TAM VIEN Y MA
NẾU MUỐN XEM HÌNH ĐỘNG XIN CLICK VÀO HÌNH.
Nếu Con Có Bầu Thì Sao? SAPY ĐI ĐI . Việt Báo Chủ Nhật, 11/6/2005, 12:00:00 AM
- Người viết: Sapy Đi Đi
Bài số 863-1453-289-vb6110405
Tác giả tên thật: Nguyễn Đinh Thị Dĩ, 56 tuổi, hưu trí. Hiện cư ngụ tại Chula Vista, San Diego. Bài Viết Về Nước Mỹ trước đây của bà là “Mái Tóc Dài và Đôi Chân Trần” đề cập tới quan hệ giữa cha mẹ và con cái tại Hoa Kỳ. Loạt bài mới nhất lần này mang tên “Liên Khúc Bầu”, sau đây là bài thứ nhất.
*
Phong là một trong số bạn bè vợ chồng Hùng và Dung, quen biết từ sau ngày dọn về San Diego. Nói chuyện với Phong, Hùng thường hay gọi nửa đùa nửa thật, bằng hai tiếng “ông thầy”. Dung thấy gọi vậy có lẽ đúng hơn. Bởi Hùng luôn xem Phong, như một quyển tự điển sống, giúp chàng tra cứu, mọi vấn đề mù mờ, hay chưa hiểu rõ. Còn Dung, hay vấn kế Phong, mỗi khi nàng gặp phải những điều khó khăn, nan giải trong cuộc sống. Dưới mắt Dung, vấn đề gì Phong cũng thấu hiểu tường tận, còn phân tích, mổ xẻ một cách hết sức hợp tình, hợp lý. đem lời Phong khuyên bảo ra áp dụng, Dung nhận thấy mang lại khá nhiều kết quả tốt đẹp cho gia đình nàng.
Ngược đời thay, Phong không phải là người thành công trong cuộc sống, nếu không muốn nói là thất bại về mọi mặt. Dường như Phong chỉ hành động theo bản năng, chứ không làm theo những điều mình hiểu biết. Ngày còn ở trong nước, Phong là một nhạc sĩ, kiêm nhiếp ảnh gia có tài. Dung từng bị tiếng dương cầm thánh thót của Phong mê hoặc. Phần Hùng, ưa thích ngắm nhìn mấy bức ảnh nghệ thuật Phong chụp được. Ảnh đẹp đến như vậy, mà Phong nỡ đem treo nơi xó bếp. Còn chiếc piano đắt giá, sang trọng, Phong lại đặt cạnh bộ salon rẻ tiền, cũ kỹ. đàn và ảnh trông giống như hai cô gái đài các, đứng bên người nông dân mặc áo sờn vai, tay dắt trâu, lững thững kéo lê đôi chân trần, trên con đường làng quê vắng vẻ. Nhìn cảnh nhà Phong, khiến Dung thầm nghĩ: phải chăng nghệ sĩ chỉ biết làm đẹp cho đời, còn đời nghệ sĩ, thì chưa chắc gì đã đẹp.
Cũng giống như cuộc sống gia đình Dung, Phong bôn ba ra ngoài kiếm sống, Hoa ở nhà lo việc nội trợ. Vợ chồng Phong hiếm muộn, có được với nhau chỉ mỗi bé Phương. An Phương dáng người dong dỏng cao, có nét thông minh, sáng láng giống cha, có gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo giống mẹ. Phương bằng tuổi Lập Duy, đứa con trai lớn của Dung. Những lần trà dư tửu hậu, Hùng và Phong bắt chước mấy ông già xưa, ngoéo tay hứa sau này sẽ làm sui gia với nhau.
Khác với Hùng, làm việc trong hãng xưởng. Phong hành nghề tự do. Chàng hùn hạp mở nhà hàng, tiệm sửa xe, còn dạy thêm đàn, nhạc... Tuy không phải là người thành đạt nơi thương trường, nhưng cuộc sống vật chất của gia đình Phong, cũng tương đối ổn định.
