Công việc hái ấu mùa nước nổi tại Ðồng Tháp khá vất vả. Vất vả, nhưng bà con rất vui vì có thêm việc làm, kiếm mỗi ngày 20,000 đến 25,000 đồng. (Hình: Thu Hiền/Người Việt)
Mai, con gái bà Hai, chống xuồng chở tôi ra ruộng ấu. Mai, 22 tuổi, có chồng hai con: "Từ ngày trồng ấu đến giờ bà con ở đây đã khá hơn trước rất nhiều.” (Hình: Thu Hiền/Người Việt)
Bà Hai, dầm mưa dãi nắng cả ngày trên ruộng ấu, kiếm thêm được mỗi ngày 20,000 đến 30,000 đồng. (Hình: Thu Hiền/Người Việt)
| Thu Hiền/Người Việt ÐỒNG THÁP, Việt Nam - Hằng năm vào mùa nước nổi, tại những vùng không có đê bao ngăn lũ ở tỉnh Ðồng Tháp như huyện Lấp Vò, Lai Vung, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, người dân đã tận dụng diện tích mặt nước trên những cánh đồng ngập trắng để trồng ấu nhằm kiếm thêm thu nhập trong mùa lũ. Việc trồng ấu cũng tạo thêm việc làm cho hàng ngàn người dân trong các huyện này vào mỗi đợt thu hoạch. Tôi đã có một ngày “dang nắng” cùng bà con làm nghề hái ấu trên những cánh đồng ấu xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò. Trước khi lên đường đi Ðồng Tháp, tôi đã xem thông tin từ Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương: “Trong những ngày tới lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuống chậm, vùng Ðồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tiếp tục biến đổi chậm theo thủy triều”. Thế mà khi vừa đặt chân đến khu vực xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò tôi được nghe một bản tin thủy văn nóng hổi khác của bà con nông dân, rằng: “Hôm qua và sáng nay nước lên lại quá, sắp tới còn lên nữa chứ chưa xuống đâu, nên lúc này hái ấu phải ngồi trên xuồng hái mới được!” Và khi bà Hai, chủ một ruộng ấu ở xã Vĩnh Thạnh chỉ cho tôi chiếc xuồng nằm dưới mé và nói: “Con đường mòn đi ra ruộng ấu đã ngập rồi, mấy hôm nay không đi được, chiếc xuồng và cây sào đó, con cứ chống ra đồng...” Ðến lúc này thì tôi mới biết ai dự báo đúng, và tôi cũng biết được tầm quan trọng của những “bản tin dự báo” của bà con nông dân mình. Dù chưa “chuẩn bị tâm lý” sẵn nhưng tôi vẫn “hăng hái” phóng xuống xuồng, một mình một sào chống một mạch ra khỏi con rạch nhỏ... Khi vào đến giữa ruộng ấu thì chiếc xuồng bị mắc kẹt vào những bụi ấu chằng chịt, lòng tôi bắt đầu rối như tơ vò, tôi đã cố sức chống tới rồi chống lui chiếc xuồng vẫn yên một chỗ. Trong lúc ấy, nước đã tràn vào đầy xuồng tôi không để ý, tôi cố sức tát và tát. Rất may cho tôi là những người hái ấu ở gần đó đã thấy và đến “giải cứu” cho tôi. Bác Ba, người đã giúp tôi chống xuồng vào bờ, hỏi tôi: “Cháu chống xuồng trên ruộng ấu không được thì làm sao cháu đi hái ấu được hả?” Nói thế rồi bác Ba lắc đầu cười khà, vào đến nhà bác Ba kể cho bà con cả xóm nghe thế là tôi “bị” mọi người cười một trận bể bụng... Cả nhà bác Ba vội vàng vào ăn cơm trưa với những món khá ăn khiến người ta nghe đã đói bụng: “khô cá trạch chiên giòn, dưa mắm và thịt ba rọi kho khô”, mọi người ăn cơm rất nhanh để tiếp tục ra ruộng hái ấu. Bác Ba nói với tôi: “Mình hái ấu nhà nên bữa trưa có thể về nhà ăn cơm, còn