Friday, February 02, 2007

PHAT GIAO THE GIOI

Hòa Thượng Tăng Thống Campuchia Maha Ghosananda với những họat động vì hòa bình




Hòa Thượng Tăng Thống Campuchia
Maha Ghosananda với những họat động
vì hòa bình

Bất cứ ai có dịp gặp và tiếp xúc với Hòa Thượng Tăng Thống Campuchia Maha Ghosananda thì có thể tìm thấy được an lạc nơi nụ cười hiền hậu và từ ái toát ra từ ánh mắt của ngài. "Tôi đã tha thứ cho họ", ngài nói về những du kích quân Khmer Đỏ, những kẻ đã từng giết hại cả gia đình ngài, đem đến những khổ đau khôn tả cho nhân dân Campuchia và ngài đã đọc lại lời Phật dạy : "Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới có thể loại bỏ được hận thù. Đó là định luật từ ngàn xưa".

Hòa Thượng Maha Ghosananda

Và đó cũng là luật tắc mà HT Ghosananda đã dùng để thương thuyết với các nhà lãnh tụ Khme Đỏ và binh lính của họ. "Chúng ta phải có lòng từ bi và trí tuệ", ngài nói "chúng ta chỉ lên án hành động của họ chứ chúng ta không ghét họ. Với tình thương, chúng ta sẽ thiết lập được nền hòa bình, ngoài tình thương và sự tha thứ ra, không có con đường nào khác để chọn".

Trong lúc tiếp chuyện với chúng tôi (PV tờ Bangkok Post), ngài kể chuyện về Angulimala, một người đã từng sát hại hàng ngàn người, rồi chặt ngón tay của nạn nhân xâu thành vòng hoa. Sau đó ông được Đức Phật cảm hóa và trở thành một tu sĩ. Tuy nhiên, mọi người đều biết được quá khứ tội lỗi của ông nên đã ném đá trả thù khi ông đi khất thực vào mỗi buổi sáng. Cuối cùng ông đã chết nhưng ông đã đắc quả A-La-Hán.

"Angulimala có thể làm được điều đó, vì vậy du kích quân Khmer Đỏ cũng có thể làm được" HT. Ghosananda nói. Gần đây các phương tiện truyền thông phát đi các lời dạy của Ngài để mở đường cho các lãnh tụ Khmer Đỏ và binh lính của họ sớm ra đầu thú.

Ngày nay, Ngài tin chắc rằng Phật Giáo Campuchia sẽ mang lại sức sống, hòa bình và thịnh vượng cho quê hương của Ngài. "Hòa bình chỉ hiện hữu khi nào chúng ta chấm dứt được xung đột với kẻ thù". Ngài nói. Hiện nay, có khoảng 40.000 tu sĩ và 3000 ngôi chùa ở trên khắp cả nước Campuchia. Đây là một hình ảnh được hồi sinh kể từ cuộc tàn sát của Khmer Đỏ (1975-1978), lúc ấy chùa tháp gần như bị phá hủy hay sử dụng để làm nhà giam hoặc nơi để tra tấn và chỉ còn 3000 tu sĩ sống sót trong số 50.000 vị.

HT. Ghosananda sinh năm 1929 tại tỉnh Takeo, 14 tuổi xuất gia và theo học các trường Đại học Phật Giáo ở tỉnh Battambang và Phnom Penh. Sau đó đi du học và đậu bằng tiến sĩ tại Đại học Nalanda, bang Bihar, Ấn Độ. Ngài tự xem mình là đồ đệ của Hòa thượng người Nhật Nichidatsu Fujii, vị tổ sáng lập Hội Nipponzan Myohoji, hoạt động vì hòa bình theo đường lối bất bạo động của Mahatma Ghandi. Năm 1965, Ngài phát nguyện ẩn tu 13 năm tại một ngôi chùa trong rừng thuộc miền nam nước Thái Lan.

Đến năm 1978, khi người tî nạn Campuchia đổ xô sang Thái Lan, ngài quyết định xuống núi và bắt đầu hoạt động vì hòa bình. Ngài phát truyền đơn kêu gọi người tî nạn phát khởi lòng từ bi và tha thứ cho kẻ đàn áp. Ngài tiến hành xây dựng chùa ở khắp các trại tî nạn ở dọc biên giới Thái - Miên, kể cả các trại dưới quyền kiểm soát của Khmer Đỏ. Ngài cũng tổ chức những khóa giảng dạy giáo lý cho các cộng đồng này để giúp họ giảm bớt sự sợ hãi và suy sụp tinh thần do chiến tranh gây ra. Ngài an ủi hòa bình sẽ sớm được thiết lập bởi sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam vào năm 1979.

Năm 1980, ngài thành lập Hội Liên Tôn Giáo tại Campuchia với sự giúp đỡ của một Hội đoàn ở phương Tây. Hội này đã xây dựng hàng trăm ngôi chùa trên khắp thế giới cho người tî nạn Campuchia ở nước ngoài. Hiện nay, ít nhất có khoảng 30 ngôi tự viện ở Mỹ và Canada. Cũng trong năm 1980, Ngài đã làm cố vấn cho một tổ chức kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc tại Campuchia, Ngài đã đưa ra nhiều sáng kiến về các chương trình phát triển kinh tế và xã hội giúp cho người dân Campuchia thoát khỏi cảnh đói nghèo và khổ đau.

Năm 1992, ngài tổ chức cuộc đi bộ vì hòa bình (Dhammayatra) lần thứ I, từ biên giới Thái Lan về tới Phnom Penh. Đi theo Ngài là người dân Campuchia trở về quê hương sau 12 năm tî nạn. Cũng trong năm này, Ngài được vua N. Sihanouk ban tặng danh hiệu Tăng Thống Phật Giáo Campuchia. Sau đó Ngài cũng nhận được một giải thưởng nhân quyền do Hội Rafto Na Uy trao tặng.

Năm 1993, Ngài lại dẫn đầu hàng trăm người đi bộ lần thứ II băng qua các tỉnh bị chiến tranh tàn phá ở Campuchia. Năm 1995, Ngài cũng dẫn đầu một phái đoàn đi bộ hòa bình qua các nước ở châu Á để vận động cho hòa bình thế giới, (phái đoàn này đến Việt Nam vào đầu tháng 6-1995).

Ngày nay, Ngài rất nổi tiếng về các cuộc Dhammayatra hàng năm. "Cuộc đi bộ hòa bình của chúng tôi bắt đầu từ hôm nay và mỗi ngày", Ngài nói, "mỗi bước đi là một lời cầu nguyện, một sự mặc niệm và bắc thêm một chiếc cầu". Năm nay, Ngài sẽ hướng dẫn một đoàn đi bộ qua các tỉnh Takeo, Kampot và Kompong Som, đoàn sẽ bắt đầu vào ngày mùng 10 tháng 5.

HT. Ghosananda rất lạc quan về tương lai của Campuchia : "Campuchia đã quá mệt mỏi với chiến tranh, có khổ đau chúng ta mới thấy được ánh sáng của Chánh pháp ". Năm nay (1996) Ngài được đề cử trao giải Nobel Hòa bình lần thứ hai (lần thứ I năm 1994 do Thượng Nghị Sĩ Mỹ C. Pell đề xuất).

"Lần đầu Yasser Arafat đã thắng" Ngài nói với một nụ cười hiền hậu. Khi hỏi "Ngài cảm thấy thế nào khi nghe tin mình được đề cử nhận giải lần thứ hai này?". Ngài cười và nói : "Không có gì".