đời Phong bắt đầu rẽ sang một khúc quanh mới, từ khi Hoa nghe theo lời bạn bè rủ rê, đi tìm nguồn vui trong mấy sòng bạc quanh vùng. Mấy lúc gần đây, bởi quá chú tâm đến công ăn việc làm, Phong không nhận ra sự biến đổi nơi vợ mình. Hoa thường bịa chuyện nói dối, để có lý do vắng nhà, để hỏi vay tiền người thân, bạn bè. Nàng cũng không còn màng đến chuyện cơm nước và chăm lo cho chồng con. Đến khi Phong biết rõ mọi chuyện, thì tiền bạc trong nhà đã đội nón ra đi hết sạch. Phong dỗ dành, khuyên can vợ không được. Chàng chuyển sang nạt nộ, hăm dọa, nhưng Hoa vẫn chẳng chịu đổi thay. Có lần Phong trách vợ:
- Em đã hứa với anh bao nhiêu lần rồi, mà sao vẫn chứng nào tật nấy?
Đang buồn vì không còn một đồng dính túi, Hoa nói phác ngang:
- Hết chuyện tin rồi sao? Ông lại đi tin lời mấy đứa cờ bạc?
Phong bỏ bê công ăn việc làm, tìm đến các chuyên viên tư vấn, lục lọi trong sách vở, để mong tìm ra phương cách chữa chạy cho vợ. Sự nghiên cứu, tìm tòi ấy mang lại cho Phong, một kiến thức uyên bác về căn bệnh bài bạc. Hùng và Dung đã ngồi hàng giờ, nghe Phong phân tích tâm lý người bệnh, cùng các phương cách “điều trị”. Nhờ Phong mà Dung biết được căn bệnh này, đang lan tràn rất nhanh, trong cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ, nhất là ở các địa phương có nhiều sòng bạc. Dung đã đem những điều học được từ Phong, ra khuyên bảo mấy người ham mê chuyện đỏ đen. Lời khuyên ấy, cũng giúp cho một số người khỏi bệnh. Ngược đời thay, “ông thầy” của Hùng, không thể chữa dứt hẳn căn bệnh cho chính vợ mình, mà lại còn biến mình thành con bệnh. Nhìn Phong gầy xọp hẳn đi, thất thểu như người thất chí, Dung bảo chồng:
- Sao anh không khuyên anh ấy một câu. Em thấy độ rày trông ảnh bệ rạc, còn hơn cả chị Hoa nữa!
Hùng tuy cảm thương cho bạn, nhưng cũng phải phì cười:
- Hầu hết những gì chúng ta hiểu biết được về căn bệnh cờ bạc, đều học hỏi từ Phong. Anh chẳng biết điều gì hay ho hơn để khuyên anh ấy cả!
Càng ngày, Hoa càng bỏ nhà đi thường xuyên hơn. Nàng đi cả đêm, đôi khi đi luôn mấy ngày liền. Phong như gà trống nuôi con, vừa làm mẹ vừa làm cha. Nhiều lúc bận việc, chàng phải nhờ bạn bè, lối xóm đưa đón Phương đến trường. An Phương tuy tuổi còn non nớt, nhưng cũng đã biết quan tâm đến người khác. Thấy mẹ vắng nhà suốt mấy ngày liền, Phương âu lo hỏi bố:
- Mẹ ở mãi trên sòng bài, rồi làm sao mẹ tắm được hả bố?
Phong chỉ biết nhìn con lắc đầu.
An Phương đang ở thời kỳ, cần đến sự chăm sóc, quan tâm của cha mẹ nhất. Thì lại rơi đúng vào thời điểm Phong không còn chút thì giờ và tinh thần nào để dạy dỗ con. Hàng ngày sau giờ học, An Phương thui thủi ở nhà một mình, làm bạn với cái tivi. Phong vẫn khoe với Dung, là con mình học hành xuất sắc, chỉ toàn A là A. Qua mấy lần chuyện trò, Dung nhận ra: An Phương chỉ là một đứa học trò giỏi về chữ nghĩa, còn tâm hồn, thì hoàn toàn trống rỗng. Nếu An Phương được bố mẹ quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ đúng mức. Dung đoan chắc, lớn lên An Phương sẽ là một cô gái đẹp, từ thể xác đến tâm hồn.
*
Phong âm thầm dọn nhà khỏi San Diego, không cho một ai hay biết. Phong hy vọng sống xa cách đồng hương, không còn ai rủ rê, Hoa sẽ bỏ được bạc bài. Ra đi được gần hai năm, Phong mới điện thoại về báo cho Hùng biết. Từ khi đến chỗ ở mới, chẳng một ai rủ rê, Hoa không còn bước chân đến các sòng bạc nữa. Phong cũng ngỏ lời mời Hùng và Dung đến nhà chơi.
