mạnh trong một thời gian ngắn. Lời tiên đoán của tôi từ đầu năm 1996 không mấy người tin, mà phần lớn các chính trị gia tin vào sức mạnh súng đạn, vào sức mạnh vật chất, đặc biệt là hay tin vào những cái không đáng tin. Phong trào Maoist đã lớn mạnh ngay mấy năm sau, khiến mọi người rất ngạc nhiên, cả các chính trị gia Nepal cũng như các chính trị gia trên thế giới. Phe Maoist đã mở hàng loạt cuộc tấn công vào các lực lượng an ninh của hoàng gia, gây chết nhiều người và tiêu hao nhiều của cải. Nhiều lần chính phủ tìm cách thương thuyết nhóm Maoist ngưng chiến nhưng các lần ngưng chiến đều không được bao lâu, tiếp đó chiến tranh lại bùng phát với tốc độ cao hơn. Một số chuyên gia quốc tế được tham khảo về phương pháp chống và diệt nhóm Maoist đã dựa trên cơ sở cho nhóm này là nhóm khủng bố, mà thường đề nghị dùng sức mạnh quân sự, mọi thủ đoạn, mọi vũ khí tối tân để đàn áp tiêu diệt bằng mọi cách. Có những chuyên gia đề nghị dùng các loại máy bay tối tân của Mỹ bay trên độ cao, dùng phương tiện hiện đại để quan sát nơi ẩn trốn của quân Maoist và tiêu diệt như cách dùng trong chiến tranh Vùng Vịnh. Nhưng những cố vấn này quên rằng Nepal là xứ sở của núi non trùng điệp rộng mênh mông, và cuộc chiến mà Maoist tiến hành là một cuộc du kích chiến. Phải tốn bao nhiêu tiền của với bao phương tiện hiện đại để có thể tìm ra chỉ vài người lẫn trốn trên đó?

Từ khi phe Maoist nổi dậy tới nay chưa đầy 10 năm mà đã có trên 13000 người bị giết (đây là con số chưa chính thức, thực tế con số này lớn hơn nhiều). Hàng chục ngàn người bị thương cả hai phía, hàng trăm ngàn người bị tiêu tan nhà cửa, ruộng đồng bỏ hoang, của cải hàng tỷ đôla bị phá huỷ. Tất cả tiền của đất nước đổ dồn vào chiến tranh, sự nghèo đói mỗi ngày mỗi tăng, và bao giờ cũng vậy, chịu đựng đau khổ nhất vẫn là người dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Chiến tranh càng kéo dài ngày nào, tài nguyên và sức lực của Nepal càng bị hao mòn chừng ấy, hận thù mỗi ngày mỗi nặng, triển vọng hoà giải hoà bình ngày càng khó khăn hơn.

IV. Nếu Nepal vẫn tiếp tục hận thù và chiến tranh thì tương lai sẽ ra sao?

Nếu vì một lý do nào đó, một vài người hay đảng phái chính trị vẫn muốn tiếp tục chiến tranh, hy vọng nắm trọn quyền hành thì đây là một tai hoạ lớn cho dân tộc và đất nước Nepal. Nếu chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài thì có thể Nepal sẽ bị chia cắt thành hai phần, phía bắc theo Trung Quốc, phía nam theo Ấn Độ, tệ hơn nữa có thể tan ra nhiều mảnh nhỏ như Nepal đã từng là 70 vương quốc nhỏ khác nhau trong quá khứ. Nếu phía Trung Quốc ủng hộ chính phủ hay phe phái nào, viện trợ súng đạn, phương tiện quân sự cho họ thì phía Ấn Độ cũng không thể ngồi yên, sẽ ủng hộ một phe khác và cung cấp vũ khí để cân bằng lực lượng Vì vậy theo tôi, hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc, hay bất cứ cường quốc nào khác, tuyệt đối không nên viện trợ hay bán vũ khí cho các phe phái Nepal đang dính vào cuộc chiến tranh. Vũ khí bom đạn càng đổ vào Nepal, thì tình hình bất ổn mỗi ngày chắc chắn sẽ tăng, hận thù càng lúc càng tăng, hoà bình càng xa vời. Và cuối cùng, cuộc chiến Nepal sẽ không có ai là người chiến thắng mà tất cả đều thua, mà thua thiệt lớn nhất là dân tộc và đất nước Nepal. Hơn thế nữa, cuộc chiến này có thể lan rộng qua nhiều nước lân cận.

V. Tôi từng là nạn nhân của chiến tranh

Thế kỷ 20 là thế kỷ của tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại nhiều tiện nghi đời sống vật chất cho con người mà cũng là thế kỷ mang lại nhiều trận chiến đẩm máu khốc liệt giữa nước này và nươc khác, hận thù giữa ý thức hệ này với ý thức hệ khác, gây biết bao nhiêu khổ đau. Con người đã tìm mọi cách khống chế đàn áp tiêu diệt lẫn nhau bằng súng đạn, bằng những phương tiện tối tân. Một trong những cuộc chiến đẫm máu và ác liệt nhất là chiến tranh Việt Nam. Tôi đã sinh trưởng trong cuộc chiến tàn khốc ấy và là nạn nhân khốc liệt của nó. Không có nước nào kém may mắn phải chịu cảnh tang thương như nước tôi. Trong 30 năm chiến tranh, đất nước tôi đã hứng chịu hàng trăm triệu tấn bom đạn ném xuống, những vũ khí tối tân nhất thế giới đã được đem đến thí nghiệm tại Việt nam làm hàng triệu người chết và bị thương, hàng triệu người tàn tật, ruộng vườn nhà cửa tan nát. Cũng không có nơi đâu tập trung số lớn tử vong của nhiều dân tộc khắp năm châu trên thế giới (những người bị bắt đi đánh nhau và bị giết) như Việt Nam.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, hàng triệu vong hồn yểu tử ở các phe lâm chiến đến nay vẫn chưa được siêu thoát. Vì hận thù oan ức, các vong hồn chiến sĩ và nạn nhân chiến tranh tiếp tục quấy phá Việt Nam với nhiều hình thức, và tất cả các nước lâm chiến cũng không tránh khỏi thiên tai dịch hoạ của luật nhân quả. Tôi mong rằng một ngày nào đó chính phủ Việt Nam và những người có trách nhiệm với Việt Nam hãy cùng làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn, thỉnh hương linh họ vào cúng thờ trong một ngôi chùa, kể cả hương linh các đồng minh, không phân biệt phe phái quốc gia hay cộng sản, kể cả những người vượt biên lánh nạn chẳng may chết ngoài biển cả hay trong rừng sâu, tất cả các vong linh đều phải được cầu siêu một cách long trọng, được cung kính như nhau để họ được vui lòng siêu thoát. Đại lễ chẩn tế cầu siêu này cần phải được tổ chức trang trọng và chu đáo đúng theo nghi thức cổ truyền.