Theo BANGKOK POST, 27/ 2/ 1996


http://www.thuvienhoasen.org/pgtg-205-ghosananda.htm

http://www.thuvienhoasen.org/pgtg-208-nhasuchau%20a.htm

CÁC NHÀ SƯ CHÂU Á TRÊN ĐẤT MỸ
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
1. Người Trung Hoa
* Pháp sư Hui Shan (Huệ Thần, Hội Thần?)
Ngài được xem là tăng sĩ Phật giáo đầu tiên đến Mỹ từ châu Á. Theo giáo sư John Fryer (Đại học California) và giáo sư Edward P.Vining (Đại học San Francisco) thì vào khoảng thế kỷ thứ V sau TL có một phái đoàn truyền bá Phật giáo do pháp sư Hui Shan dẫn đầu đã đến Mỹ. Những khám phá mới này không chỉ được dựa vào biên niên sử Trung Hoa, mà còn căn cứ theo những truyền thống và tập quán tôn giáo đang có ở Mỹ và Mêxico. Đây là sự thật gây chấn động và thêm vào một chương mới của lịch sử Phật giáo thế giới trong mối quan hệ văn hóa Ấn - Mỹ cổ đại.
Pháp sư Hui Shan và bốn người khác gốc Kabul ở Afganistan đã viếng thăm Mỹ và Mêxico vào năm 458 sau TL với mục đích truyền bá giáo lý của Đức Phật. Phái đoàn tách ra làm hai nhóm đến Trung Mỹ để tiến hành công việc hoằng pháp trên 40 năm. Sau đó, pháp sư Hui Shan đã đơn độc trở về Trung Quốc năm 499 (sau TL). Lúc về đến Kinh Châu (thủ đô trên bờ sông Dương Tử) thì nội chiến đang lan tràn trên đất nước này, Ngài phải chờ đợi đến năm 502 mới được yết kiến vua Võ Đế của tân triều đại nhà Lương và trình tâu lên nhà vua tất cả những Phật sự mà giáo đoàn đã thực hiện ở Mỹ. Trong dịp này Hui Shan đã dâng lên hoàng đế những món hàng lạ kỳ mà Ngài đã mang về từ Mỹ và Mêxico. Vua Võ Đế là một Phật tử thuần thành, một đại thí chủ, rất quan tâm đến cuộc Tây du truyền giáo của Hui Shan, nên đã đề cử vị thân vương Du Kỳ thẩm vấn Hui Shan về chi tiết của phái đoàn rồi tường trình lại đức vua. Vì thế, bản tường trình này đã được đưa vào văn khố của nhà Lương rồi lưu truyền đến ngày nay, được sự xác nhận đầy đủ của sử gia Trung Hoa lừng danh là Mã Đoan Lâm, một sử gia đời Tống, viết "Văn Hiến Thông Khảo".
Pháp sư Hui Shan kể rằng, Ngài cùng 5 Tăng sĩ khác đã đến châu Mỹ dưới thời vua Minh Đế thuộc triều đại nhà Tống (420-589) trong khoảng 458 sau TL. Các nhà sư mang theo hình tượng Phật, ngọc Xá lợi và kinh sách. Phái đoàn đã đi dọc theo quần đảo Kurile và đảo Aleutian rồi đến Alaska. Phái đoàn đã dạy dân chúng Mỹ tu học và truyền giới Cụ túc cho một số người dân ở đó. Sau 40 năm hoạt động, không biết vì lý do nào đó, pháp sư Hui Shan đã bị người thổ dân ngược đãi, và khi cuộc sống của Ngài bị đe dọa, Ngài liền tìm cách trở về Trung Hoa. Trước đó Ngài đã để lại những dòng chữ khắc trên đá.
Ở Magdalana thuộc Mêxico có một pho tượng được dựng nên để tưởng nhớ đến Ngài với tên tuổi khắc vào đó. Theo giáo sư Edward Vining, cho biết có trùng hợp nổi bật để chứng tỏ sự hiện diện của Phật giáo và văn hóa Ấn ở Mỹ và Mêxico trong những thế kỷ đầu của Tây lịch. Theo ông thì Phật giáo và Ấn Độ giáo đã được truyền vào Mỹ trong một thời gian dài trước khi người Tây Ban Nha đến đó (do nhà hàng hải Christopher Columbus (1451-1506), một nhà thám hiểm người Ý, dẫn đầu trong chuyến công du do cho triều đình Tây Ban Nha và đã khám phá ra châu Mỹ vào tháng 10 năm 1492).
Còn hai giáo sư John Murray Gibbos và Tom Mac Innes, người Canada, thì công nhận việc khám phá ra châu Mỹ của pháp sư Hui Shan. Theo họ thì pháp sư đã băng qua Thái Bình Dương trên một chiếc thuyền buồm của Trung Hoa. Pháp sư đến Vanconuver khoảng 499 sau TL, rồi trải qua mùa Đông trên đảo Nootka (Canada) nơi Ngài để lại ba Tăng sĩ để truyền giáo. Những đồng tiền Trung Hoa thuộc triều đại nhà Tấn được tìm thấy ở đó vào năm 1876. Tàn tích những ngôi chùa, những pho tượng Phật có khắc chữ Trung Hoa cũng tìm thấy ở Mỹ và Mêxico.
* Pháp sư Tuyên Hóa (Hsuan Hua, 1908-1995)
Pháp sư được xem là nhà truyền bá Phật giáo Trung Hoa thành công nhất trên đất Mỹ ở cuối thế kỷ XX này. Pháp sư sinh năm 1908 tại vùng Đông Bắc, Trung Hoa, 11 tuổi xuất gia. Năm 1947, Ngài đến cầu pháp với Thiền sư Hư Vân (thọ 120 tuổi, viên tịch năm 1959) và được phú pháp là Tổ thứ 9 của dòng Quy Ngưỡng, Trung Hoa. Năm 1959, Ngài lên đường đi Hoa Kỳ để hoằng pháp tai San Francisco, Ngài xây dựng một Thiền đường để giảng pháp và hướng dẫn Phật tử tu học. Ngài bày tỏ với tín đồ mục đích chính của Ngài khi đến Mỹ là: "Đem giáo lý Phật đà qua phương Tây và thành lập ở đây một cộng đồng Tăng già chánh truyền, tổ chức và hổ trợ việc phiên dịch toàn bộ kinh điển Phật giáo sang tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác; quảng bá một nền giáo dục hướng thiện qua việc thành lập các trường tiểu, trung và đại học Phật giáo".
Chân dung Pháp sư Tuyên Hóa
Năm 1969, pháp sư Tuyên Hóa đã hoàn bị việc thiết lập một cộng đồng Tăng lữ tại Tây phương khi Ngài nhận 5 vị người Mỹ xuất gia tu học. Cũng trong năm nằy Ngài thành lập Hội Dịch Kinh, một tổ chức chuyên trách việc phiên dịch và in ấn kinh điển và đã xuất bản trên 200 dịch phẩm. Năm 1970, Ngài khai sơn tu viện Kim Sơn ở San Francisco gồm ba tầng lầu. Năm 1972, Ngài là pháp chủ giới đàn truyyền giới đầu tiên được tổ chức tại Mỹ có hơn 200 Tăng ni ở Mỹ và các nước lân cận về thọ giới trong dịp này. Năm 1974, pháp sư đã mua lại một bệnh viện ở California để thành lập Vạn Phật Thánh Thành (City of Ten Thousand Buddhas). Đây là một cơ sở hoằng pháp vĩ đại nhất từ trước tới nay tại Mỹ với diện tích rộng 488 mẫu (gấp 25 lần tòa Bạch ốc).
Pháp sư Tuyên Hoá nói về nhân duyên thành lập Vạn Phật Thánh Thành (VPTT) : "Có thể nói rằng nhân duyên thành lập VPTT đã đuợc định trước từ vô lượng kiếp. Làm sao chúng ta có thể xây cất được bảy, tám chục toà nhà như thế ?". Thật ra, nơi này là một bệnh viện do chính quyền California xây dựng từ năm 1930, tất cả vật liệu kiến trúc và các thiết bị bên trong đều thuộc loại thượng hảo hạng. Toàn khu bệnh viện có hơn 70 tòa nhà thuộc loại công trình kiến trúc lớn, trên 2000 phòng, 3 sân chơi bóng chày, 1 trạm cứu hỏa, 1 hồ bơi, 1 lò đốt rác, cùng nhiều thiết bị cung cấp nước chữa lửa nằm rải rác dọc vệ đường. Một con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo ăn thông với các ngả, hai bên có trụ đèn đường và nhiều cây cổ thụ hơn cả trăm năm. Tất cả các ống dẫn nước, mạng nối các thiết bị điện, hệ thống dẫn điện dùng cho máy sưởi và máy điều hòa đều được thiết kế dưới mặt đất. Các công trình đều được nghiên cứu một cách cẩn thận về cả mặt thiết kế lẫn vật liệu. Toàn khu bệnh viện có đủ chỗ cho hơn 20000 người cư trú. Vào giữa năm 1970, bang California gặp phải một trận đại hạn hán vô tiền khoáng hậu, nạn thiên tai đã ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bệnh viện này. Chính phủ có mời công ty đào giếng nổi tiếng nhất ở Mỹ đến đào giếng nhưng không có nước, Chính phủ lâm vào cảnh bế tắc, đành phải chuyển bệnh nhân đi nơi khác và bán bệnh viện này với giá rẻ.
Sau khi mua lại bệnh viện này, pháp sư Tuyên Hoá đã tái tạo thành VPTT. Nhằm giải quyết nạn khang hiếm nước, Ngài đã dùng tuệ nhãn để xác định vị trí mạch nước ngầm, và công việc đã thành công. Đây là một sự kiện bất khả nghì, và cho đến nay, mỗi khi nhắc lại mọi người đều thấy vui, xúc động pha lẫn hào hứng.
Vạn Phật Thánh Thành là nơi hội tụ của những người có đạo đức trí tuệ chân chính. Tại đây tuyệt đối không có sự phân biệt, chia rẽ, Nam-Bắc tông đều thông giao, văn hoá Đông Tây đều hòa hợp, nhân sĩ trên thế giới xem đây là một cõi để quay về tự tâm. Pháp sư Tuyên Hóa đã khẳng định rằng "VPTT không phải là một cơ sở của tư nhân, nó thuộc quyền sở hữu của tất cả Phật tử trên thế giới, kể cả tín đồ của mọi tôn giáo khác".
Pháp sư Tuyên Hóa cũng nổi danh về đức khiêm cung vô ngã và lòng từ bi vô biên đối với chúng sanh. Ngài hành đạo không biết mệt mỏi cho đến suốt đời. Ngài đã viên tịch vào ngày mùng 10 tháng 5 năm Ất Hợi (1995) tại VPTT, Los Angeles, California, Hoa Kỳ.
2. Người Tích Lan
* Pháp sư Anagarika Dharmapala (1864-1933)
Ngài thế danh là David Hewivi Larne, một pháp sư cư sĩ nổi tiếng khắp thế giới như là Chủ tịch Hội Maha Bodhi ở Ấn Độ. Ngài sinh ngày 17/09/1864 tại quận Pettah, Colombo, Tích Lan, trong một gia đình theo truyền thống Phật giáo Theravada, dù gia đình theo đạo Phật, nhưng ông đã trải qua những năm ở tiểu và trung học thuộc Thiên Chúa giáo. Hoán cảnh lúc ấy không có sự chọn lựa nào khác. Tuy phải đọc kinh Cựu ước hằng ngày, nhưng hạt giống Bồ đề không phai nhòa trong ông. Thời gian ở đại học ông đọc nhiều sách về Phật, triết, tâm lý, đạo đức, lịch sử, tiểu sử.
Chân dung pháp sư Anagarika Dharmapala
Năm 1883, ông gặp ông Olcott và bà Blavatsky, sáng lập viên Hội Thông thiên học ở Mỹ đến Tích Lan và Ấn Độ để học Phật. Hai vị Phật tử này đã thành lập Hội Thông thiên học Phật giáo tại Tích Lan và Dharmapala được mời vào làm việc tại văn phòng này. Năm 1885 ông đến Ấn Độ để tìm thầy học Thiền. Ông cùng với người bạn Nhật Bản Kowen Gunaratra tham quan một vòng những thắng tích Phật giáo ở Bombay và Calcutta. Dharmapala cảm thấy đau đớn vì Phật giáo không còn hiện hữu ở những nơi này nữa, còn chăng chỉ là những hình ảnh chết. Ông phát nguyện ở lại Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng) để tu tập và khôi phục lại cơ đồ của Phật giáo. Và tại đây, 40 năm sau đã trở thành Trung tâm Hoằng pháp Maha Bodhi do chính ông sáng lập. Hội này thành lập vào ngày 31/5/1891 với sự hổ trợ của Phật giáo Nhật Bản, Miến Điện, Tích Lan và Trung Hoa. Mục tiêu chính của Hội là: Hãy trả Bodh Gaya lại cho Phật giáo. Tờ báo tiếng Anh "Maha Bodhi" xuất hiện đầu tiên vào tháng 5 năm 1892 do Dharmapala làm chủ bút. Ông viết bài "Một thế giới Phật giáo thống nhất" (A united Buddhist World). Đại tá Olcott viết bài "Tinh thần từ bi của Phật giáo" (Sweet spirit of Buddhism) và nhiều bài đạc sắc khác. Ở Chicago, tiến sĩ J.H.Barrows, Chủ tịch Nghị viện Tôn giáo thế giới (The World Parliament of Religion) đọc được số báo đầu tiên này liền viết thư mời Dharmapala tham dự Đại hội Tôn giáo thế giới (ĐHTGTG) tổ chức tại Chicago vào tháng 9/1893.
Ông đến Mỹ với một viên ngọc Xá lợi, một ảnh Phật nhỏ và 20.000 cuốn Ngũ giới (2ive precepts) để tặng Đại hội, ĐHPGTG lần đầu tiên này với 4.000 đại biểu từ các châu lục phần lớn là tín đồ Thiên Chúa giáo. Ông Dharmapala tham dự Đại hội với tâm trạng rất phấn khởi, ông nói : "Đây là một thành quả quý báu nhất, tự hào nhất và là một công việc đáng làm nhất của thế kỷ thứ XIX". Sau ngày bế mạc Đại hội, ngày 26/9 ông được mời giảng pháp tại hội trường Athenaeum với chủ đề "Phật giáo và Thông thiên học". Ngày 10/10, ông xuống tàu về lại Ấn Độ. Trong dịp này ông đã ghé thăm Nhật Bản, Hawaii và Trung Quốc.
Ông Dharmapala trở lại Mỹ vào năm 1896 do nhận lời mời hoằng pháp của tiến sĩ Paul Carus, một Phật tử người Đức đang sống ở Mỹ. Lần này ông đã đi thuyết pháp tại các tiểu bang New York, Chicago, San Francisco, Grand Rapids, Cincinati, Duluth, Minneapolis, lowa city, Des Moines, Dayton và Columbus. Đề tài được thính giả yêu cầu nói lại nhiều lần là "Sự hòa giải của Phật giáo và Thiên Chúa giáo". Báo chí Mỹ lúc ấy đã ca ngợi về sự kiện hoằng pháp này của pháp sư Dharmapala; ông là một nhà hùng biện Phật giáo, một người Á châu có giọng nói tiếng Anh rất độc đáo và làm cuốn hút người nghe.