Cũng đã khá lâu Hùng và Dung không đưa nhau đi xa. Nay lại có dịp thoát khỏi cảnh ồn ào náo nhiệt của thành phố, khiến lòng Dung lâng lâng. Khi xe rời xa lộ thênh thang rẽ vào con đường nhỏ, hai người ngồi lặng im, như cố gom hết cảnh núi đồi xanh tươi lúc trời mới sang Xuân cho vào đôi mắt. Đường tuy lắm đèo, nhiều dốc nhưng vắng xe, nên Hùng lái thật tà tà thoải mái. Hùng đưa tay mở nhạc, chàng chọn một bản hòa tấu êm dịu, rồi dựa thẳng lưng vào ghế. Một tay Hùng cầm lái, một tay gõ nhè nhẹ theo nhịp điệu êm ái, khoan thai, làm cảnh vật hai bên đường càng quyến rũ thêm. Ngắm chán cảnh xong, Hùng giở giọng lý sự cùn:
- Người Việt tỵ nạn phải đánh đổi bằng một cái giá quá đắt để có được tự do. Nhưng khi nắm được tự do trong tay rồi, thì không mấy ai màng đến việc sử dụng đến nó. Chỉ riêng cái quyền tự do đi lại, nhiều người chỉ dùng để đi từ nhà đến sở làm, đi loanh quanh trong vùng mình sinh sống. Có đi xa hơn chút nữa là lên mấy sòng bạc địa phương hay viếng Las Vegas. Giá như biết sử dụng đúng cái quyền tự do đi lại này, cuộc sống sẽ bớt căng thẳng và có nhiều ý nghĩa hơn. “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với 'vợ' biết ngày nào khôn”. Một câu nói mà ai cũng biết, còn con đường vừa gần vừa đẹp như thế này, không có dịp đi qua, kể cũng tiếc thật.
Phải mất cả giờ lái xe, Hùng mới tìm đến nơi Phong trú ngụ. Một vùng quê thưa thớt dân cư. Hùng cho xe dừng lại, trước một ngôi nhà có cái sân thật rộng, cây cối mọc um tùm, như đang trông đợi bàn tay người chăm sóc, cắt tỉa. Dung xuống xe, đi đi lại lại một lúc, mới nom thấy tấm bảng ghi số nhà, treo trước cái cổng ra vào khép kín. Nhìn sâu vào trong, Dung bắt gặp một cặp trai gái, đang ôm hôn nhau say đắm. Dung khựng lại, đưa mắt sang hướng khác, tránh cho đôi trẻ khỏi ngượng ngùng. Đợi một lúc, Dung thấy hình như chúng chẳng để ý đến những gì chung quanh. Dung giả vờ ho lên một tiếng, chúng mới lơi nhau ra. Dung vội lên tiếng hỏi bằng tiếng Anh:
- Xin lỗi, có phải đây là nhà ông Phong không?
Cô gái như bị cụt hứng, chẳng thèm quay lại nhìn xem người hỏi là ai, vội trả lời cho xong chuyện:
- Đúng rồi. Bà muốn gì?
- Tôi là bạn ông Phong, từ San Diego đến thăm.
Cô gái vẫn không nới lỏng vòng tay ôm, nhẹ quay đầu vào nhà cất tiếng gọi:
- “Dady”, có bạn đến thăm.
Nói xong cô tiếp tục đưa hai bàn tay thon dài lên mơn trớn, ôm lấy mặt đứa con trai có mái tóc vàng hoe, cao hơn cô cả một cái đầu. Dung lén liếc nhìn cô gái thêm một lúc, nàng nhận ra cô ta có nhiều nét hao hao giống An Phương, đứa con gái nhỏ bé, thơ ngây trong tâm trí nàng. Tim Dung xao động, lòng đang bồi hồi, tiếc nuối thì Phong lù lù hiện ra, tươi cười chào đón nàng. Phong đưa mắt nhìn chiếc xe đậu trước nhà, đi nhanh ra mở cánh cổng, rồi vẫy tay ra giấu, bảo Hùng lái xe vào trong sân.