Khi nào Việt Nam làm được việc này thì nước Việt Nam mới vươn lên được. Truyền thống Việt Nam từ ngàn xưa thường nói âm có siêu thì dương mới thới, nghĩa là những vong hồn yểu tử có siêu thoát thì người sống mới bình an. Những nước từng đưa súng đạn, vũ khí và binh sĩ xứ họ tham chiến ở việt Nam qua các thời kỳ cũng phải làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ của họ bị chết tại Việt Nam. Và, hương linh cần đưa về xứ họ một cách đàng hoàng cung kính, nếu không thì các hương linh đó sẽ tiếp tục hận thù và cũng sẽ quấy phá chính đất nước đã đưa họ vào chiến tranh và bị giết ở Việt Nam.

Tôi cũng mong khi chiến tranh Nepal chấm dứt, các đảng phái chính trị, nhà vua cùng mọi người Nepal cùng làm lễ cầu siêu cho trên 14.000 người chết trong cuộc chiến đẫm máu nhiều năm tại Nepal này. Nếu được như vậy thì Nepal sẽ phát triển vươn lên, nếu không thì những vong hồn yểu tử tiếp tục quấy phá Nepal và các nước đưa súng đạn, vũ khí và phương tiện chiến tranh vào cuộc chiến đẫm máu tại Nepal.

Tôi tha thiết mong các phe phái Nepal nhìn vào tấm gương đau khổ của đất nước tôi một khi chiến tranh kéo dài. Mặc dù cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt hơn 30 năm rồi nhưng vết tích chiến tranh vẫn chưa hàn gắn được. Người Việt Nam phần lớn theo đạo Phật hay hoan hỷ tha thứ, cố quên đi dĩ vãng đau buồn, nhưng sự nghi kỵ vẫn còn tiềm tàng không ít giữa những người là nạn nhân của chiến tranh bên này hay bên kia. Phải mất nhiều năm và lòng kiên nhẫn mới xoá tan hết được hận thù.

VI. Luật Nhân Quả – Nhân Tốt Quả Tốt – Nhân Xấu Quả Xấu

Cuộc đời tôi phần lớn được giáo dục và đào luyện trong môi trường khoa học Âu Mỹ, cho nên đối với mỗi sự kiện, mỗi biến chuyển lịch sử của từng cá nhân, từng tập thể, từng quốc gia … tôi đều quán sát qua lăng kính của khoa học, và tôi nhận thấy rằng tất cả mọi sự kiện và kết quả của nó đều bị chi phối bởi luật nhân quả.

Luật nhân quả thật là kỳ diệu, thật là khoa học, thật công bằng. Phải bình thản, tĩnh tâm thì mới thấy được sự biến chuyển và kết quả vô cùng vi tế của nó. Nó chính là thể hiện lẽ công bằng của tạo hoá và vũ trụ.

Sau đây tôi xin mạn phép nêu lên một vài dẫn chứng mà tôi đã tham khảo, nghiên cứu qua lịch sử đất nước Việt Nam và thế giới.

Vào thế kỷ thứ 10, đất nước Việt Nam tôi có một vị vua tên là Lê Long Đĩnh, biệt danh còn được gọi là Lê Ngọa Triều, đã cai trị Việt Nam bằng những tư tưởng và hành động tàn ác. Mỗi lần nhà vua nổi giận, ông có thể làm bất cứ điều gì bất chấp hậu quả của nó. Chỉ vì bất bình với vài vị tu sĩ Phật giáo mà ông đã ra lệnh róc mía trên đầu các vị sư. Triều đại Lê Ngoạ Triều đã gây biết bao tang thương cho dân tộc và cho đất nước Việt Nam, vì vậy đã không tồn tại được bao lâu, và cuối cùng nhà vua đã bị chết một cách đau khổ!

Vào thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, trên trái đất này có một vị vua tên là Ashoka, chắc quí vị ai cũng biết khá rõ về lịch sử của vị vua này. Sau trận đánh Kalinga, trên trăm ngàn người chết, máu chảy thành sông, sửng sốt trước sự tàn phá của chiến tranh gây biết bao nhiêu đau khổ cho loài người, vua đã bẻ gươm và thệ nguyện từ bỏ bạo lực và nguyện chinh phục lòng người bằng sự Từ Bi Hỷ Xả. Ashoka đã mở một trang sử mới cho nhân loại, và từ đó vẫn là một tấm gương sáng chói cho mọi người noi theo. Dù là người chiến thắng nhưng tự nguyện bẻ gươm, vì vậy Ashoka đã trở thành con người bất tử trong lịch sử nhân loại.

Vào thế kỷ qua, một trong những người làm sáng chói lịch sử nhân loại đó là thánh Cam Địa ( Mahatma Gandhi). Người đã áp dụng thành công chủ thuyết bất bạo động của đức Phật, đem lại độc lập của xứ Ấn Độ và nhiều thay đổi tốt cho thế giới. Nếu Ấn Độ dùng phương pháp bạo động thì chưa chắc Ấn Độ được tốt đẹp như hôm nay.

Gần đây tôi chứng kiến một vị lãnh đạo tinh thần nổi tiếng khắp thế giới, khi còn sống tiền bạc quyền uy là mục đích chính của vị nầy, ông có thể làm bất cứ điều gì miễn sao đạt được các thứ trên. Nhưng hỡi ôi! Chưa cuối cuộc đời, ông không thể làm chủ được mình cho việc ăn uống kể cả việc vệ sinh. Ông phải nhờ máy ăn dùm trong vòng 3 năm! Sau khi qua đời, tiền bạc của ông bị nhà băng tịch thu.

Còn vô số những mẫu chuyện sống động về nhân quả xung quanh chúng ta mà mỗi chúng ta phải tự mình lắng lòng chiêm nghiệm lấy để thấy được sự công bằng của nó. Luật nhân quả, một sự công bằng tuyệt đối cho tất cả chúng ta.

VII. Hoà bình có thể có được trong tầm tay của người Nepal

Nhiều người Nepal thất vọng và mệt mỏi vì cuộc chiến hiện tại đã đến than thở với tôi, họ bi quan nói rằng đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Nepal, họ cho rằng chiến tranh Nepal sẽ không bao giờ chấm dứt, cho đến khi nào nước này tan rã thành trăm nước nhỏ và các phe đều kiệt sức thì mới có hoà bình. Mặc dầu tình hình rất xấu và nhiều tiêu cực trong các phe lâm chiến nhưng tôi vẫn lạc quan và tin tưởng vào triển vọng hoà bình Nepal. Vì đất nước Nepal là một đất nước linh thiêng, phần lớn người Nepal sống nhân hậu và tâm linh. Đất nước này còn nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp. Đất nước này có nhiều vị Phật và thánh nhân ra đời. Đặc biệt Nepal có một thứ triết học rất quý báu nếu mọi người Nepal biết áp dụng, thực tâïp chân thành thì đó chính là đảm bảo vô giá không có gì sánh bằng cho việc giải quyết xung đột, lập lại hoà bình trên đất nước mình.

1. Triết học Nepal phải được thực tập chân thành

Từ hai mươi sáu thế kỷ trước, Phật Thích Ca, người con của Nepal đã chứng nghiệm và chỉ cho chúng sanh một triết lý tới ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: Hận thù không trừ diệt được hận thù, chỉ tình thương mới xoá bỏ được hận thù. Tôi xin mạn phép gọi triết học từ bi của Đức Phật là triết học Nepal. Môït triết học đơn giản như vậy, nhưng khi thực hành, nó sẽ mang lại kết quả vô cùng to lớn.