Một năm sau (1897), tại San Francisco, pháp sư Dharmapala đã tổ chức đại lễ Phật đản đầu tiên trên đất Mỹ, 37 ngọn nến được thắp sáng trước lễ đài Phật Đản biểu tượng cho 37 phẩm Trợ đạo và 400 Phật tử Mỹ thành kính lắng nghe Ngài tụng kinh Mangala từ một bản kinh chép tay trên lá bối.
Chuyến viếng thăm Mỹ lần thứ ba của Ngài vào giữa năm 1902-1904. Lần này, Ngài cũng đi đến thuyết nhiều nơi và tham quan các trường khoa học - kỹ thuật, Ngài cho rằng : "Phương Đông cần kỹ thuật của phương Tây, cũng như phương Tây cần tâm linh của phương Đông". Sau chuyến viếng thăm này, Ngài đã xây dựng một trường kỹ thuật ở Sarnath, Ấn Độ. Đặc biệt trong lần hoằng pháp này, Ngài đã cảm hóa được giáo sư người Mỹ-William James thuộc đại học Harvard. Ông này nói: "Thầy chuẩn bị các bài giảng về tâm lý tốt hơn tôi nhiều". Sau khi được pháp sư Dharmapala trình bày những nét đại cương về môn Phật học, giáo sư James trở về Harvard và thông báo với lớp của ông : "Đây là môn tâm lý học mà các em sẽ học trong 25 năm, bắt đầu từ hôm nay".
Năm 1925, pháp sư Dharmapala đi Anh quốc để xây dựng chi nhánh Maha Bodhi, rồi Ngài ghé qua thăm Mỹ lần cuối cùng. Bảy năm sau, vào ngày 16/01/1933, Ngài qua đời tại Ấn Độ vì bệnh tim. Trước đó Ngài đã xuất gia và thọ giới Cụ túc với các sư Tích Lan. Trước khi tịch, Ngài nguyện cầu cho mình rằng : "Muốn tái sinh trở lại đời này 25 lần để truyền bá giáo lý đạo Phật". Và Ngài cũng muốn tái sinh vào một gia đình Bà la môn ở Benares (Ấn) để tiếp tục cuộc đấu tranh vì sự sống của Bodh Gaya. Năm 1949, (60 năm kể từ ngày Ngài khởi sự đấu tranh giành lại công bằng cho Bodh Gaya) Ấn Độ đã giành lại nền độc lập từ chính quyền thực dân Anh và Bodh Gaya đã được trả về cho Phật giáo.
3. Người Nhật Bản
* Thiền sư Soyen Shaku
Ngài đến Mỹ trong dịp dự ĐHTGTG tại Chicago năm 1893 và được xem là vị Thiền sư Phật giáo đầu tiên đăït chân lên đất Mỹ. Ngài xuất gia năm 20 tuổi (1871) với Thiền sư Ekkei Zenji. Năm 1887, Ngài sang Tích Lan để học tiếng Pàli và bắt đầu đời sống khổ hạnh như các Tăng sĩ tại nơi đây.
Chân dung Thiền sư Soyen Shaku
Trong thời gian lưu học tại Tích Lan, Ngài đã gặp và quen biết với đại tá Olcott và đã được ông này mời tham dự ĐHTGTG vào năm 1893.
Thiền sư Soyen Shaku nhận lời mời và Ngài cùng với một số người Nhật lên đường đến Mỹ, phái đoàn mang theo những bộ đồ uống trà, vải lụa, tranh ảnh quạt giấy và sách Phật. Riêng bản thân Ngài chuẩn bị một bài phát biểu mà trước đó đã nhờ D.T Suzuki dịch ra tiếng Anh giùm (Suzuki lúc ấy đang là sinh viên đại học và đang học Thiền với Ngài). Bài tham luận "Luật Nhân quả của đạo Phật" mang đến đại hội, Ngài không đọc được phải nhờ tiến sĩ Barro - đọc hộ. Sau đại hội, tiến sĩ Carus mời Soyen và hai Tăng Ni người Nhật khác đến nghỉ nhà ông ở Lasalle, Illinois. Hai người đã thảo luận về tôn giáo và triết học. Họ đồng ý rằng "cuối thế kỷ XIX là thời điểm thích hợp để thực hiện công cuộc cải cách tôn giáo". Ngài Soyen nói : "Chúng ta tin rằng cải cách tôn giáo là để loại bỏ những ý tưởng điên rồ, bảo thủ, lạc hậu và để nâng cao giá trị của chân lý, hãy làm giảm bớt sự cách biệt giữa các chủng tộc truyền thống và ngôn ngữ". Giống như Carus, Soyen có một biệt tài là giới thiệu PG như là một tôn giáo hợp lý và khoa học. Tiếp đó, Soyen giúp đọc lại bản thảo quyển "Lời giáo huấn của Đức Phật" của Carus.
Vào tháng 6 năm 1905, Thiền sư Soyen trở lại Mỹ để hoằng pháp theo lời mời của thương gia Alexander Russel ở California. Lần này có hai đệ tử đi theo Ngài là Nyogen Senzaki và D.T Suzuki. Sau chuyến hoằng pháp tại Mỹ, Ngài đi thăm châu Âu và ghé thăm Ấn Độ, Tích Lan rồi trở về Nhật Bản. Đến năm 1919, Ngài viên tịch tại chùa Engakuji, thọ 68 tuổi. Các đệ tử của Ngài vẫn tiếp tục công việc hoằng pháp tại Mỹ.
* Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966)
Ông là tiến sĩ, giáo sư nhiều trường đại học ở Nhật, Mỹ và châu Âu; là tác giả, dịch giả của hơn 100 tác phẩm viết bằng Nhật và Anh ngữ, được xem là người có công đầu trong việc truyền bá Phật giáo Thiền tại Mỹ (Lâm Tế). Ông sinh năm 1870 tại Kanazawa trong một gia đình theo truyền thống Thiền Rinzai. Nhưng Ngài theo học thiền công án với Thiền sư Kosen. Năm 1892, sau khi Kosen viên tịch (thọ 81 tuổi), Ngài tiếp tục học thiền với Thiền sư Soyen Shaku, người kế thừa sự nghiệp của Kosen ở thiền viện Angaku ở Kamakura. Cuối tháng Giêng năm 1897, sau khi tốt nghiệp ở khoa triết học ở đại học Tokyo, theo lời khích lệ của Thiền sư Soyen, Suzuki đến Mỹ để du học và phụ giúp tiến sĩ Paul Carus (bạn thân của Soyen) hoằng pháp tại Mỹ. Lúc bấy giờ ông Carus là chủ bút tờ báo Open Court ở Lasalle, Suzuki đến làm việc tại đây.
Chân dung Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki
Công việc đầu tiên của ông là giúp Carus chuyển ngữ quyển "Đạo đức kinh", tiếp đó ông dịch quyển "Sức thức tỉnh của niềm tin" (Awakening of Faith) của Ashvaghosha. Rồi ông bắt đầu viết "Đại cương về Phật giáo Đại thừa" (Outlines of Mahayana Buddhism), cuốn sách đầu tay của ông. Trong thời gian này ông vừa dịch sách và vừa học Pàli tại Sanskrit.
Ông đã ở lại Lasalle, bang Illinois tổng cộng 11 năm để dịch thuật, nghiên cứu, viết sách và thỉnh thoảng đi thông dịch cho Thiền sư Soyen khi Ngài đến hoằng pháp tại Mỹ.
Ngày 16/4/1900, Suzuki bắt đầu công tác viết bài cho tờ nguyệt san "The Light of Dharma". Hai năm sau, ông trở về Nhật Bản và kết hôn với Beatrice Erskinelane, một phụ nữ theo phái Thông thiên học. Vợ chồng Suzuki sống trong một căn nhà nhỏ bên cạnh Thiền viện Engaku cho đến khi Thiền sư Soyen viên tịch vào năm 1919. Sau đó ông dọn đến Kyoto và đi dạy Triết học và Tôn giáo học tại đại học Otari. Tại đây ông thành lập Hội Nonsectarian Mahayana và phát hành tờ báo "Phật giáo phương Đông". Năm 1927, ông xuất bản quyển "Khái luận Phật giáo Thiền" (Essays in Zen Buddhism). Năm 1936, ông được mời đi giảng ở Anh quốc, tại đó ông gặp Alan Watts, (một Phật tử trẻ tuổi, người về sau viết nhiều sách thiền và chủ biên tờ "Buddhism in England") và hướng dẫn vị này đến học thiền ở Nhật Bản. Năm 1949, ông lại đến Honolulu (Mỹ) để dự "Đại hội các triết gia Đông và Tây" lần thứ II, tại đây ông đã gặp Philip Kapleau và hướng dẫn vị này đến xuất gia tu học tại Nhật Bản. (Sau 13 năm tu học tại Tokyo, Kapleau 1966 trở về Mỹ và thành lập một trung tâm Thiền ở New York. Kapleau cũng là tác giả của hai tác phẩm thiền nổi tiếng là "Ba Trụ Thiền" và "Thiền, bình minh ở phươmg Tây"). Sau đó, ông đến New York để dự hội thảo về triết học và đi giảng ở nhiều nơi khác.
Năm 1953, ông được mời dạy tại Đại học Columbia, New York. Lúc ấy, Suzuki rất nổi tiếng về những sách Thiền, những buổi thuyết giảng và cả đời sống hành thiền của ông. Phong trào học và tu thiền ở Mỹ bắt đầu được chú ý. Năm 1957, "Đại hội Thiền và Phân tâm học" ở Mỹ, Suzuki là một đại biểu nổi bật. Cũng trong năm này ông nghỉ dạy ở Columbia và được mời đi giảng nhiều đại học khác như Massachusetts, Cambridge, Arvard. Năm 1959, "Hội Phật giáo Cambridge" ra đời, ông được mời giữ chức Chủ tịch. Ba năm sau ông trở về Nhật Bản và tiếp tục dịch và viết sách, ông làm việc không biết mệt mỏi cho đến lúc qua đời, ông mất năm 1966, tại thiền viện Kamakura, hưởng thọ 96 tuổi.
4. Người Triều Tiên
  • Thiền sư Soen Sa Nim
Chân dung Thiền sư Soen Sa Nim
Ngài được xem là Thiền sư người Triều Tiên đầu tiên có mặt tại Mỹ. Ngài xuất gia năm 1949, từng đi du học 9 năm ở Nhật Bản và Hồng Kông. Năm 1972, Ngài đến Los Angeles, nơi có cộng đồng người Triều Tiên sinh sống.
Khởi đầu, Ngài rất vất vả, phải đi làm ở tiệm giặt ủi để kiếm tiền học Anh văn và trả tiền nhà. Sau đó, Ngài được giáo sư Leo Prudes (thuộc khoa Phật học ở Đại học Brown) mời đến giảng cho sinh viên của ông. Nhân dịp này Ngài được hai sinh viên Mỹ thỉnh Ngài đến nhà họ để dạy thiền. Không bao lâu, Ngài đã thành lập Trung tâm Thiền Providence ở Rhode Island.
Năm 1974, Ngài bắt đầu đi giảng pháp khắp nơi ở Mỹ, Ngài nói : "Zen là tin ở mình 100% và các vị nên tin vào phương pháp thiền của chính người Mỹ". Ngoài hướng dẫn ngồi thiền, Ngài còn dạy đệ tử tụng kinh, lạy Phật và niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm.
Tiếp đó lần lượt Ngài xây dựng chùa Tah Mah ở Los Angeles; Trung tâm Thiền quốc tế ở New York, Trung tâm Thiền ở Cambridge... để có nơi cho người Triều Tiên và Mỹ tu học. Nhờ sự hoạt động hoằng pháp này mà Phật giaó Triều Tiên được chú ý đến tại Mỹ và họ bắt đầu viếng thăm, tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo tại chính quốc gia Triều Tiên.
5. Người Tây Tạng
* Lama Thubten Yeshe (1935-1984)
Ngài là một pháp sư nổi tiếng, người góp sức san bằng các chướng ngại địa dư và nối liền những phân cách văn hóa và chủng tộc để dòng tuệ giác mặt trời đầu nguồn Tây Tạng chảy xuống vùng đất lạ Tây phương. Ngài sinh vào tháng 5 năm 1935 tại ngoại ô thủ đô Lhasa, Tây Tạng. Lên 6 tuổi Ngài xuất gia và trải qua 20 năm tu luyện tại tu viện Sera ở Lhasa. Đây là thời gian tuyệt vời, thánh thiện và cao khiết nhất trong đời của Ngài, Ngài nhớ lại : "Tôi và khoảng 10.000 Tăng sĩ khác đã vui vẻ khép mình trong đời sống giới luật. Một bông hoa cũng không được phép nở nếu nó làm ta xao lãng việc điều tâm định ý".
Năm 1959, ở tuổi 25, Ngài tî nạn sang vùng Đông Bắc Ấn Độ ; tại đây Ngài bắt đầu học Anh văn để chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Năm 1961, Ngài thu nhận người đệ tử Tây phương đầu tiên là quận chúa Zina Rachevsky, một công nương xinh đẹp với mái tóc màu bạch kim, thuộc dòng dõi quý tộc Nga. Sau ngày đế chế Nga sụp đổ gia đình của Zina sang tî nạn ở California, mẹ cô là người thừa hưởng một gia tài khổng lồ, và là một trong những người đàn bà giàu nhất nước Mỹ. Zina lớn lên trong sự giàu có đó và trở nên hư hỏng vì tình dục và ma túy. Đầu thập niên 60, Zina rời bỏ nước Mỹ để theo sống với nhóm nghệ sĩ ở Hy Lạp, rồi lại tìm đến vùng đất thánh Hippy Ấn Độ. Lúc cô gặp được Lama Yeshe thì cô đã tàn phai và khô cằn vì ma túy, rượu mạnh và lối sống buông thả.
Qua 9 tháng học giáo lý, Zina quyết định xuất gia trở thành Sư cô. Sau đó, Zina được Lama Yeshe đưa đến Nepal để tu học. Tại đây, Zina đã mua đứt một vùng đất rộng trên ngọn đồi nhìn xuống thủ phủ Kathmadu để xây dựng tu viện Kopan. Sư cô Zina nhập thất tu học được 3 năm thì qua đời ở tuổi 42.
Vào tháng 11 năm 1971, Lama Yeshe bắt đầu mở khóa tu Lam Rim (Tiệm Đạo) cho 250 người Tây phương đến dự tu khóa này. Mặc dù vốn liếng Anh văn giới hạn nhưng Ngài giảng pháp rất hay. Ngài nói : "Tôi tin rằng Phật giáo có những điều quý giá để tặng cho người Tây phương những người thiếu hiểu biết về chức năng của tâm thức. Xuyên qua tâm thức, ta có thể đạt được những trạng thái hạnh phúc không thể ngờ được". Sau khóa tu có cô Max Mathews (người Mỹ) và ông Nick Ribush (một bác sĩ người Úc) xin xuất gia.