Vừa ngồi yên chỗ, Dung vội hỏi Phong:
- Có phải cháu An Phương gọi anh lúc nãy không?
- Đúng, nó đấy.
Dung cố nén tiếng thở dài, chép miệng:
- Cháu mau lớn quá. Có lẽ cháu cũng học đến lớp 11 rồi phải không anh?
- Đúng rồi, nó học cùng lớp với cháu Lập Duy đó.
Dung chỉ hỏi thế, rồi nàng ngồi nhìn chồng cùng bạn líu lo chuyện trò, sau bao ngày xa cách. Dung cố gạt đi hình ảnh, nàng vừa trông thấy và cũng định hỏi Phong xem Hoa ở đâu. Thì Hoa đã bước ra ngoài phòng khách, chào đón bạn bè, bằng một nụ cười thật tươi cùng lời mời thân mật:
- Cơm nước đã dọn xong, xin anh chị vào ăn ngay cho nóng.
Dung đoán là Hùng vẫn chưa nhìn thấy An Phương, nên khi Phong mời mọi người cầm đũa, Hùng nói giỡn chơi:
- Ủa con dâu tôi đâu rồi? Sao không gọi nó ra ăn luôn một thể?
Phong nói nhanh:
- Nó bận với bạn, để cháu ăn sau cũng được.
Phong nói dứt câu, Dung thoáng nom thấy An Phương nắm tay đứa con trai, dắt vào phòng rồi đóng cửa lại. Căn phòng nằm ngay cạnh chiếc bàn ăn, nên tiếng nói cười, trửng giỡn phát ra nghe rõ mồn một. Suốt bữa ăn, chỉ riêng một mình Hùng, nói năng tự nhiên, thoải mái. Còn nàng và vợ chồng Phong, không giấu được sự ngại ngùng, thiếu tự nhiên.
Dung hiểu tính chồng, mỗi khi gặp gỡ bạn bè, thường hay đem chuyện này, chuyện nọ ra bàn bạc không ngơi. Chờ đến lúc không ai để ý đến mình, Dung ghé tai Hùng nói nhỏ:
- Sao em thấy khó chịu trong người quá, anh ăn mau lên, rồi lựa lời xin phép cáo từ. Hẹn lại lần khác, mình sẽ ở chơi lâu hơn.
*
Rời nhà Phong, cảnh tượng vừa xảy ra vẫn còn khiến Dung băn khoăn. Nàng chỉ mới đối diện với sự việc này trong chốc lát mà đã như vậy, còn vợ chồng Phong, chắc khổ hơn nàng biết là chừng nào! Dung kể lại cho Hùng, những điều tai nghe, mắt thấy. Hùng thở dài:
- Rõ khổ!
Dung biết, mình chỉ có hai đứa con trai, đang ở cái tuổi niên thiếu, nhưng nàng cũng không muốn, nhìn thấy cảnh ấy, diễn ra trong ngôi nhà mình. Những gì Dung vừa tận mắt nom thấy, chính là lời cảnh báo trước cho nàng.
Ngay từ hồi học lớp 6, các con nàng đã được thầy cô giáo dạy về quan hệ nam nữ. Còn nàng và chồng, thì chưa bao giờ đề cập đến vấn đề này với hai con. Nghĩ đến đây, Dung hỏi chồng:
- Anh thấy mình cần, đem chuyện trai gái ra nói với Duy, Quốc không?
Ngẫm nghĩ một lúc, Hùng lên tiếng:
- Trước đây anh nghĩ: chúng mình chỉ có con trai thôi không có gì để lo. Qua mấy việc vừa xảy ra cho cháu An Phương, anh thấy mình cần phải dạy dỗ con cái, để chúng không gây tai họa cho người khác.
Dung chia sẻ cùng chồng:
- Nhìn cuộc sống bạn bè mình, mỗi nhà mỗi cảnh. Anh chị Phong nuôi con, chỉ cho con cơm ăn, áo mặc, không có lấy một lời dạy bảo. Còn Vân, bạn học em thì lại ngăn cấm, dòm ngó con cái đủ điều, từ giờ giấc đến việc giao tiếp với bạn bè. Thấy vậy em khuyên Vân, phải tin tưởng con cái, đừng theo rình mò, kiểm soát quá nghiêm ngặt. Làm như vậy vừa nhọc tâm mình, vừa ràng buộc con cái, đôi khi còn làm chúng bẽ mặt với bạn bè. Anh có biết nó trả lời em sao không?