Trong khi từ nhiều thế kỷ qua trên thế giới, để chế ngự và dậïp tắt bạo lực từ những thế lực này, các thế lực khác lại sử dụng súng đạn và bạo lực, đã đưa đến hận thù chồng chất, và kết quả thật tang thương đau khổ. Ngày nay thế giới giàu có rất nhiều tiện nghi về vật chất, nhưng thiếu tình thương, thiếu sự thông cảm thiếu sự hiểu biết, kế đến là sự bất công, sự khai thác quản lý tài nguyên thiên nhiên không quân bình, đó là những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng, hận thù và chiến tranh.

Bởi vậy tôi tin tưởng một cách quyết liệt rằng: nếu các nhà lãnh đạo Nepal, từ nhà vua cho đến thủ lĩnh và đảng viên các đảng phái chính trị, kể cả phái Maoist, nếu thành tâm muốn có hoà bình thì hoà bình sẽ có ngay nơi đất nước này, hoà bình trong tầm tay của quí vị, không cần phải tìm đâu xa, không cần phải đi xin cầu nơi nào khác. Hãy noi theo chủ thuyết Từ Bi Hỷ Xã, chủ thuyết bất bạo động của Phật Tổ, giải pháp hoà bình Nepal có sẳn trong tay người Nepal, không cần phải tìm cách nhập cảng từ đâu.

Từ nhà vua đến các lãnh tụ và đảng viên các đảng phái chính trị đều sanh ra và lớn lên trên đất Nepal này, tôi tin rằng dẫu gì thì các vị đó cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp lòng từ bi của Phật và các bậc vĩ nhân Nepal, tôi cũng tin tưởng rằng các vị đó cũng xót xa đau khổ khi thấy nhân dân mình còn đổ máu và nghèo khổ, cho nên sớm hay muộn các phe cũng quay lại cội nguồn tốt đẹp từ ngàn xưa, tha thứ cho nhau qua sự cởi mở hiểu biết, từ đó giải quyết khủng hoảng của đất nước.

Nếu những người Nepal thành công trong việc này thì đây là niềm hảnh diện lớn nhất của người Nepal và cũng là niềm hảnh diện lớn của nhân loại, và đây cũng là tấm gương sáng cho nhân loại noi theo. Khi Nepal thật sự có hoà bình, hàng triệu triệu ngươì khắp nơi trên thế giới sẽ đến viếng Nepal và học hỏi từ người Nepal, sẽ viếng thăm Lumbini nơi giáng trần của Đức Phật Thích Ca và những vùng tuyệt đẹp của Himalaya trong đó có ngọn Everest hùng vĩ.

Khi hoà bình trở lại xứ Nepal, tôi mong được đón tất cả các lãnh tụ, các phe phái lâm chiến đến dự một bửa tiệc do tôi khoản đãi tại Viêt Nam Phật quốc tự Lumbini, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Tôi sẽ mời những đầu bếp nấu ăn ngon nhất từ Việt Nam và thế giới sang để đảm trách nấu nướng đãi các lãnh tụ Nepal và khách các nước đến tham dự buổi tiếp tân lịch sử hoà bình Nepal. Tôi rất mong ngày đó sẽ đến với Việt Nam Phật Quốc Tự càng sớm càng tốt.

2. Kinh nghiệm tháo gỡ nguy cơ chiến tranh trong lịch sử Nepal

Vào đầu thế kỷ thứ 7 Tây Tạng đã trở thành một nước hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Songtsen Gampo, vua Tây Tạng từ lâu đã dòm ngó và định đánh chiếm Nepal. Vua Nepal cùng triều thần và dân chúng thời đó khi biết rõ nguy cơ trên đã cùng bàn thảo để tìm phương cách đối phó. Có một phương án quyết liệt đánh lại Tây Tạng khi Nepal bị xâm chiếm. Nhưng sau nhiều cuộc thảo luận, vua và dân Nepal khôn khéo dùng trí tuệ ngăn chặn cuộc chiến thành công. Máu không chảy, đầu không rơi, dân chúng được hoà bình an lạc. Nhà vua Amsuvarma quyết định gả công chúa Bhrikuti cho vua Tây Tạng. Công chúa Bhrikuti về Tây Tạng mang theo truyền thống tốt đẹp của Nepal và mang theo tượng Phật Aksobhya. Trước khi công chúa đến Tây Tạng thì xứ này chưa ai biết đạo Phật là gì, nàng đã truyền Phật pháp vào xứ này, dân Tây Tạng rất ngưỡng mộ yêu mến bà và gọi bà là Belsa hay Trisung, tức là bà hoàng của xứ Nepal. Đạo Phật từ đây đã được dân chúng Tây Tạng hoan hỷ đón tiếp một cách tự nhiên. Công chúa Bhrikuti kết hôn với vua Tây Tạng Songtsen Gampo tạo ra một kỷ nguyên thanh bình giao hảo mới giữa hai nước Tây Tạng và Nepal. Thế là hai nước không bị hao tổn tài sản sinh mạng vì chiến tranh, Tây Tạng được hấp thụ thêm một nền văn minh mới, một tôn giáo mới đó là đạo Phật, đạo của hoà bình từ bi, đạo Phật chảy trong huyết mạch người Tây Tạng từ đó cho đến nay. Ngày nay chúng ta thấy một số chùa tháp Tây Tạng chịu ảnh hưởng lớn của nghệ thuật Nepal, tiêu biểu nhất là tu viện Jokhang tại Lasha do nghệ nhân người Nepal xây cất. Về phía Nepal thì tránh được cảnh chiến tranh tàn hại, tránh được sự nguy cơ mất nước, trái lại đã có quan hệ hoà bình thân thiết với Tây Tạng. Nepal còn được lợi lớn về mặt kinh tế, đó là có được Tây Tạng như một thị trường tiêu thụ hàng hoá sản xuất từ nước mình.

Mười hai năm sau vua Tây Tạng Songtsen Gampo lại định đánh nước Trung Hoa nhưng vua nhà Đường cũng đã khôn khéo theo gương Nepal mà gả công chúa Văn Thành cho Songtsen Gampo, thế là có hoà bình, đồng thời nền văn minh phong tục tập quán Trung Quốc được đưa vào Tây Tạng một cách tuyệt vời. Văn Thành công chúa khi sang Tây Tạng cũng mang theo một tượng Phật, lòng sùng tín và tư cách cao đẹp của công chúa đã cải hoá vua Songtsen Gampo từ một ông vua hiếu chiến khát máu trở thành một nhà vua văn minh, nhân từ đạo đức. Tượng Phật của Văn Thành công chúa được coi như quốc bảo Tây Tạng từ đó đến nay và được thờ tại chùa Jokhang ở Lasha.

Hai sự kiện lịch sử trên đã cho chúng ta thấy rằng: với lòng từ bi chân thành và trí tuệ, chúng ta có thể giải quyết những khủng hoảng một cách tốt đẹp bằng phương pháp từ bi trí tuệ, bằng sự hiểu biết và thực hành bất bạo động.

3.Nguyên nhân bất ổn và chiến tranh

Khi chiến tranh xảy ra, các phe phái thường đổ lỗi cho nhau, mà không chịu nhìn thẳng vào gốc gác sâu xa của nó.