Chân dung Lạt ma Yeshe
Năm 1974, Lama Yeshe cùng với Lama Zopa và sư cô Max Mathews đến bang Indiana (Mỹ) để thăm nhóm thiền sinh của Lois-Bod Wood, những người từng đến tu học tại Ấn Độ. Sau khi rời Mỹ đoàn đến Úc để diễn thuyết và thành lập Viện Quan Âm ở bang Queensland, đây là trung tâm Phật giáo (TTPG) đầu tiên của một chuỗi rất dài những TTPG mọc lên ở Úc, Âu và Mỹ châu sau này. Một năm sau, Lama Yeshe theo lời mời nên tổ chức chuyến hoằng pháp vòng quanh thế giới thứ hai gồm Mỹ, Úc và bốn nước khác ở châu Âu.
Đến tháng 11 năm 1975, tại bang California, Lama Yeshe tuyên bố thành lập Hội Bảo tồn Phật giáo Đại thừa (Foundation for The Preservation of The Mahayana teachings, viết tắt là FPMT), tổ chức này phát triển rất nhanh, đến nay có trên 100 chi nhánh ở 20 quốc gia khác nhau bao gồm Nepal, Ấn Độ, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Brasil, Hy Lạp, Nhật Bản, Đài Loan... Ngoài các chi nhánh này còn có một nhà xuất bản rất thành công là Wisdom Publications ở bang Massachusetts và một Phật học viện Nalanda gần Toulouse, Pháp quốc, đã có thể cung cấp một chương trình tu học đa diện cho Tăng sĩ phương Tây mỗi ngày càng đông.
Đến ngày 3/03/1984, Ngài đau nặng vì bệnh tim, và đã viên tịch ở tuổi 49 tại Los Angeles, bang California, để lại phía sau mình một tổ chức khổng lồ do người đệ tử Lama Zopa đang gánh vác. Hai năm sau (từ ngày mất), người ta đã phát hiện ra Ngài trong một dáng hình khác, đó là Osel Hita Torres, sinh ngày 12/02/1985, Ngài đã tái sinh trở lại Bubion, Tây Ban Nha. Hiện nay, Ngài là hóa thân của Lama Osel (13 tuổi) đang tu học tại tu viện Sera, miền Nam nước Ấn Độ.
6. Người Việt Nam
* Hòa thượng Thích Thiên Ân
Ngài được xem là Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Văn chương tại Đại học đường Wasada, Nhật Bản, Ngài đã được mời đến Hoa Kỳ với tư cách giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học Đông phương vào năm 1966. Ngài dự tính sẽ về Việt Nam vào năm 1967, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ nài nỉ Ngài ở lại để hướng dẫn tu học.

Chân dung Hòa Thượng Thích Thiên Ân
Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở Hollywood để hướng dẫn sinh viên Mỹ học và tu thiền. Ngài là một Thiền sư được đào tạo theo truyền thống Rinzai (Lâm Tế) Nhật Bản.Tiếp đó do nhu cầu giới thanh niên Mỹ đến học ngày càng đông, Ngài thành lập trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc ở phía nam của đại lộ Vermont, Los Angeles. Láng giềng của Ngài là người da màu, Mêxico, triều Tiên và Thái Lan. Vì xuất thân từ Việt Nam, một quê hương Phật giáo vốn có sự hài hòa phối hợp giữa Mahayana và Theravada, nên Hòa thượng đã thừa hưởng truyền thống tốt đẹp này. Ngay từ những ngày đầu đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học ; nổi bật trong số đó có sư cô Karuna Dharma, một tiến sĩ Phật học, người kế thừa sự nghiệp sau khi Ngài viên tịch. Ba năm sau Ngài đã tổ chức giới đàn để truyền giới Tỷ kheo (250 giới), Tỷ kheo ni (348 giới), pháp sư (25 giới, pháp sư là nhà truyền giáo cư sĩ được nhận một áo vàng có dải đeo cổ và một tọa cụ) cho người Mỹ đến tu học. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Hòa thượng quan tâm đến việc truyền giới cho nhiều pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào trong mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật. Tiếp đó, ngài xây dựng chùa Phật giáo Việt Nam để có nơi cho đông đảo người Việt ở California chiêm ngưỡng và tu học.
Vào tháng 10 năm 1973, HT Thiên Ân kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.
Đầu tháng 9 năm 1980, HT Thiên Ân cảm thấy pháp thể khiếm an, Ngài đi bệnh viện và bác sĩ cho biết Ngài có một khối u trong não và được giải phẫu; bác sĩ cũng cho biết HT mắc phải bệnh ung thư gan, nhưng HT vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Đến ngày 23/11/1980, HT đã qua đời. Hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn người Mỹ đã khóc tiễn đưa người thầy khả kính này. Một thiền sinh người Mỹ nói : "Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài quá sớm như vậy". Ngôi chùa Phật giáo Việt Nam hiện nay do một Tăng sĩ người Việt thừa kế trụ trì và Trung tâm Thiền học Quốc tế do Ni sư người Mỹ Karuna đảm trách, sự nghiệp hoằng pháp của HT Thiên Ân vẫn còn phát triển mạnh trên đất Mỹ.
Tổng hợp từ các tài liệu:
Rick Fields (1992) HOW THE SWAN CAME TO THE LAKE, Narrative History of Buddhism in America, Shambhala, Boston, USA.
Charles S. Preblish (1993), HISTORICAL DICTIONANRY OF BUDDHISM, Indian Books Centre, Delhi, India.
Stephen Bathchelor (1994) The WAKENNING OF THE WEST, The Encounter of Budhdhism and Western Culture, Parallax, Berkeley, California, USA.

http://www.thuvienhoasen.org/pgtg-208-nhasuchau%20a.htm

EDWARD CONZE
MỘT DỊCH GIẢ PHẬT GIÁO VĨ ĐẠI Ở PHƯƠNG TÂY
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
www.quangduc.com
Tiến sĩ Edward Conze (1904-1979) là một trong những học giả, dịch giả Phật Giáo vĩ đại nhất ở Tây Phương. Là nhà nghiên cứu đứng đầu trong tất cả các tông phái Phật Giáo, ông thông thạo những ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ và Nhật Bản. Trong hơn ba mươi năm, ông là giảng viên tâm lý học ở đại học.
Edward Conze (đọc theo tiếng Đức là Eberhart Julius Dietrich Conze) sinh năm 1904 tại thủ đô Luân Đôn trong một gia đình được hòa lẫn nhiều dòng máu khác nhau giữa Đức, Pháp và Hà Lan. Cha của ông thuộc tầng lớp quý tộc Đức và Mẹ của ông thuộc giới “tài phiệt” của Đức. Edward Conze xuất thân từ gia đình theo Đạo Tin Lành (Protestant) mặc dù về sau mẹ của ông tin theo Ky Tô Giáo.