Hùng lắc đầu, Dung nói tiếp:
- Nó bảo em: “nhà mày chỉ có một hệ con trai thôi, đâu có con gái, mà hiểu được tâm trạng và sự lo lắng của một người mẹ!” Nghe vậy, em nín luôn.
Suốt trên đoạn đường, lái xe từ nhà Phong trở về San Diego, Hùng và Dung cố gom góp những khó khăn, trở ngại mà thân nhân, bạn hữu mình gặp phải, đem ra mổ xẻ, làm tấm gương, giúp hai vợ chồng tìm ra, một hướng giải quyết chuyện trai gái cho các con mình, trước khi quá trễ.
*
Dung và Hùng đều quan niệm, bữa ăn tối, là thời điểm quan trọng nhất trong một ngày. Là phút giây để vợ chồng, con cái tâm tình, chia sẻ những việc vừa mới xảy ra. Mọi diễn biến quanh mâm cơm, là món quà quý giá, mà cha mẹ ban tặng, lúc con cái còn sống dưới mái ấm gia đình, là hành trang, đầy tràn tình yêu thương, hạnh phúc, cho chúng đem theo, lúc bước vào đời.
Hôm nay, lúc Dung vừa định đem chuyện trai gái ra mổ xẻ, thì Hùng ngăn lại:
- Anh thấy việc này cần phải nói thật nghiêm chỉnh, để các con thấy được tầm quan trọng của nó.
Hùng quay sang dặn các con:
- Cơm nước xong, bố mẹ có chuyện muốn bàn với các con ở ngoài phòng khách.
Duy Quốc nhìn nhau ngạc nhiên, rồi tiếp tục vừa ăn vừa kể cho nhau nghe chuyện trong lớp học.
Mỗi khi nói tiếng Việt, cả Hùng lẫn Dung, luôn cố tránh pha thêm tiếng Anh vào. Nhưng lần đem vấn đề quan hệ nam nữ ra bàn này, vợ chồng nàng, buộc lòng phải dùng chữ “sex”, cho được tự nhiên với hai con. Vừa ngồi xuống ghế, Lập Duy nôn nóng hỏi Hùng:
- Bố muốn nói chuyện gì vậy bố?
- Chuyện bồ bịch, chuyện “sex” của giới trẻ các con bây giờ.
Cả hai đứa tròn xoe đôi mắt. Lập Quốc thắc mắc:
- Bố mẹ đem chuyện này ra nói làm gì? Con và anh Hai đều còn nhỏ, chưa nghĩ đến chuyện này mà!
Hùng ôn tồn giải thích:
- Con chưa nghĩ đến, nhưng rồi nó cũng sẽ đến. Bố mẹ chỉ muốn nói cho các con biết về cái nhìn của bố mẹ trong vấn đề “sex” mà thôi.
Hai đứa con Dung ngồi chăm chú lắng nghe, Hùng nói tiếp:
- Lúc bố mẹ ở tuổi các con, việc “sex” trước hôn nhân rất ít xảy ra, đó là một điều cao quý, rất đáng gìn giữ. Bố mẹ cũng muốn các con, giữ được điều này. Nhưng các con hiện đang sống trên một đất nước, đang ở trong một thời, mà quan niệm về “sex” hết sức cởi mở. Bố mẹ biết, mình không thể ngăn cản được, nếu các con không xem việc, gìn giữ cho nhau trong trắng, cao đẹp về thể xác lẫn tâm hồn, trước hôn nhân là điều quan trọng. Chắc bố mẹ buồn lòng lắm, nhưng cũng chẳng biết phải làm sao!
Hùng ngừng nói, như để những điều chàng vừa thốt ra, ngấm vào tâm tư các con. Lát sau Hùng nói tiếp:
- Nếu các con có bạn gái, muốn rủ đến nhà chơi, bố mẹ rất hoan nghênh. Nhưng bố mẹ không muốn các con tiếp bạn gái nơi phòng ngủ. Ðó là một chút căn bản lễ giáo, của nếp sống gia đình, theo truyền thống Việt Nam, mà bố mẹ không muốn đánh mất nơi xứ người. Các con có hứa, sẽ giữ điều này với bố mẹ không?