Bất cứ vấn đề gì xẩy ra cũng có nguyên nhân trực tiếp hay gian tiếp, hễ có đốm lửa ban đầu thì sẽ có cháy rừng. Sự tu tập hoà bình không được thực hành, kế đến là sự nghèo đói. Lịch sử cho thấy những cuộc cách mạng xẩy ra là do nghèo đói và bất công, cộng thêm thiên tai làm con người quá cơ cực nên họ liều nỗi dậy. Nếu mỗi con người đều có cơm ăn áo mặc, có giáo dục đúng mức, có cuộc sống ổn định thì chắc không mấy ai muốn đi làm cách mạng, không mấy ai nỗi loạn. Chiến tranh và bất ổn có nhiều lý do, nhưng phần lớn cũng do nghèo đói bất công trông xã hội. Những người lãnh đạo không sáng suốt giải quyết bất công xã hội, lâu ngày bất công chồng chất, tức nước tất phải vỡ bờ, thế là chiến tranh xảy ra. Giáo dục hoà bình cũng vô cùng quan trọng. Có nhiều nước giàu có, tiền đầu tư cho giáo dục rất nhiều, nhưng không chú trọng giáo dục hoà bình, mà ngược lại quảng bá tinh thần bạo lực, quảng bá chiến tranh. Thí dụ như qua phim ảnh tràn lan lôi cuốn cả trẻ em và người lớn, những cảnh cướp của giết người vô đạo đức không tình người, vẫn được trân trọng chiếu và được khen tặng, nhận giải thưởng quốc tế. Thực chất đó là giáo dục thông tin chiến tranh có hệ thống. Hỏi như vậy làm sao không có chiến tranh?

VIII. Tôi không thể ngồi yên nhìn cảnh chết chóc xảy ra nơi đất nước tôi đang sống

Như tôi đã nói, nhân duyên đưa đẩy tôi đến sống và làm việc ở đất nước Nepal này, đất nước này là biểu tượng của thanh bình, của sự hoà hợp giữa con người với con người, con người và thiên nhiên. Nhưng hỡi ơi chiến tranh bùng phát và kéo dài đến hôm nay!

Nhìn tận mắt cảnh giết chóc của hai bên, cảnh chạy loạn của dân chúng, cảnh lo khổ của dân thường, cảnh bắt bớ và khủng bố, tôi hồi tưởng lại chiến tranh hãi hùng của Việt Nam cách đây trên 30 năm mà tôi đã chứng kiến. Thật là đau khổ và tủi hổ khi mình sống trong một đất nước mà những người xung quanh bị giết chết, bị khổ đau bởi chiến tranh hận thù mà mình không giúp được gì cho họ vơi khổ phần nào. Nhiều câu hỏi cứ liên tục ẩn hiện trong đầu tôi. Muốn được bình an không bận trí, thì cách hay nhất là rời bỏ xứ này, sẽ có an lạc cho chính mình ngay. Nhưng tôi suy nghĩ: khi tôi đến Nepal ở thì xứ này sống trong hoà bình, nay chẳng may Nepal lâm cảnh chiến tranh tôi đành bỏ mà đi sao đành. Nhiều ngày đêm trằn trọc, cuối cùng tôi đã quyết định không thể rời bỏ xứ này trong lúc chiến tranh vẫn còn, dân chúng vẫn còn đau khổ. Tôi quyết định ở lại đây làm được điều gì tốt cho người dân Nepal tôi sẽ rất vui mừng và tự nguyện cố gắng làm.

Tôi là người ngoại quốc, tôi không có quyền xen vào chuyện chiến tranh, chuyện nội bộ của nước Nepal mà tôi đang sống. Nhưng tôi tự thấy mình có bổn phận đóng góp vào sự khôi phục hòa bình của xứ sở đang đùm bọc mình như một người con.

Quan điểm của tôi là tìm mọi cách mọi phương tiện thuyết phục các phe lâm chiến hãy quay về những truyền thống tốt đẹp mà Nepal đã có từ ngàn xưa để có được cuộc sống hoà bình an lạc.

IX. Những bước đầu của cuộc vận động hoà bình

1. Buổi trình bày về hoà giải hoà bình tại Câu lạc bộ Báo chí Nepal giữa năm 2004:

Lúc đầu tôi và một vài học trò, thân hữu đã âm thầm kế hoạch vận động trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng chúng tôi tâm niệm rằng việc mình làm dù chỉ giống như đem một lon nước xối vào đống lửa đang cháy, song biết đâu chừng ly nước từ phía người ngoài cuộc đó sẽ làm những người trong cuộc chiến suy nghĩ lại.

Cuộc gặp gỡ báo chí, các đảng phái chính trị, các nhóm tham chiến của tôi ở câu lạc bộ báo chí Nepal đã đạt một kết quả rất phấn khởi. Cuộc họp này đã được tổ chức vào ngày 12/6/2004 tại thủ đô Kathmamdu. Trong cuộc này báo chí Nepal và ngoại quốc đặt rất nhiều câu hỏi gay gắt và rất hay. Kế đến là sự phát biểu thẳng thắn của đại biểu các đảng phái chính trị. Lúc đầu nhiều phát biểu đối nghịch và đổ lỗi lẫn nhau, riêng phần trình bày hoà bình của tôi đã được phần lớn tán đồng, tuy có một số đại diện các đảng phái nhỏ không đồng ý vì các vị này vẫn còn tin tưởng vào sức mạnh của súng đạn, của bạo động và áp lực. Tuy vậy chỉ gần một năm sau , chính các vị đó đã đổi ý mà ủng hộ cho đường lối hòa giải theo phương pháp bất bạo động tôi đề ra.

Một trong những điểm đầu tiên mà tôi đề nghị là các phe hãy ngưng ngay lập tức lời nói hay hành động có tính cách hận thù, bạo động. Hãy tập tha thứ và phát triển tình thương. Theo tôi đây là bước đầu rất quan trọng để tiến tới thảo luận giải quyết chiến tranh. Chiến tranh khủng hoảng phần lớn khởi sự từ thái độ của con người. Thái độ thân thiện khoan dung, từ bi thì sẽ có hoà bình an lạc, trái lại thái độ khiêu khích, thái độ hận thù thì chiến tranh sẽ xảy ra.

Tôi đã đề nghị các phe lâm chiến cùng nhau đến Lumbini chiêm bái và Việt Nam Phật quốc tự Lumbini sẽ là nơi gặp nhau trong tình huynh đệ để nói chuyện hoà bình cho Nepal. Lumbini là nơi giáng trần của Phật Thích Ca, đấng sứ giả của hoà bình, của lòng từ bi vô lượng, vì vậy tôi tin tưởng nếu các phe lâm chiến gặp gỡ tại đây trong khung cảnh lịch sử thiêng liêng, họ sẽ được Ngài dẫn dắt và soi sáng. Tôi đề nghị trước khi nói chuyện hoà bình mọi người phải tĩnh tâm thực tập, tu tập trong một tháng hay ít nhất thì một tuần lễ. Khi tinh thần có hoà bình thì việc nói chuyện hoà bình mới kết quả. Nếu tâm không có hoà bình thì vấn đề hội họp hoà bình chỉ là hình thức, chỉ là sách lựơc trì hoãn để tiếp tục tìm cách hại nhau, như vậy hoà bình sẽ không bao giờ tới, mà có tới thì chỉ là tạm thời mà thôi.