Edward Conze chào đời tại Anh quốc do vì thời gian đó cha của ông làm việc như là một Phó Đại Sứ của Đức tại xứ sở này, cũng chính điều này mà ông được mang quốc tịch Anh, một phương tiện cần thiết về sau khi ông quay lại Anh quốc vào năm 1933.
Thuở thiếu thời của ông trải qua rất êm đềm và được giáo dưỡng trong môi trường tốt. Ông được học ở nhiều Trường Đại học khác nhau ở Đức và đặc biệt ông chọn khoa ngôn ngữ để theo đuổi gồm 14 thứ tiếng khác nhau, bao gồm cổ ngữ Sanskrit. Giống như nhiều người trẻ Âu Châu khác, ông đã tìm đến Hội Thông Thiên Học (Theosophy) rất sớm. Ông cũng thích nghiên cứu về thuật chiêm tinh (Astrology) và trở thành một chiêm tinh gia sắc sảo trong đời ông. Và khi đang độ tuổi thanh niên, ông đã viết một tập sách với tựa đề là “Nguyên lý Phủ định (The Principle of Contradiction). Trong thời điểm quyền lực của Hitler đang tăng lên, Conze nhận ra mình có quan điểm đối lập với chủ nghĩa Quốc Xã nên ông đã gia nhập Đảng Cộng Sản (Communist Party) và bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Marx, và về sau ông từng làm thủ lãnh cho phong trào cộng sản ở Bonn.
Năm 1933, ở tuổi 29, ông đến Anh Quốc với hai bàn tay trắng. Ông tự nuôi sống bằng cách mở lớp dạy Đức Ngữ và gia nhập Đảng Lao Động (Labour Party). Ông quen biết được nhiều nhân vật nổi tiếng và giới trí thức trong Đảng phái này. Ông trở nên một người tích cực hoạt động cho phong trào xã hội tại Anh. Ở tuổi 35, ông nhận ra mình đang ở trong tình trạng rối loạn tri thức và vỡ mộng về chính trị. Đời sống hôn nhân của ông cũng thất bại. Trong lúc quá mỏi mệt cuộc sống như thế ông đã khám phá ra Đạo Phật khi ông bất ngờ đọc được tập sách “Những hạt thóc còn sót lại trên Những Cánh Đồng Phật” ( Gleanings in Buddha Fields) của Lafcadio Hearn. Tuy nhiên sự tiếp xúc ý nghĩa đầu tiên của Conze đối với Đạo Phật vẫn là ở tuổi trung niên, tức là đầu Thế Chiến Thứ Hai và nhất là khi ông đọc các tác phẩm của Thiền Sư D.T Suzuki. Và từ đó, Edward Conze đã cống hiến trọn đời mình cho Phật Giáo, nổi bật nhất là phiên dịch và chú giải Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita or Perfection of Wisdom sutras), bộ Kinh nền tảng của Phật Giáo Đại Thừa. Nhưng Edward Conze không chỉ là một học giả theo chủ nghĩa kinh viện, lý thuyết suông, mà trong thời gian chiến tranh, ông đã sống và tu tập thiền định trong một chiếc xe lưu động caravan tại khu rừng New Forest. Thật vậy, ông đã áp dụng phương pháp thiền tập theo sự hướng dẫn của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) trong bộ sách Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) và ít nhiều ông đã đạt được một vài trình độ khả quan trong kinh nghiệm hành thiền.
Sau chiến tranh ông đến định cư ở Oxford và tái hôn với một phụ nữ thứ hai. Năm 1951, ông khởi sự viết cuốn “ Tinh Hoa và sự phát triển của Đạo Phật” (Buddhism: Its Essence and Development, ấn hành năm 1957), quyển sách làm nổi bật Đạo Phật như một tia sáng tỏa chiếu từ Phương Đông. Tập sách rất thành công vì được sự tiếp nhận rộng rãi và hiện nay tác phẩm này vẫn được liên tục tái bản. Trong sách này, Edward Conze đã viết “một người nghiên cứu muốn biết chắc giáo lý đích thực của Đức Phật là gì sẽ thấy mình đụng phải hàng ngàn kinh sách, tất cả đều tự nhận là lời của Đức Phật, nhưng lại chứa đầy những giáo thuyết khác biệt và mâu thuẫn với nhau. Một số tác giả có nhiều ảnh hưởng thuộc phái không theo truyền thống mới đây đã tranh luận rằng người ta phải tìm giáo lý Phật Giáo đích thực chỉ trong những gì mà Phật Thích Ca đã giảng dạy khoảng năm 500 trước Tây Lịch. Ý kiến này đã gây ra những phản ứng gay gắt. Sự thật là đối với tầng xưa nhất của những kinh sách hiện đang có, người ta chỉ có thể đạt đến bằng suy luận và võ đoán một cách không chắc chắn. Tất cả những nỗ lực tái tạo một nền Phật Giáo Nguyên Thỉ (original Buddhism) này chỉ có một điểm chung là đều đồng ý rằng giáo lý của Đức Phật chắc chắn không phải là những gì mà các tín đồ Phật Giáo vẫn hiểu. Thí dụ, bà Rhys David loại bỏ thuyết vô ngã (not-self) và tổ chức tu viện của Phật Giáo. Đối với bà, một sự tôn thờ “Người” (The Man) là giáo lý nguyên thỉ của Phật Giáo. H.J. Jenning thì thẳng thừng bác bỏ tất cả những đoạn nói đến luân hồi (reincarnation) trong kinh sách, và ông nói rằng như vậy là để phục hồi ý nghĩa nguyên thỉ của kinh sách. Tiến sĩ Paul Dahlke cũng không cần biết đến những điều huyền bí (mythology) có đầy trong Phật Giáo truyền thống, và giảm giáo lý của Đức Phật xuống thành một thứ lý thuyết bất khả tri, duy lý. Trong cuốn sách này tôi mô tả truyền thống sống động của Phật Giáo qua những thế kỷ, và tôi thú nhận rằng tôi không biết giáo lý nguyên thỉ của Phật Giáo là cái gì. Nếu xem tất cả lịch sử Phật Giáo sau thời kỳ đầu là lịch sử của sự thoái hóa trừ một số giáo lý nguyên thỉ thì như vậy giống như xem một cây sồi (oak tree) là sự thoái hóa của một hạt sồi. Trong cuốn sách này tôi xem lời dạy của Đức Phật, là bao gồm tất cả những giáo lý được gắn liền vào giáo lý nguyên thỉ bởi sự liên tục của lịch sử, và những giáo lý này trình bày những phương pháp đưa đến sự tu sửa của cá nhân bằng việc giải trừ ngã chấp”.
Nhận xét Phật Giáo bằng kết quả của tôn giáo này:
Một người cộng tác của ông là Tiến sĩ Arthurn Waley nói một cách súc tích về sự hiểu biết sâu xa của ông về Phật Giáo như sau: “Đối với Tiến sĩ Conze, những câu hỏi mà Phật Giáo đặt ra và trả lời là những câu hỏi sống thực và ông luôn luôn liên kết những câu hỏi này với lịch sử và với thực tại “

Edward Conze tổng kết Phật Giáo một cách ngắn gọn như sau: “lúc đầu người ta có thể bị Phật Giáo thu hút một cách xa xôi, nhưng họ chỉ có thể cảm nhận được giá trị đích thực của Phật Giáo khi nhận định Phật Giáo bằng những kết quả mà tôn giáo này sản sinh trong đời sống hằng ngày của chính mình”. (Although one may originally be attracted by its remoteness, one can appreciate the real value of Buddhism only when one judges it by the results it produces in one’s own life from day to day).

Khi nói về “Phật Giáo Âu Châu” (European Buddhism), Edward Conze viết “các nhà truyền giáo Dòng Tên của Ky Tô Giáo trong thế kỷ 17 và thế kỷ 18 đã biết khá chính xác về PG Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng một triết gia người Đức, Athur Schopenhauer, là người đầu tiên làm cho Âu Châu biết về Phật Giáo như một tín ngưỡng sống thực. Không biết gì về kinh sách Phật Giáo, chỉ được hướng dẫn bởi triết lý của Kant, một bản dịch tiếng La Tinh từ một bản dịch tiếng Ba Tư của Áo Nghĩa Thư (Upanishad) của Ấn Giáo và sự thất vọng với cuộc đời, đến năm 1819, Schopenhauer đã lập một hệ thống triết lý với chủ trương “Phủ nhận ý chí sống”(Negation of the Will to live) và xem sự cảm thông là hạnh cứu rỗi độc nhất, và do đó có khuynh hướng rất giống tinh thần từ bi của Đạo Phật. Những ý tưởng của Schopenhauer được trình bày một cách sống động và dễ đọc đã có ảnh hưởng lớn ở Lục địa Âu Châu. Richard Wagner đã có ấn tượng mạnh mẽ với giáo lý PG và trong những năm gần đây Albert Schweitzer sống một cuộc đời giống Schopenhauer đã đề ra”.