Lập Duy, Lập Quốc đều gật đầu. Hùng tỏ bày tiếp:
- Cũng như bao nhiêu người cha, người mẹ khác. Bố mẹ mong muốn các con, kết hôn với người cùng chủng tộc, cùng chung ngôn ngữ. Lập gia đình với người Việt, thì ông bà, cha mẹ, con cháu sẽ dễ dàng chia sẻ, cảm thông với nhau hơn. Các con mà làm được điều này, bố mẹ rất mừng. Ngược lại vì bất cứ một lý gì, các con phải lấy người ngoại quốc, bố mẹ cũng chấp nhận. Bố mẹ muốn các con hiểu rằng, gia đình là nền tảng của xã hội, là đơn vị căn bản của quốc gia. Hôn nhân là bước khởi đầu, của người con trai, con gái, thề hứa chung sống với nhau trọn đời. Vì vậy, hôn nhân phải được xem là một việc hệ trọng nhất trong cuộc sống. Các con không thể coi thường nó được.
Buổi nói chuyện hôm ấy, Hùng chỉ muốn cho hai con mình, biết rõ cái nhìn của chàng về chuyện “sex” và việc hôn nhân mà thôi. Ðó cũng là việc khởi đầu, giúp cho Dung dễ dàng mở lời, nói đến chuyện “sex” với hai con về sau.
Qua kinh nghiệm bản thân, Dung biết được: mọi việc dù lớn hay nhỏ, xảy ra trong gia đình, nếu đem ra chia sẻ, hỏi ý kiến nhau, để cùng tìm phương giải quyết, sẽ làm mọi người trong nhà gắn bó, thông cảm, yêu thương nhau hơn. Ngoài ra, Dung và Hùng cũng gắng, để không buộc con cái phải làm theo ý mình. Từ khi biết lắng nghe tâm tư các con, Dung nhận ra được sự trưởng thành về mọi mặt, của con cái mình. Chúng nó hơn hẳn sự hiểu biết của nàng, lúc ở vào lứa tuổi đó. Thấu hiểu điều này, khiến nàng an tâm, thêm lòng tin tưởng nơi con cái, cùng thế hệ trẻ hôm nay. Nhờ thế, nàng thấy mình cần phải uyển chuyển, thay đổi cách dạy dỗ con cái, sao cho có hiệu quả hơn.
*
Dung thường hay chia sẻ chuyện gia đình, chồng con với Hạnh, cô em bạn dâu, ở căn nhà bên cạnh. Mặc dù cách hành sử, dạy dỗ con cái của hai nhà có đôi phần khác nhau. Hạnh có bốn con, hai trai, hai gái. Mạnh đứa con trai đầu lòng, lớn hơn Lập Duy đúng một tuổi, Hiền đứa con gái kế bằng tuổi Lập Quốc. Còn Lan và Tùng sinh sau đẻ muộn, bé hơn anh chị khá nhiều.
Con cái Dung được tự do, tỏ bày ý nghĩ mình, cho dù có đối nghịch với quan niệm của bố mẹ. Nghĩa là chúng sẽ không bị bố mẹ buộc tội, bởi những điều chúng tự ý nói ra. Thậm chí có khi chúng nói sai, hay cả có những hành động, việc làm không hợp lý. Dung từng học hỏi được nhiều điều hay, qua các việc làm sai trái của mình. Dung không sợ con mình lầm lỗi, nàng chỉ lo, con đi lầm đường rồi, không biết tự tìm ra lối thoát.
Có lần Lập Duy lên tiếng “phê bình” Dung:
- Mẹ và thím Hạnh sao giống hai con gà quá!
Không hiểu ý con, Dung hỏi lại:
- Giống gà nghĩa là làm sao? Sao con ví mẹ với thím là gà vậy?
Duy cười:
- Bởi mẹ và thím hay “mổ” chuyện của các con.
Nghe con ví von kiểu ấy, Dung cũng phải phì cười. Ngẫm nghĩ lại, nàng thấy Duy cũng có lý. Quả thật nàng hay “mổ” chuyện các con, trong những lần trò chuyện với Hạnh. Nhờ lời nói thật lòng của con, nàng tự chữa khỏi căn bệnh “ngồi lê” của mình.