Sau lời kêu gọi của tôi, một số đại diện các đảng phái âm thầm thu xếp với nhau để có cuộc gặp gỡ tại Lumbini. Nhưng tiếc rằng việc triệu tập một cuộc họp lịch sử như thế này đã không được chuẩn bị đầy đủ tế nhị và kín đáo nên đã không thành công.

2. Kêu gọi ngưng bắn nhân lễ mừng năm mới 2005:

Chiến tranh tiếp tục ngày càng căng thẳng, mặc dù dư luận quốc tế nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên hãy nhanh chóng thương lượng tìm giải pháp hoà bình. Gần tới ngày lễ Dasain, lễ mừng năm mới của Nepal, mọi người hy vọng ít ra có một dịp ngưng chiến để người dân yên vui xum họp và chúc mừng năm mới, nhưng không một tín hiệu tốt nào được phát ra từ cả hai bên. Các bạn người Nepal của tôi, trong đó có một số nhà lãnh đạo đảng phái, yêu cầu tôi đứng ra kêu gọi ngưng chiến. Tôi còn băn khoăn vì không tin lắm ở hiệu quả của việc này, thì tiếp đến một số quan chức cấp bộ và chính trị gia xin đứng ra tổ chức để tôi có một buổi nói chuyện về hoà bình tại thủ đô Kathmandu.

Buổi nói chuyện diễn ra tại trung tâm văn hoá Kathmandu, có sự tham dự của đại diện các đảng phái, đại diện chính phủ, đại diện ngoại giao, đại diện nhà vua, và được biết phe Maoist cũng bí mật cử đại diện đến nghe. Bài nói chuyện của tôi xoay quanh mấy điều căn bản để có hoà bình: Tha thứ, phát triển từ bi, tình thương, thân hữu, thành thật, thông cảm, quyết tâm thành thật giải quyết bất đồng. Tôi nói nếu các phe thực hiện các điều trên thì tôi tin chắc hoà bình sẽ đến. Sau cùng tôi tha thiết kêu gọi các bên ngưng chiến nhân dịp lễ Dasain (Lễ mừng Năm mới). Buổi nói chuyện đã được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Đại diện các đảng phái đều tới cảm ơn tôi, và có người cho biết trong số những quan khách tới chào tôi một cách trân trọng có cả đại diện phe Maoist. Ai nấy tin tưởng rằng lời kêu gọi ngưng bắn của tôi sẽ có kết quả.

Ngay trong đêm hôm đó, một cú điện thọai đánh thức tôi: ông M. Pradhan, một vị trong ban tổ chức vui mừng cho tôi hay là phe Maoist vừa tuyên bố đơn phương ngưng chiến 9 ngày nhân dịp lễ đầu năm. Được tin này tôi rất phấn khởi, vội lấy giấy biên thư cảm ơn các nhà lãnh đạo Maoist đã đáp ứng lời kêu gọi của tôi, và tôi đề nghị họ nên kéo dài thêm thời hạn đình chiến. Cùng lúc tôi biên thư cho nhà vua và thủ tướng Dubar Bahadur kêu gọi họ cũng tuyên bố ngưng chiến. Phía chính phủ cho tôi biết họ nghi ngờ thực tâm của phe Maoist, ngưng chiến chỉ là chiến thuật trì hoãn để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn chiến tranh mạnh hơn. Tuy vậy tôi vẫn thuyết phục được phía chính phủ tuy không tuyên bố nhưng sẽ ngưng các cuộc tảo thanh Maoist trong thực tế và chỉ đánh trả lại nếu bị tấn công.

Sau dịp lễ đầu năm, một số người Nepal đã đến cảm ơn tôi và cho biết đây là lần đầu tiên từ khi cuộc chiến tranh bùng nổ họ có dịp trở lại thăm quê hương trong vùng kiểm soát của phong trào Maoist

3. Kêu gọi bãi bỏ chỉ thị đình công bãi thị trong dịp đại hội thượng đỉnh quốc tế ở Lumbini:

Vào ngày 30/11 đến 2/12/2004 có một cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo chính trị và phái đoàn Phật giáo nhiều nước tại Lumbini, dưới sự bảo trợ của chính phủ Nepal, cùng với sự ủng hộ của LDT và nhiều tổ chức khác. Mục đích đại hội thượng đỉnh quốc tế lần II này là chính phủ Nepal muốn tăng cường uy tín về ngoại giao với các nước trên thế giới, tạo thế mạnh để có sự hỗ trợ của nhiều nước hơn.

Nhiều công sức đổ ra từ nhiều tháng với hy vọng đại hội thành tựu sẽ đem lại lợi lạc nhiều cho đất nước Nepal. Nhưng tình cảnh chiến tranh vẫn tiếp diễn với cường độâ mạnh hơn trước là một đe doạ lớn cho đại hội. Chính phủ Nepal đã nhiều lần kêu gọi nhóm Maoist ngưng chiến nhân đại hôïi và mời họ đến tham dự đại hội, nhưng Maoist từ chối, và chiến tranh khắp nơi vẫn tiếp diễn. Ngày đại hội mỗi lúc một gần, ban tổ chức vô cùng lo lắng: nếu phe Maoist quyết tâm phá thì chỉ cần một tiếng súng hay một quả bom nổ trong khu vực Lumbini vào dịp đại hội tiến hành cũng đủ làm thất bại đại hội và uy tín của chính phủ và nhà vua sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Liên tiếp nhiều lời kêu gọi ngưng chiến phát ra từ nhiều gương mặt chính trị khác nhau đều không có lời đáp.

Ba ngày trước khi đại hội khai mạc phe Maoist cho nổ hai trái bom tại một số làng gần Lumbini. Chỉ hai trái thôi nhưng đã làm chấn động tất cả. Sáng hôm sau thủ lãnh Maoist địa phương ra lệnh đình công bãi thị, không có xe cộ nào được di chuyển, phố xá tất cả đếu phải đóng cửa.

Sáng hôm sau đường xá vắng tanh, chỉ có xe của chính phủ, ngoại giao đoàn với sự hộ tống hùng hậu của những đoàn xe quân đội và cảnh sát với các loại súng ống tối tân, thật là một cảnh tượng đầy căng thẳng. Tôi và mọi người trong ban tổ chức rất lo lắng vì sợ chiến tranh xảy ra không biết lúc nào. Nhiều tin đồn hàng trăm trái bom sẽ được cho nỗ khắp nơi nhắm vào phá tan đại hội quốc tế Lumbini.

Trong tình cảnh đó, các vị trong ban tổ chức cũng như nhiều chính trị gia tha thiết yêu cầu tôi lần này chính thức gặp đại diện phe Maoist để đề nghị họ ngưng bắn trong dịp đại hội quốc tế, ít nhất là trong phạm vi quận Rupandehi (quận có vùng thánh địa Lumbini).

Sau nhiều đắn đo, tôi chấp nhận yêu cầu nhưng lại băn khoăn không biết làm sao liên lạc với phe Maoist.