Công trình của bốn thế hệ:
Trong thế kỷ 19, cuộc xâm chiếm Á Châu của các thương gia, các quân nhân, và các nhà truyền giáo Âu Châu được đi kèm bởi sự xâm nhập dần dần của những tư tưởng Á Châu vào Âu Châu. Sự xâm nhập này có hai hình thức là nghiên cứu một cách khoa học và tuyên truyền phổ thông. Việc nghiên cứu văn học và mỹ thuật Phật Giáo đã liên tục trong 120 năm nay không gián đoạn. Trong mỗi thế hệ, lịch sử Phật Giáo đã thu hút một số đáng kể những học giả có khả năng. Nhiều người trong số họ, đặc biệt là trong thời kỳ đầu, đã nghiên cứu Phật Giáo giống như một người quan sát địch thủ của mình, chỉ muốn chứng minh sự vượt trội của Ky Tô Giáo. Một số ít nghĩ rằng họ phải tìm hiểu một số tín ngưỡng rất tinh thuần ( faith of supreme purity) mà Âu Châu có thể học hỏi được. Đa số học giả nghiên cứu tài liệu Phật Giáo với sự vô tư của một người đang giải một ô chữ. Công trình của bốn thế hệ có kết quả là việc nghiên cứu Phật Giáo đạt được tiến bộ lớn, dù vẫn còn nhiều việc phải làm. Về mặt xã hội, môn nghiên cứu Đông Phương ở Âu Châu gắn liền với chủ nghĩa đế quốc. Với sự suy tàn của chủ nghĩa đế quốc Âu Châu, môn Đông Phương Học hiện đang gặp khó khăn, và không biết sẽ ra sao trong tương lai. Ở Liên Xô, việc nghiên cứu Phật Giáo có lẽ đã không còn, dù trong quá khứ người Nga đã đóng góp rất nhiều cho ngành này. Có thể là huyền học Phật Giáo không thích hợp với những người theo biện chứng pháp duy vật.
Năm 1875 diễn ra một sự kiện có tầm quan trọng rất lớn, bà Blavatsky và Đại tá Olcott thành lập Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society). Những hoạt động của Hội này làm gia tăng kiến thức về các tôn giáo Á Châu và phục hồi sự tự tin trong tâm trí đang lay động của chính những người Á Châu. Lúc đó nền văn minh Âu Châu gồm một sự phối hợp của khoa học và thương mại của Ky Tô Giáo và chủ nghĩa Quân Phiệt, có vẻ rất hùng mạnh. Chỉ có một ít người nhận thấy nguy cơ diễn ra chiến tranh quốc gia và đấu tranh giai cấp. Một số người có học mỗi lúc mỗi nhiều hơn ở Ấn Độ và Tích Lan, cũng như những người Nhật cùng thời, cảm thấy rằng họ không còn có cách nào khác hơn là chấp nhận nền văn minh Âu Châu với tất cả những chi tiết của nó. Các nhà truyền giáo Ky Tô Giáo trông đợi một sự theo đạo, cải đạo hàng loạt và mau chóng của người Á Châu, nhưng trào lưu này đã bất ngờ đảo ngược. Một số ít người nam nữ thuộc chủng tộc da trắng chiếm ưu thế ở Nga, Mỹ và Anh quốc, những người Thông Thiên Học, đã xuất hiện giữa những người dân Ấn Độ và Tích Lan để bày tỏ sự cảm phục của họ đối với nền minh triết cổ truyền của Đông Phương. Bà Blavastky nói về Phật Giáo với những lời ca tụng cao nhất, Đại tá Olcott viết một tập sách “Phật Pháp Vấn Đáp”(Buddhist Catechism) và A.P. Sinnett xuất bản một cuốn sách rất thành công trong đó tất cả những loại ý tưởng huyền bí và hấp dẫn được giới thiệu là “Phật Giáo Bí Truyền” (Esoteric Buddhism). Huyền thoại về các vị Mahatma nói rằng các vị lãnh đạo thông thái và bán thiêng liêng của loài người đang sống trong rặng núi Hy Mã Lạp Sơn ở Tây Tạng và Ấn Độ, và là những nơi được bao phủ bởi hào quang trí tuệ siêu nhân. Với sự can thiệp đúng lúc của mình, Hội Thông Thiên Học đã làm được rất nhiều cho Phật Giáo. Sau đó Hội này như một tổ chức đã suy thoái vì vật chất và những hoạt động mờ ám, nhưng vẫn tiếp tục là động lực cho việc nghiên cứu Phật Giáo và đã gây cảm hứng cho nhiều người tìm hiểu xa hơn. Một người ở trong Hội Thông Thiên Học là Sir Edwin Arnold, có tác phẩm trường ca về Phật Thích Ca với nhan đề “ Ánh Sáng Á Châu” ( The Light of Asia), làm cho nhiều người kính phục Đức Phật về cuộc đời thanh tịnh và đầy lòng từ bi của Ngài đối với hết thảy chúng sinh.
Đánh trống Pháp:
Edward Conze viết tiếp: “Sau năm 1900 một số nhà truyền giáo Phật Giáo từ Á Châu đến hoạt động ở Luân Đôn và những nơi khác, những không đạt được nhiều thành công. Ở những thủ đô của Âu Châu như Paris, London và Berlin, những tổ chức tuyên truyền nhỏ được thành lập. Ở Anh Quốc, với sự lãnh đạo tài năng của Christmas Humphreys, Hội Phật Giáo đã cho thấy nhiều sáng kiến trong việc “ đánh trống Pháp” (beating the drum of the Dharma). Tuy nhiên cho đến lúc này Phật Giáo Âu Châu đã không tìm được chỗ đứng. Tổ chức Tăng Đoàn là một thành phần thường trực và ổn định trong lịch sử Phật Giáo. Tăng sĩ và tự viện là một nền móng không thể thiếu của một phong trào Phật Giáo, có mục tiêu là trở thành một thực tế xã hội sinh động cụ thể. Một số tín đồ PG Âu Châu muốn xuất gia tu học đã đến Tích Lan, Trung Hoa và Nhật Bản.
Việc thiết lập những tu viện Phật Giáo ở Âu Châu gặp những chướng ngại lớn, nhưng có lẽ không lớn hơn ở Trung Hoa trước kia. Khi sự phá sản nền văn minh của chúng ta trở nên rõ rệt hơn, sẽ có thêm nhiều người tìm về nền minh triết quá khứ, và một số họ sẽ tìm đến hình thức Phật Giáo của nền minh triết này. Chúng ta chưa biết những người Âu Châu mặc áo vàng sẽ xuất hiện lần đầu tiên ở đâu và khi nào”.
Edward Conze là người biên tập chính của một bộ hợp tuyển kinh văn Phật Giáo bao quát và là tác phẩm độc nhất thuộc loại này, “Kinh Điển Phật Giáo qua các thời đại” (Buddhist Texts Through the Ages). Đây là phần tiếp theo tác phẩm của ông Tinh hoa và sự Phát triển của Phật Giáo, và được chia thành bốn phần. Bà I.B. Horner biên tập phần thứ nhất về Phật Giáo Pali, phần thứ hai do chính Edward Conze viết về Phật Giáo Đại Thừa, phần thứ ba về Mật Giáo do Tiến sĩ David Suellgrove đảm trách và phần thứ tư gồm những văn bản kinh sách Trung Hoa và Nhật Bản do Tiến sĩ Arthur Waley biên tập. Tất cả những văn bản đã được dịch lại từ nguyên văn tiếng tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản.
Ba thời kỳ triết học của Phật Giáo
Trong cuốn sách “Thiền Định Phật Giáo” (Buddhist Meditation), Edward Conze đã trình bày cả pháp môn thiền của Nguyên Thỉ lẫn pháp môn thiền của Đại Thừa. Nhưng phần lớn nội dung của tập sách này được trích dẫn từ “Thanh Tịnh Đạo Luận” (Visudhimagga) tác phẩm tiếng Pali của luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) mà ông mô tả là “cuốn sách tuyệt vời gồm 616 trang được viết trong thế kỷ thứ năm”. Ông nói rằng “giống như tất cả những tác giả ở thế gian này, Buddhaghosa cũng có những khuyết điểm. Nhưng đó chỉ là những lỗi nhỏ, và ông đã soạn một trong những tác phẩm đạo học vĩ đại nhất của loài người. Nếu phải chọn một cuốn sách độc nhất để mang theo với mình ra một hoang đảo thì đây sẽ là cuốn sách của tôi” (like all human authors, Buddhaghosa has his faults. But these are minor irritants, and he has composed one of the greatest spiritual classics of mankind. If I had to choose just one book to take with me on a desert island, this would be my choice)
“Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ” (Buddhist Thought in India) là một tác phẩm xuất sắc khác của ông, nói về ba thời kỳ phát triển của triết học Phật giáo trong hơn 1100 năm, từ khoảng năm 500 trước Tây lịch đến năm 600 Tây lịch. Phần thứ nhất được gọi là “Phật Giáo Cổ Đại” (Archaic Buddhism), tức là những giáo lý chung cho tất các tăng sĩ trong khoảng triều đại Hoàng đế Asoka, phần thứ hai và phần thứ ba nói về sự phân phái của Phật Giáo vào khoảng đầu Tây lịch thành hai phái Nguyên Thỉ (Hinayana hay Theravada) với Luận Tạng của phái này và Đại Thừa Phát Triển (Mahayana) với siêu hình học xuất thế gian.
Edward Conze là người có thẩm quyền hàng đầu về Kinh Bát Nhã (Mahaprajanapara Sutra). Trong tác phẩm “Wisdom Books” ông nói về những kinh sách dung chứa tất cả những giáo lý cốt tủy của Đại Thừa mà trong nhiều thế kỷ đã được phổ biến ở Trung Hoa, Nhật Bản, Mông Cổ và Tây Tạng. Ông làm cho những giáo lý này dễ hiểu bằng cách giải thích tất cả những từ ngữ và đa số những luận điểm trong Kinh Kim Cương (Diamond Sutra) và Tâm Kinh Bát Nhã (Heart Sutra). Các nhà nghiên cứu Phật Giáo nói rằng “đây là chiếc chìa khóa vô giá đưa đến trí huệ hoàn hảo vốn là điều quan tâm của tất cả những nhà tư tưởng sáng tạo”(this is an invaluable key to that perfection of wisdom which was once the concern of every creative thinker.”).
Là tín đồ Phật Giáo trong ba mươi qua, Edward Conze là một trong những học giả Phật Giáo vĩ đại nhất thế giới. Ông là giáo sư Ấn Độ học ở Đại Học Washington. Ông có công trong việc thiết lập một chương trình Tiến sĩ Phật Học. Dù thế nào đi nữa, thành quả thực sự của ông trên hai mươi năm sau đó là phiên dịch và sớ giải hoàn tất 30 kinh sách các loại thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã, kể cả hai bản kinh quan trọng nhất của Đại Thừa Phật Giáo là Tâm Kinh Bát Nhã và Kinh Kim Cang.
Trong hai thập niên sáu mươi và bảy mươi, ông đã đi diễn thuyết ở nhiều trường Đại học ở Mỹ, và ông đã được các sinh viên nhiệt liệt tán dương công đức, nhưng ông lại bị Ban Giám Hiệu các trường Đại học và một số đồng nghiệp phản đối, do vì ông từng hoạt động chính trị cho Đảng Cộng Sản trước kia cũng như sự chỉ trích thẳng thừng của ông về việc người Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Tiến Sĩ Edward Conze là một con người phức tạp, khó hiểu, không dễ cho ta có thể đánh giá được toàn bộ những việc làm ý nghĩa của đời ông. Cũng giống như bao nhiêu người Trung Âu khác, ông là một người trí thức tị nạn từ Đức quốc, nhưng ông không phải là hạng người đại diện cho tầng lớp trí thức ưu thế trong thế kỷ 20, vì chính ông đã phê phán mạnh mẽ về khuynh hướng này. Ông tự thú nhận là ông theo Chủ Nghĩa Tinh Hoa (Elitism). Trong cuốn tự truyện của ông với tựa đề là “ Hồi Ký về sự Ngộ Đạo Hiện Đại” (Memoir of Modern Gnostic) ông tin rằng mọi sự mà ông đã làm được như thuyết Ngộ Đạo của một người theo theo chủ nghĩa tinh hoa. Ông không chấp nhận chế độ dân chủ (democracy) lại càng không đồng ý về nữ quyền (feminism), ông nhất định là người đại diện cho một thế hệ tiền chiến ở Phương Tây để rồi trở thành người thất chí, mộng vỡ tan tành với chủ nghĩa Marx theo mô thức của Xô Viết, nhưng ông không đơn giản là bị tan biến đi cái ảo tưởng khi tham dự các sinh hoạt xã hội. Cuối cùng ở trong ngõ cụt của đời sống, ông đã khôn ngoan chuyển hóa cái chủ nghĩa duy tâm không thoả hiệp từ chính trị sang Đạo Phật, một lối thoát, một con đường đưa ông đến an lạc và tỉnh thức.
Tiến Sĩ Edward Conze được xem là một trong những dịch giả Phật Học vĩ đại ở Phương Tây có thể so sánh với các Đại Dịch Giả ở Trung Hoa như Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (Kumarajiava) hoặc Pháp Sư Huyền Trang (Hsuan Tsang). Như đã nói, ông không là một học giả Phật giáo trên sách vở mà là một Phật tử thuần thành có tu hành thật sự. Ông là một con người tiên phong, người mở đường, và là một tấm gương sáng ngời cho thế hệ Phật tử Tây Phương sau ông trong việc học hỏi, nghiên cứu, dịch thuật và tu tập theo Phật Giáo. Ông đã làm việc không mệt mỏi và cống hiến hết tài năng của mình cho nền Phật Học Tây Phương cho đến hơi thở cuối cùng, ông qua đời ngày 24 tháng 9 năm 1979 tại nhà riêng của ông ở Sherborne, thành phố Dorset, phía Tây Nam Anh Quốc, thọ thế 75 tuổi.
Trong số những tác phẩm khác để lại cho đời của ông là bản dịch “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” (Abhisamayabankara) xuất bản 1954; “Tuyển tập Giáo lý Bát Nhã” (Selected Sayings) xuất bản năm 1955; “Kinh Kim Cương” (Vajracchedika Prajnaparamita) biên tập và chuyển ngữ năm 1957; “Tiểu Phẩm Bát Nhã” ( Astasahasrika Prajnaparamita), bản dịch năm 1958; “ Kinh Điển Phật Giáo”(Buddhist Scriptures) biên tập năm 1959; “Văn Học Bát Nhã” ( The Prajnaparamita Literature) xuất bản năm 1960; “Lược sử Phật Giáo” (A Short History) xuất bản năm 1961; “ Đại Bát Nhã” ( The Large Sutra on Perfect Wisdom) xuất bản 1961; “Thủ bản Gilgit Tiểu Phẩm Bát Nhã” (The Gilgit Manuscript of the Astadasasahasika Prajnaparamita) biên tập và dịch năm 1962.
Tổng hợp theo tài liệu:
• William Peiris (1973) The Western Contribution to Buddhism.(1973). Motilal Banarsidass Publications, Delhi, India
• Sangharakshita (1996) Great Buddhists of the Twentieth Century. Windhorse
• Retrieved from "http://en.wikipedia.org/wiki/Edward_Conze"
http://www.thuvienhoasen.org/EdwardConze.htm