người ta đi hái ấu mướn thì ăn tạm cái gì đó ngoài ruộng. Khoai lang, khoai mì hay bánh mì gì đó rồi hái tiếp đến chiều về luôn!” Bác Ba chỉ tay ra cánh đồng sau hè nhà bác, giữa ruộng ấu xa tít năm, sáu chiếc xuồng giăng hàng ngang trên ruộng ấu dưới cái nắng chang chang người ta vẫn còm lưng hái ấu. Biết tôi vẫn chưa bỏ ý định ra ruộng ấu, Mai, con gái của bà Hai cho tôi “quá giang.” “Mai năm nay hai mươi hai tuổi, nhưng Mai đã có chồng và hai con rồi! Giống như đa số con gái ở quê này, lấy chồng sớm lắm!” Mai nói, tuy Mai đã có hai con nhưng tôi vẫn thấy ở Mai có những nét hồn nhiên, Mai và tôi nói chuyện ríu rít suốt trên đoạn đường ra ruộng ấu. Nói về cuộc sống của bà con địa phương từ khi có trái ấu (giống Ðài Loan) xuất hiện, Mai kể: “Mùa nước nổi bà con ở vùng này thường giăng câu giăng lưới kiếm cá ăn hằng ngày, hôm nào có cá dư ra thì đem bán, không được bao nhiêu. Từ ngày trồng ấu đến giờ bà con ở đây đã khá hơn trước rất nhiều, ai có ruộng cũng đều trồng ấu vào mùa nước nổi, còn người không có đất thì mướn đất trồng, không có đất lẫn không có vốn thì đi hái ấu mướn. Trước đây, gia đình mình chưa trồng ấu cũng khó khăn lắm, những tháng mùa nước này, trưa trưa đói bụng thèm một cái bánh cam “năm trăm đồng” cũng không có tiền mua ăn nữa đó! Bây giờ, hằng ngày mình đi mua ấu sống về nấu bán, mỗi ngày bán được 30, 40 kg, kiếm lời được vài chục ngàn đồng, có tiền lo cho hai đứa con!” Từ ngày trồng ấu đến giờ bà con ở đây đã khá hơn trước rất nhiều, ai có ruộng cũng đều trồng ấu vào mùa nước nổi, còn người không có đất thì mướn đất trồng, không có đất lẫn không có vốn thì đi hái ấu... mướn. | Với tiền công mỗi ngày từ 20,000-25,000 đồng, người hái ấu mướn phải đứng ngâm mình dưới nước từ sáng đến chiều, dầm mưa dãi nắng khá cực nhọc thế nhưng khi được hỏi về công việc của mình bà con đều tươi cười. Nụ cười như để xua đi sự vất vả, bà Hai (mọi người gọi là “bà Hai sún răng”, vì bà bị sún hai cái răng cửa mà không có tiền trồng răng giả) cho biết: “Nước ít thì phải đứng ngâm mình dưới nước hái, từ sáng đến chiều, cũng mệt lắm, tay chân đều bị “nước ăn” hết, mặt mày thì đen thui như trái ấu (cười)...” Thế nhưng, mùa lũ nước ngập trắng đồng như thế này, kiếm được việc làm như vậy là quý lắm rồi! Trái ấu nằm cạnh nách lá và chìm khuất dưới mặt nước nên khi thu hoạch người hái ấu phải dùng tay mò xuống nước hái từng trái một, vì phải ngồi trên xuồng suốt trong tư thế còm lưng nên đòi hỏi người hái ấu phải có một sức chịu đựng thật dẻo dai. Tôi và Mai đã khòm lưng xuống hái chưa được nửa thau ấu nhưng đã thấy mỏi nhừ. Sau khi ấu đã đầy thau bà con đổ vào bao cho Mai. Mọi người ngưng tay và lấy bánh mì ra nhai vội. Bà Hai nói: “Ăn cho qua bữa, rồi lại hái ấu tiếp...” Tôi chống xuồng cùng Mai chở ấu về, bà Hai nói với theo căn dặn tôi đừng rửa hình vì: “Ðen thui như trái ấu người ta thấy hình tui người ta cười chết!”. Tôi cũng đáp lại: “Thương nhau trái ấu cũng tròn...” Bà Hai nghe xong cười toe toét, để lộ hai cái răng sún làm mọi người cười theo... |
0 Comments:
Post a Comment
<< Home