Tôi vào lễ Phật, tụng một thời kinh ngắn cầu nguyện, kế đến ngồi tĩnh tâm, 10 phút sau tôi có quyết định là phải bay lên thủ đô Kathmandu ngay để gặp gở báo chí nhờ yêu cầu chuyển đạt yêu cầu của tôi với phe Maoist, tôi tin tưởng đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Buổi gặp gỡ giới báo chí hôm đó tại Câu lạc bộ Báo chí không có đại diện các đảng phái chính trị, ngoài các phóng viên chỉ có một số nhân sĩ trí thức và kĩ nghệ gia. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngũi 1 tiếng 30 phút, tôi trình bày lý do sự hiện diện đột xuất của tôi tại Kathmandu. Tôi nói rõ tôi không được sự nhờ cậy hay ủy nhiệm của chính phủ, mà hoàn toàn tự nguyện lên tiếng vì danh dự của Nepal qua việc tổ chức đại hội thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai tại Lumnini. Đại hội này là biểu tượng của sự hợp tác ôn hoà của dân tộc Nepal với các nước trên thế giới, và cũng là dấu hiệu tốt cho vấn đề hòa bình Nepal. Tôi trân trọng kêu gọi các nhà lãnh đạo Maoist chỉ thị các cấp địa phương ngưng cho nổ bom và rút lui chỉ thị đình công bãi thị 3 ngày tại quận Rupandehi. Tôi trân trọng nhờ báo chí chuyển lời kêu gọi chân thành của tôi đến các lãnh tụ phe Maoist. Thật mầu nhiệm thay, chỉ 4 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi rất vui mừng nghe các đài phát thanh FM cũng như hãng thông tin ngoại quốc thông báo là các lãnh tụ Maoist đã quyết định rút lui chỉ thị đình công ba ngày như đã thông báo trước đây. Mọi người thở phào nhẹ nhỏm.

Tuy chiến tranh chưa chấm dứt nhưng tôi cho những sự việc trên đây là dấu hiệu tích cực cho thấy hoà bình vẫn còn hy vọng có thể đến với người Nepal.

X. Hoà bình không phải là quà tặng tự nhiên đến

Thỉnh thoảng tôi được nghe phe này phe nọ đổ lỗi cho nhau. Tôi chân thành mong họ nên quên đi quá khứ, và tất cả mọi người cần tu tập. Tập tha thứ, phát triển lòng từ bi, dẹp tan sự sợ hãi bằng những hành động cụ thể. Tôi thường nói mọi người Nepal đang sống trong lò lửa, đừng bao giờ đổ thêm dầu hay một chất cháy nào vào nữa, mà chỉ nên đổ nước lạnh vào. Mỗi người một thùng nước lạnh thì ngọn lửa trước sau gì cũng phải tắt.

Thật vậy, chúng ta phải bình tĩnh vượt qua mọi dị biệt, tất cả mọi khó khăn đều có thể giải quyết một cách tốt đẹp qua thái độ thân thiện, đức tánh tha thứ, với lòng từ bi, tình thương.

Nhiều người vẫn còn mơ mộng và lầm lẫn là muốn có hoà bình thì phải van xin, hay chỉ cầu khẩn suông hoặc xin viện trợ như một quà tặng. Đức Phật đã có một quan điểm rất rõ : Hoà bình là kết quả của một ý chí quyết liệt, một sự tu tập và theo đuổi không mệt mỏi, một vấn đề tự kiềm chế, tự giáo dục, tự huấn luyện.

Hoà binh không phải chỉ lý thuyết xuông, mọi người phải có ý thức trách nhiệm và chân thành thực tập từ lời nói đến cử chỉ hành động.

Hoà bình có hay không là tuỳ thuộc vào những người lãnh đạo và người dân trong cả nước.

XI. Giải pháp để có được hoà bình chắc chắn:

1. Các đảng phái chính trị Nepal đang hoạt động công khai cần phải chân thành đoàn kết thật sự một cách chặt chẻ để có hành động chung, phải luôn luôn có sự tương kính hỗ tương kể cả giữa các lãnh đạo và giữa các đảng viên. Lãnh tụ đảng phái này không nên chỉ trích đảng phái khác. Đảng nào được người dân tín nhiệm lãnh đạo chính phủ, có những chánh sách tốt và việc làm tốt cho đất nước Nepal thì các đảng khác phải chân thành ủng hộ quyết liệt mà không nên có mưu đồ lật đổ. Một chính phủ được lòng dân và ổn định thì hòa bình sẽ đến.

2. Đối với đảng Cộng sản Maoist: phải tiến hành ngay đối thoại cởi mở và tha thứ, thành thật với các lãnh tụ và đảng viên Maoist, không nên đặt họ ra ngoài vòng pháp luật và tìm cách tiêu diệt họ bằng bạo lực, việc làm này không thể giải quyết được chiến tranh.

Các lãnh tụ và đảng viên đảng cộng sản Nepal theo chủ thuyết Mao Trạch Đông phải can đảm từ bỏ vũ lực mà tham gia vào tiến trình bầu cử tự do dân chủ như đảng Cộng sản Macxit Leninit Nepal (UML) và các đảng phái khác. Tất cả quân đội Maoist phải được sát nhập vào quân đội chính phủ Nepal dưới sự chỉ huy của chính phủ dân cử và quốc hội, người dân thường không được quyền cầm và tích trữ vũ khí.

3. Các đảng phái chính trị và phe Maoist phải có một chỗ thường trực để gặp gỡ nhau thường xuyên hàng tháng, nếu có thể hàng tuần, để tạo sự cảm thông. Sự cảm thông càng nhiều thì hận thù càng giảm. Tôi đã đề nghị Lumbini nơi Phật giáng trần là một điểm gặp gỡ lý tưởng. Nơi đây là mảnh đất linh thiêng, tôi đã tận mắt thấy nhiều mầu nhiệm ở nơi đây, nếu các lãnh đạo đảng phái họp mặt nơi này với sự thành tâm và trí tuệ tôi tin hoà bình sẽ trở lại trên quê hương Nepal.

4. Đối với nhà vua: Nepal theo chế độ quân chủ chuyên chế lâu đời, mới khoảng trên 10 năm nay theo quân chủ lập hiến, vì vậy nếu nước này tự nhiên không có vua thì sẽ rơi vào những trường hợp tương tự như Iran, Iraq hay Afghanistan. Đề nghị nhà vua không dính vào việc chính trị, trừ trường hợp Nepal bị đe doạ mất nước, nếu vua vẫn tìm cách nắm quyền tuyệt đối như trước 1990 thì sẽ gây sự chia rẽ và bất mãn. Các lãnh tụ hay đảng viên các đảng phái không nên gián tiếp hay trực tiếp chỉ trích nhà vua, mà nên có sự tôn trọng tương kính. Nếu các đảng phái vẫn tiếp tục chỉ trích gây hấn hoài với hoàng gia đến một mức độ nào đó vua không chịu nổi, không nhịn được, vua có thể lập ra một lực lượng khác để quấy phá chính phủ do dân bầu lên. Như vậy chắc chắn sẽ xáo trộn thêm cho đất nước nepal. Điều hay nhất là nên có sự tương kính, tha thứ và cùng thương yêu một cách chân thành.