NHÀ KHOA HỌC ALBERT EINSTEIN
VÀ ĐẠO PHẬT
Gần đây có nhiều độc giả thắc mắc về mối liên hệ giữa nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) và Đạo Phật như thế nào? Vì họ thấy đây đó có nhiều trích dẫn lời phát biểu của ông về Đạo Phật. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến mối liên hệ ấy. Dù chưa đầy đủ lắm, nhưng hy vọng rằng nó sẽ là mấu chốt để chúng ta phăng tìm những tư liệu chi tiết về sau

Ông Albert Einstein năm 40 tuổi
Ông Albert Einstein, sinh ngày 14 tháng 03 năm 1879 tại thành phố Ulm, Đức quốc, trong một gia đình làm nghề thủ công và tiểu thương. Bố là một người giỏi về hóa học và mẹ là người có khiếu về âm nhạc. Năm 1894, gia đình ông di cư sang sống tại Ý. Ông được bố gởi đi học ở Thụy Sĩ và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Đại học Zurich. Sau khi ra trường, ông được mời dạy toán và vật lý tại một trường bách khoa ở Thụy Sĩ, ngoài việc dạy học, ông dành hết thời gian còn lại để nghiên cứu vật lý học và ông còn làm việc tại văn phòng thẩm tra cấp bằng sáng chế ở Berne, Thụy Sĩ. Năm 1905, ông gởi đăng bài "Lý thuyết tương đối hẹp" dài 5 trang trên tờ Physics. Bài báo nhanh chóng được chú ý và nó là tiếng nổ lớn của ngành khoa học về không gian và thời gian, ông đã phá vỡ các khái niệm tuyệt đối về không gian và thời gian của nhà vật lý học và toán học vĩ đại, Issaac Newton (1642-1727). Lập tức tên tuổi của ông được nhiều người biết tới và được xem là một khoa học gia nổi tiếng nhất vào thời điểm ấy.
Năm 1911, Ông là giáo sư vật lý ở Prague. Năm 1913, ông được mời làm giám đốc Học Viện Vật Lý Hoàng Đế Wilhelm tại Berlin. Đến năm 1921, ông được trao giải thưởng Nobel về Vật lý học qua đề án nghiên cứu "Lý Thuyết Tương đối" (The Theory of Relativity). Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), ông từng bị tống giam vì tội "chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình". Sau khi Adolf Hitler (1889-1945) trở thành quốc trưởng của Đức, ông ra sức chống lại chủ nghĩa phát xít và rời bỏ nước Đức sang sống tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1933 đến năm 1945, ông là giáo sư toán và lý tại Viện Cao học Princeton ở bang New Jersey. Phát xuất từ lòng căm thù chủ nghĩa phát xít mà ông đã giúp cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt (1882-1945) chế tạo bom nguyên tử và cuối cùng bị xem là "cha đẻ" của thứ vũ khí giết người này. Đây cũng là lý do mà về sau năm 1950, ông thành lập Viện Kiểm Soát Nguyên tử Quốc tế tại Hoa Kỳ.
Ba thập niên cuối đời mình, ông dành thời gian để nghiên cứu về "Lý thuyết thống nhất giữa lực hấp dẫn và hiện tượng điện quang" (The Theory of unify gravitation and eletro-magnetism).

Ông Albert Einstein năm 63 tuổi
Mặc dù bận rộn nghiên cứu và giảng dạy khoa học, nhưng ông Einstein vẫn dành thời gian nhất định để nghiên cứu triết học và tôn giáo, đặc biệt trong đó có Đạo Phật. Theo tài liệu "The World As I See It" (Trần thế khi tôi nhìn thấy nó, nhà xb Philosophical Library, New York, 1949) và quyển "Ideas and Opinions" (Những Ý Kiến và Những Quan Điểm, nhà xb Crown, NY, 1945) là hai tuyển tập những bài báo, bài tham luận về tôn giáo và khoa học mà ông Einstein viết từ đầu những năm ba mươi. Đáng chú ý trong tập này là các bài như "Religion and Science" (Tôn giáo và Khoa học), viết từ 1930; bài "Science, Philosophy & Religion, A Sumposium" (Khoa học, Triết học và Tôn giáo, một buổi hội thảo) viết năm 1941; bài "Religion and Science: Irreconcilable?" (Tôn giáo và Khoa học: không thể hòa giải được sao?) viết vào năm 1948.
Theo các tài liệu trên thì chính A. Einstein tự xem mình là một người thuộc về tôn giáo. Tôn giáo của ông được người ta biết qua lý thuyết khoa học của ông. Ông bác bỏ sự thần thánh hóa trong tôn giáo, ông quan tâm đến đời sống con người ở hiện tại và ngay cả sau khi chết. Trong các buổi hội thảo về triết học và tôn giáo, có lúc ông trích dẫn lời của Chúa, rồi có khi ông dẫn lời trong kinh Phật. Quan điểm của ông về tôn giáo chưa bao giờ có hệ thống và nhất quán. Tuy nhiên, với trí tuệ sắc bén và lòng ngưỡng mộ của ông đối với các tôn giáo đã giúp cho ông hiểu đúng và chính xác về các tôn giáo mà ông để tâm nghiên cứu. Ông vẫn thường nhắc nhở các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung cho những khiếm khuyết của khoa học. Ông nói: "Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng" (Science without religion is lame. Reigion without science is blind).

Năm 1999, ông được chọn là nhân vật của thế kỷ 20
Cũng theo các tài liệu trên cho thấy, ông đã nghiên cứu Đạo Phật qua các sách báo của các học giả Phật học của người Âu Mỹ viết, đáng kể là triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860), tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919), viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900)... là những nhà Phật học nổi danh ở phương Tây. Nhờ nghiên cứu như vậy mà A. Einstein đã nhìn thấy Đạo Phật như là một triết lý phương Đông cực kỳ sống động và triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng của mình, ngỏ hầu cắt ngang sự chậm tiến, lạc hậu, mê tín, cuồng tín và kém văn minh của thời đại. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, một lối sống mới, một sự hài hòa mới, sống với nhau như ánh sáng trong không gian, chan hòa với nhau như nước với sữa. Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà ông Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó" (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description). Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Cả hai câu trên được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).

Tượng đồng Albert Einstein
Dù những lý thuyết khoa học của ông rất phức tạp và khó hiểu, nhưng tấm lòng nhân đạo và mến chuộng hòa bình của ông đã khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi với ông. Ông đã cống hiến tất cả trí tuệ và sức lực của mình đối với sự phát triển khoa học của nhân loại. Ông làm việc không biết mệt mỏi cho đến ngày qua đời. Ông mất vào lúc 1 giờ 25 phút rạng sáng ngày 19 tháng 04 năm 1955 tại Princeton, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi, trên bàn giấy còn ngổn ngang tài liệu nghiên cứu về " lý thuyết hợp nhất vũ trụ" ( Unified Fiel Theory). Dù dự án quan trọng cuối đời ông chưa trọn vẹn, nhưng những cống hiến của ông cho nhân loại sẽ mãi mãi còn thiết thực và hữu ích. Ngày nay, đối với mọi tín đồ Phật Giáo trên khắp năm châu đều thành kính khi nhắc đến tên tuổi của ông, người đã từng góp phần khẳng định lại giá trị vĩnh cửu đối với Giáo lý của Đạo Phật.