5. Những nước và những người từng ủng hộ cho cuộc chiến Nepal vừa qua, kể từ nay xin hãy long trọng cam kết không hỗ trợ súng đạn nữa mà chỉ viện trợ tài chánh, theo đường lối hòa bình để giúp đỡ dân nghèo nâng cao đời sống kinh tế và giáo dục.

XII. Nepal có thể trở thành một trong những nước giàu có trên thế giới

1. Tiềm năng thánh địa:

Nepal là một nước hiểm trở không có đường biển, mọi con đường vận chuyển phải đi qua Ấn Độ và Trung Hoa vì vậy một số hàng hoá trở nên đắt hơn các nước khác. Nhiều chuyên gia quốc tế đến Nepal có nhận xét rất bi quan là với vị trí địa lý chính trị của mình, Nepal khó phát triển về nhiều phương diện. Một số người khuyến khích Nepal nên đầu tư phát triển về công nghệ cao, số khác lại khuyến khích đầu tư về nông nghiệp, sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Nhiều chương trình lý giải có vẻ khoa học và hợp lý rất hấp dẫn cho Nepal, nhưng chỉ hay trên lý thuyết. Trên thực tế, nếu không khéo đầu tư sai đường thì sẽ gây xáo trộn và thất thoát tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Theo tôi Nepal hiện nay dân số chưa đến 30 triệu sống trên một diện tích đất không lớn lắm, phần lớn đất nước Nepal đồi núi hiểm trở, nhưng may mắn thay Phật đã ban cho dân tộc Nepal có một đất nước vô cùng đẹp với rặng Himalaya, ngoài ra còn có Lumbini là nơi Phật giáng trần.

Trên thế giới ngày nay có trên một tỷ người là Phật tử hoặc cảm tình với đạo Phật, phần lớn trong số này ai cũng mong một lần đến chiêm bái Lumbini. Tôi thường nói, nếu Việt Nam, Thái Lan hoặc Nhật Bổn hay một nước nào đó trên trái đất này có một chỗ như Lumbini, thì đó không phải là mỏ vàng mà là mỏ hột xoàn vô tận. Nếu chính phủ và dân chúng Nepal tổ chức bảo vệ tốt môi sinh, đường xá thật tốt và các phương tiện ăn ở tiện nghi, hằng năm sẽ thu hút hàng chục triệu người trên thế giới về chiêm bái Lumbini. Khi đến đây mỗi người sài chừng 500 mỹ kim thì hằng năm mang lại nguồn lợi vô cùng lớn cho quốc gia và dân chúng Nepal. Hơn thêù nữa, đó còn là sự đóng góp của Nepal cho hoà bình thế giới. Hàng chục triệu người đến chiêm bái và cảm nhận sự linh thiêng mầu nhiệm nơi này làm thay đổi tâm hồn và suy nghĩ của họ theo hướng thánh thiện và an lạc, họ sẽ làm nhiều việc phúc thiện đóng góp sự an lạc và thánh thiện cho quốc gia họ sống và thế giới.

2. Đề nghị hội nghị thế giới và đại học hoà bình:

Nếu chiến tranh Nepal được giải quyết êm đẹp bằng ôn hoà bâùt bạo động, thì đây là một tấm gương sáng, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hy vọng cho nhân loại, nhiều nước đang bị khủng hoảng chiến tranh sẽ đến học hỏi từ người Nepal về triết lý nghệ thuật sống chung hoà bình.

Những hội nghị hoà bình thế giới thay vì họp ở Geneve hay Paris hoặc New york thì sẽ về họp ở Lumbini.

Sau khi Nepal có hoà bình, chính phủ cũng nên có một trường Đại học Hoà bình để sinh viên các nơi đến học hỏi về triết lý hoà bình Nepal.

3. Hệ thống ngân hàng tối tân và năng động:

Đất nước Nepal rất hiểm trở, nằm giữa hai nước khổng lồ Ấn Độ, Trung Hoa. Hai nước này là những nước đông dân nhất trên thế giới, chiếm 1/3 dân số thế giới. Theo sự nhận xét của tôi, trong vòng mười năm nữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là hai cường quốc mới trên thế giới về nhiều phương diện trong đó có sức mạnh về tài chánh và kinh tế. Như vậy Nepal cần thiết lập một hệ thống ngân hàng năng động và tối tân cùng tạo nhiều tin tưởng cho dân chúng và khách hàng của hai nước lớn này. Nếu hệ thống ngân hanøg Nepal được bảo mật tốt và cách làm việc đáng tín cậy thì dân chúng Ấn Độ và Trung Hoa sẽ đem tiền gửi vào Nepal. Nepal sẽ nhờ tiền gửi này đầu tư và phát triển mà không cần phải vay mượn các nước khác.

4. Du lịch và chiêm bái.

Nepal với cảnh thiên nhiên xinh đẹp hùng vĩ của mình đã thu hút hàng triệu du khách các nơi trên thế giới mỗi năm. Riêng ngành du lịch thôi, nếu tổ chức đàng hoàng sẽ mang một nguồn lơi rất lớn cho Nepal. Ngoài ra về khách hành hương như tôi đã đề cập, ngoài Thánh địa Phật giáo Lumbini, Nepal còn có nhiều di tích quan trọng của Ấn giáo và các tôn giáo khác để tín đồ từ các nước đến chiêm bái.

5. Thuỷ điện:

Nepal là nước có nguồn thuỷ năng dồi dào nhất nhì trên thế giới với nguồn nước từ Himalaya chảy xuống, đây là điều kiện rất thuận lơi cho phát triển thuỷ điện cung cấp cho quốc gia và có thể bán sang các nước lân cận.

6. Nông nghiệp:

Khai thác tài nguyên đất đai sẳn có một cách thông minh và hợp lý để sản xuất lúa gạo tự lực đảm bảo lương thực cho quốc gia và nếu có dư thì xuất khẩu và tuyệt đối tránh phá huỷ môi trường tốt sẵn có của Nepal.

Sau khi có hòa bình thực sự, chính phủ phải có chính sách rõ rệt tập trung đầu tư và phát triển đúng mức mấy ngành nêu trên thì Nepal sẽ vươn lên một cách tuyệt vời mà không còn phải tuỳ thuộc phần lớn vào nguồn viện trợ của các nước ngoài.

XIII. Bí mật để thành công

Muốn thực hiện thành công những việc trên phải có những chính sách đúng và thực hành đúng:

1.Trong sạch hóa guồng máy chính phủ và giải quyết bất công xã hội.

Chính phủ phải nâng cao đời sống vật chất và tâm linh của tất cả mọi người trong guồng máy nhà nước, đào luyện thường xuyên ý thức trách nhiệm từng người trong các nơi làm việc, chặn đứng sự tham ô lợi dụng quyền hành hà hiếp dân chúng, vì đây là đầu mối của sự bất công gây xáo trộn trong xã hội. Nếu nguồn tài nguyên quốc gia giàu có bị một số cá nhân lạm dụng làm của riêng, người dân nhìn vào sẽ bất mãn và nổi loạn.

Đồng thời, chính phủ phải cấp bách có những chính sách cải thiện, nâng cao đời sống ngươi dân ở những khu vực núi rừng, xa xôi hẻo lánh, đời sống của những tầng lớp lao động nghèo khổ để giảm bớt bất công xã hội.

2. Có chương trình giáo dục và đào tạo đúng đắn.

Giáo dục phải quân bình thể chất và tâm linh theo truyền thống Nepal. Nền giáo dục nhiều nơi trên thế giới đã và đang rơi vào sự khủng hoảng vô cùng lớn. Người ta thúc đẩy học sinh sinh viên học rất nhiều, lấy được nhiều bằng cấp chừng nào hay chừng ấy, nhưng không để ý đến chất lượng giáo dục mà chỉ chú trọng nhiều về hình thức bề ngoài, về bằng cấp mà lơ là về đạo đức, về sự thật học. Sự giáo dục mất quân bình như thế về lâu dài sẽ đưa đất nước tới bế tắc như các nước khác đã và đang gặp phải. Nếu một người lãnh đạo trong các ngành được đào tạo trong môi trường như vậy thì chắc chắn sẽ gây tai hoạ cho đất nước Nepal về lâu về dài. Tôi đề nghị xây dựng một nền giáo dục thật hài hoà cân bằng giữa kiến thức và đạo đức, nếu thực hiện đựơc như thế thì xã hội đất nước mới thực sự ổn định lâu dài.

Một đất nước muốn phát triển không phải chỉ cần bằng cấp cao mà lại không căn bản, không thật học mà còn phải phát triển hạ tầng cơ sở, văn hoá giáo dục tốt đẹp theo truyền thống quốc gia dân tộc Nepal.

Nếu một đất nước có hoà bình và giàu có mà truyền thống văn hoá đạo đức bị mai một, bị làm biến dạng hoàn toàn, thì coi như là mất tất cả. Muốn giết chết một dân tộc thì cứ tiêu huỷ truyền thống văn hoá tốt đẹp xứ đó.

Lời kết

Tôi là người ngoại quốc đến sống và làm việc tại đất nước này trên hơn thập niên qua, tôi yêu quí đất nước này như quê hương của tôi, tôi đã khám phá Nepal có rất nhiều điều hay và đẹp, những truyền thống đạo đức văn hoá văn minh tuyệt vời. Tôi là đệ tử của Phật Thích Ca, một con người sinh ra tại vườn Lumbini cách đây trên 2600 năm, người đã dạy cho tôi có một cuộc sống hoà bình an lạc hòa hợp giữa vật chất và thiên nhiên vũ trụ, cuộc sống không hận thù bạo động, đầy tình thương hạnh phúc chan hoà và thân ái với muôn loài. Tôi vô cùng tri ân sư phụ tôi là Thầy Hoàng Nhơn, Ngài đã đưa tôi tới với đạo Phật. Tôi vô cùng tri ân Đức Phật, tri ân đất nước Nepal đã sinh ra một một bậc Thầy, một con người vô cùng nhân hậu đã dẫn dắt hàng tỷ chúng sanh khắp nơi trên thế giới có cuộc sống hoà bình hạnh phúc, thoát được mọi khổ đau trong cõi đời này và mai sau. Tôi tri ân dân tộc Nepal vẫn còn bảo vệ giữ được di tích Lumbini , nơi Phật Thích Ca giáng trần. Tôi cũng vô cùng tri ân đất nước và dân tộc Nepal đã tiếp đón và dành cho tôi nhiều ưu ái đặc biệt trong những năm tháng làm việc và sống tại đất nước này.

Trong dòng chảy lịch sử của mỗi đất nước cũng như mỗi cá nhân, đôi khi không may mắn gặp phải khủng hoảng tai nạn. Nepal chẳng may bị khủng hoảng chiến tranh, khiến hàng chục ngàn người chết, hàng tỷ đôla tài sản tiêu tan, ruộng đồng nhà cửa của hàng trăm ngàn người tan nát, gia đình ly tán, nạn nhân đau khổ nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em vô tội.

Tôi, Thầy Huyền Diệu, chủ tịch và cũng là người sáng lập Việt Nam Phật Quốc tự Lumbini, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần và cũng là chủ tịch Liên Đoàn Phật Giáo Thế Giới Lumbini, tôi tha thiết kêu gọi tất cả các phe lâm chiến hãy ngưng ngay tiếng súng, ngưng ngay mọi tư tưởng và cử chỉ bạo động, cử chỉ hận thù dù dưới hình thức nào, mà hãy ngồi lại với nhau cùng tìm ra giải pháp hợp lý đem lại hoà bình thật sự cho Nepal. Dân tộc và đất nước Nepal và lịch sử sẽ ghi ân quí vị đã giải quyết chiến tranh hiện tại bằng sự tha thứ, bằng sự cảm thông, bằng sự nhân nhượng, bằng sự chân thật và tình thương theo truyền thống lâu đời của dân tộc Nepal. Cũng như nhiều nơi trên thế giới, cuộc chiến hiện tại sẽ không thể dập tắt được bằng bạo lực, bằng hận thù và súng đạn. Hàng trăm triệu đệ tử Phật cũng như người cảm tình với Đức Phật sống ở khắp năm châu trên thế giới sẽ rất vui mừng khi thấy quí vị vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp, một triết lý và nghệ thuật sống hoà bình an lạc theo lời Phật dạy: Không hận thù, không bạo động dù dưới hình thức nào. Chìa khóa và bí mật cho hoà bình Nepal trong tầm tay quí vị, không cần phải đi tìm hay nhập cảng từ đâu. Khi hoà bình thật sự trở lại trên đất nước Nepal, nếu quí vị vẫn còn hy vọng và vẫn tin tưởng, tôi sẽ là người sẳn sàng tiếp tay với quí vị để phát triển Nepal trở thành một trong những nước giàu có nhất trên trái đất này vào thế kỷ thứ 21, một nước giàu có hạnh phúc đã có hòa bình không bằng vũ lực mà bằng tình thương; một đất nước có hòa bình không bằng bạo động mà bằng sự cảm thông tha thứ và thương yêu chân thành. Tôi mong mỏi các phe lâm chiến sẽ nghe lời kêu gọi tha thiết chân thành của tôi mà ngưng ngay tức khắc mọi hành động cử chỉ bằng súng đạn bằng hận thù. Tôi kêu gọi tất cả quý vị hãy ngồi lại với nhau giải quyết hòa bình bằng sự tha thứ và trong công bằng tự do dân chủ. Tôi rất mong quí vị sẽ cùng nhau làm việc một cách chân thành để mở một trang sử mới cho Nepal và cho tất cả mọi người. Tôi tin tưởng một cách quyết liệt là mọi khó khăn khủng hoảng đều có thể giải quyết bằng tình thương và bằng bất bạo động. Tôi cầu nguyện hòa bình sẽ sớm đến với dân tộc và đất nước Nepal. Tôi chú nguyện và xin ban phước lành cho tất cả quý vị và gia đình cùng mọi người Nepal được mọi sự bình an.

Việt Nam Phật Quốc Tự Lumbini

Ngày trăng tròn tháng 3 năm Bính Tuất

Huyền Diệu

0 Comments:

Post a Comment

<< Home