Tổng hợp tài liệu theo :
- THE WORLD I SEE IT (Giáo sư Robert Topmiller tại đại học Kentucky, USA tháng 11/1997)
- ALBERT EINSTEIN, A Biography/F. Albrecht/ Viking/USA/1997

http://www.thuvienhoasen.org/pgtg-211-einstein.htm




BHUMIBOL ADULYADEJ,
MỘT ÔNG VUA PHẬT TỬ

Chân dung vua Bhumibol Adulyadej
Lễ kỷ niệm 50 năm (1946 - 1996) lên ngôi của Vua Bhumibol đã tạo cho vương quốc Thái Lan có cơ hội để tổ chức một lễ hội lớn nhất chưa từng xảy ra trong lịch sử của nước này. Vào đúng ngày mùng 9/6/1996, Vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX) đã trở thành vị vua đầu tiên của Thái Lan tại vị được 50 năm và cũng là người ở ngôi lâu nhất trong lịch sử của thế giới.
Các lễ hội của Hoàng gia, quốc gia và tôn giáo được tổ chức kỷ niệm kéo dài từ đầu năm 1995 đến cuối năm 1996. Chính phủ Thái Lan đã thành lập một ủy ban tổ chức lễ kỷ niệm này, đứng đầu là Thủ tướng chính phủ, người lập kế hoạch và giám sát mọi hoạt động khác nhau được tổ chức bởi nhiều ban ngành, thành phần trong xã hội vào dịp lễ này. Tất cả những chương trình lễ hội phải được thực hiện đầy đủ và đúng theo ý của Vua để không phung phí tiền bạc mà nó có thể mang lại lợi ích và an vui cho nhân dân Thái.
Chương trình diễn ra trong lễ hôïi lịch sử này gồm có: treo cờ quốc gia ở mọi nhà, mọi đường sá và trang trí đèn ở các thành phố chính; các nhà hát kịch diễn lại các vở tuồng cổ, truyền thống; triển lãm tranh, ảnh về Hoàng gia và Phật giáo (PG), đặc biệt trong lễ này có thỉnh xá lợi của Phật từ Ấn Độ về cho nhân dân chiêm ngưỡng; ấn hành sách vở, tem, tiền đồng về hoàng gia; tổ chức thi viết văn và thơ ca về đức vua; Hoàng gia tiến hành ân xá cho tù nhân; ban cấp bậc và tổ chức cúng dường cho tu sĩ PG; tổ chức những đoàn diễu hành bằng xà lan trên sông Chao Praya; xây dựng một công viên công cộng tại tỉnh Nonthabun; tổ chức trồng rừng, tổ chức phát triển những dự án khác v.v...
ĐÔI NÉT VỀ VUA BHUMIBOL ADULYADEJ:
Vua sinh ngày thứ hai 5/12/1927 tại bệnh viện Mount Auburn ở bang Masshachusetts, Hoa Kỳ. Ngài là con út của Hoàng tử Mahidol và bà Sanwalya và là cháu trực hệ của vua Chulalongkorn (Rama V). Ngài có một chị gái là Công chúa Galayani Vadhana và một anh trai là vua Ananda Mahidol (Rama VIII).
Sau khi tốt nghiệp khoa y ở Đại học Harvard, Hoàng tử Ananda trở về Thái Lan và qua đời sau hai năm làm vua. Lúc đó gia đình vua dời từ Hoa Kỳ sang Thụy Sĩ, nơi này vua tiếp tục học trung học và Đại học tại trường Ecole Nouvelle de la Suisee Romande và đậu văn bằng Cử nhân văn chương tại trường Gymase Classique Cantonal. Sau đó ông tiếp tục theo học khoa Luật và khoa học chính trị tại đại học Lausanme, tuy nhiên cái chết đột ngột của người anh trai, tức vua Ananda ở Bangkok đã làm thay đổi cuộc đời của ông, vì hoàng gia đã chọn ông là người kế vị.
Sau khi lên ngôi vào ngày 9/6/1946, ông trở lại Thụy sĩ để hoàn tất chương trình học vấn của mình. Năm 1950 ông trở về Thái Lan và bắt đầu với cương vị là quốc vương của nhân dân Thái Lan .
Vua Bhumibol kết hôn với Rajawongse Sirikit (con gái của một vị bộ trưởng Thái Lan) vào ngày 28/4/1950 và học có bốn người con: Công chúa Ubol Ratana sinh năm 1951, Hoàng tử Maha Vajiralongkorn (sinh năm 1952, từng đến thăm Việt Nam vào năm 1992), Công chúa Chakri Sarindhorn (sinh năm 1955, đã viếng thăm Việt Nam vào năm 1993) và Công chúa Chulabhorn, sinh ngày 4/7/1957.
ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO
Hiến pháp của Thái Lan (xưa và nay) quy định rằng quốc vương phải là một Phật tử và là người ủng hộ các tôn giáo trong nước. Vua Bhumibol đã hoàn thành nghĩa vụ này qua việc quan tâm và khuyến khích bảo vệ tất cả những truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Thái. Riêng bản thân, vào ngày 22/10/1956 (PL 2500), Bhumidol đã cử hành lễ xuất gia tại chùa Benchamabopotr và được vua sãi Thái Lan là Trưởng lão Somdech Phra Vanarat truyền giới cụ túc và vua đã trở thành môt tỳ kheo với đạo hiệu là Bhumibalo. Sau khi thọ đại giới, ngài đến trụ trì chùa Emerald Buddha. Hết hạn 15 ngày, vua xả giới hoàn tục và trở lại với cương vị của mình.
Trước đó, vì muốn phát triển nền giáo dục PG, sau khi lên ngôi vua đã cho xây dựng hai trường Đại học PG dành riêng cho giới tu sĩ theo học, một trong hai ngôi trường này là đại học Mahachulalongkorn tại Bangkok, quy tựu hàng ngàn tu sĩ trên khắp Thái Lan về học và cho đến ngày nay, đức vua vẫn là người tài trợ chính cho trường này. Năm 1951, vua ủng hộ xây dựng bệnh viện PG ở ngoại ô Bangkok dành riêng cho tu sĩ Phật giáo đến chữa bệnh miễn phí. Năm 1952, vua chủ trương và ủng hộ tài chánh để ấn hành Đại Tạng Kinh tiếng Thái gồm 250 quyển (bộ Đại Tạng này được vua Ananda khởi xướng phiên dịch từ Tạng Pàli ra tiếng Thái từ đầu năm 1946). và gần đây (1987) vua cũng là nhà tài trợ chính cho Trung tâm tin học của đại học Mahidol thực hiện bộ đĩa CD-ROM về Tam Tạng Thánh Điển PG, (đã giới thiệu công trình này trên báo GN số 13, ra ngày 29/6/1996).
Nhìn chung, vua Bhumibol là một ông vua hộ pháp, ông khởi xướng và ủng hộ cho nhiều công trình lớn của Phật giáo Thái. Trong đời sống tâm linh, vua thọ trì pháp môn Thập Thiện Nghiệp Đạo và hàng ngày cùng với Hoàng hậu lễ Phật và tụng kinh trong điện Phật tại hoàng cung.
ĐỐI VỚI DÂN TỘC
Trong ngày lên ngôi, Vua Bhumibol đã long trọng tuyên thệ rằng "Sẽ trị vì và dẫn dắt nhân dân Thái theo đường lối của PG ngỏ hầu mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho họ". Từ ngày ấy đến nay, ông chưa bao giờ xao lãng với lời thề nguyện này.

Vua Bhumibol gần gũi với dân chúng
Trong cách cư xử, ông xem mọi người đều như nhau, từ giai cấp thượng lưu, quan chức nhà nước cho đến thứ dân cũng đều như vậy. Mối quan tâm của ông không có sự phân biệt giữa người này và người khác, tất cả đều bình đẳng. Ông tự xem mình là một người phục vụ cho dân tộc Thái, ông thường xuyên viếng thăm các tỉnh, thành của Thái Lan, kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Những cuộc viếng thăm như thế ông tiếp cận, tìm hiểu thực tế nhắc nhở người dân ăn hiền ở lành, nâng cao đời sống qua siêng năng làm việc, bảo vệ môi trường và giữ gìn sức khỏe.
Sức khỏe và an sinh của người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông. Để đảm bảo được sức khỏe của dân chúng ông đã cho xây dựng trạm y tế khắp nơi trên đất Thái. Ông cũng thành lập một ngân quỹ để tài trợ cho những nhóm nghiên cứu khoa học và y học.
Nhiều dự án (2000) đã đề xướng và thực hiện hoàn thành dưới sự lãnh đạo của ông. Những dự án của ông luôn luôn liên quan đến cải cách nông nghiệp, y tế, giáo dục, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Nơi nào không có ngân quỹ lập tức được ngài huy động qua ngân sách của quốc gia hay kêu gọi các tổ chức từ thiện hoặc từ nguồn tài chính của riêng ngài.
Vua Bhumibol luôn duy trì và tiếp xúc với giới thanh niên và thường quan tâm đến việc học của họ. Ngài đóng góp một ngân quỹ rất lớn để thành lập một tổ chức cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Ông cũng tổ chức xây dựng trường học ở các vùng ven, vùng sâu để cho trẻ em có nơi học hành. Qua sự đóng góp khích lệ của ông, giới trẻ quốc gia này đã phát triển theo chiều hướng tốt và trở thành những công dân gương mẫu sau này.
Về đời sống riêng tư, Vua Bhumibol được xem là một nhà nhiếp ảnh, một thủy thủ, một họa sĩ và một nhà soạn nhạc giỏi. Kỹ năng đua thuyền buồm của ông cũng được khẳng định với huy chương vàng tại kỳ Sea Games năm 1967. Trong khi những bài hát được ông soạn đã trở thành những bài hát nổi tiếng và phổ biến trong nhân dân. Tài năng chơi nhạc và soạn nhạc của vua đã được thừa nhận khi viện nhạc kịch nổi tiếng của nước Áo thu nhận ông làm hội viên vào năm 1964 và đã khắc danh hiệu của ông trên phiến đá kỷ niệm của tổ chức này như là một hội viên danh dự thứ 21, ông là người Á châu duy nhất được vinh hạnh này. Và trong một dịp khác, khi viếng thăm Hoa Kỳ, ông đã được mời chơi nhạc cùng với nghệ sĩ lừng danh Benny Goodman.
Mặc dù Đức vua đã tìm thấy niềm vui trong thú giải trí của mình, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để phục vụ nhân dân Thái. Vì ông nghĩ rằng người dân cần ông nhiều hơn và họ muốn ông trị vì lâu hơn. Quan điểm sống hy sinh và tận tụy với nhân dân của ông đã khiến cho ông trở thành một vị vua anh minh của dân tộc Thái.

Theo "50 years of Reign và tạp chí Today (1995-1996)". Tài liệu này do ông Phó Tổng Lãnh Sự Thái tại TP. HCM cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin thành thật cảm ơn ông Nimit Prathomvarl.





http://www.thuvienhoasen.org/pgtg-225-vuaphattu.htm

0 Comments:

Post a Comment

<< Home