Mới ngày nào Dung còn ưu tư, lo lắng về sự thay đổi bất thường, của con cái lúc bước vào tuổi niên thiếu. Nay thì Lập Duy, sắp trở thành một ông thầy dạy học, còn Lập Quốc, cũng đã bước vào năm thứ Ba đại học. Mùa Xuân này, Dung nhận được một lời chúc Tết thật đẹp của con. Lập Quốc hứa, sẽ hết lòng “support” mẹ, sẽ cố tìm bạn gái người Việt Nam, để bố mẹ vui lòng. Câu chúc đơn sơ của Quốc, đối với Dung như là một liều thuốc khỏe, cho nàng uống mỗi khi nhắc đến con. Dung thấy cuộc sống hạnh phúc hẳn lên, dù nàng chưa biết chắc, con mình có làm được như lời hứa hay không?
Phần Hạnh, cô em bạn dâu, cũng vui mừng không kém. Qua trung gian bạn bè giới thiệu, Mạnh quen biết Mai, một cô gái thùy mị, kém Mạnh hai tuổi, ở trên vùng Little Saigon. Vợ chồng Hạnh cố vun trồng, đốc thúc để mối tình ấy, mau tiến đến hôn nhân. Sự âu yếm mặn nồng của Mạnh và Mai, không thể nào che giấu được Hiền, em gái Mạnh. Một hôm, lúc đang phụ mẹ nấu bữa cơm tối, đột nhiên Hiền lên tiếng hỏi:
- Mẹ! Nếu bạn gái anh Mạnh có bầu thì sao?
Mặc dù đã sống gần 20 năm trên mảnh đất này, nhưng quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn nguyên trong lòng Hạnh. Nàng không một chút nghĩ ngợi, trả lời ngay:
- Nếu có bầu, đẻ con ra thì mẹ nuôi.
Hiền liền hỏi tiếp:
- Nếu con có bầu thì sao?
Hạnh nghiêm ngay nét mặt, nạt con:
- Bộ con điên rồi hả Hiền? Con mà có bầu, bố mẹ đuổi con ra khỏi nhà ngay.
Hiền ngạc nhiên, mặt nhăn nhó, nói giọng nhỏng nhẻo:
- Sao kỳ vậy mẹ? Vậy là “unfair”.
Giọng Hạnh càng gắt gỏng thêm, như muốn cho Hiền im ngay miệng lại:
- Mẹ nói không được là không được. Con đừng hỏi lôi thôi. Bố mà nghe được, con sẽ bị đánh đòn ngay.
Hiền như hụt hẫng, đứng lặng im nghĩ suy. Hiền không hiểu tại sao, mẹ lại dễ dàng chấp nhận: nếu “baby” nằm trong bụng bạn gái anh Hai, còn nằm trong bụng mình, thì lại không được? Hiền cũng không tài nào hiểu, tại sao mẹ lại giận dữ, chỉ vì một câu hỏi?
Làm sao Hiền có thể hiểu được, sự việc một người con gái không chồng mà có thai, nghiêm trọng như thế nào? Khi Hiền sinh ra và lớn lên trên đất một đất nước, mà phần đông xem việc luyến ái trước hôn nhân, chỉ là một chuyện bình thường. Còn mẹ Hiền, một người mà cái bản chất văn hóa truyền thống Việt Nam, vẫn còn đang luân lưu trong huyết quản. Ðời Hạnh, tuy không còn cảnh đàn bà chửa hoang, bị lôi ra giữa đình làng luận tội, bị gọt đầu bôi vôi, bị dẫn đi diễu khắp làng trên, xóm dưới. Nhưng việc ấy vẫn làm bại hoại gia phong, làm xấu hổ luôn cả họ hàng, gia tộc. Hạnh cũng không hiểu tại sao, cái điều ấy, lại vọt ra từ cửa miệng đứa con gái, học hành giỏi giang, ngoan hiền mà nàng hết mực yêu thương, chiều chuộng. Hạnh không biết làm gì hơn, là phải răn đe con một cách quyết liệt, để sự việc ấy không xảy ra, có hại cho Hiền, đứa con gái lớn, một tấm gương trong gia đình nàng.
Gần chục năm trời sống cạnh nhau. Dung hiểu rất rõ tâm tính cháu gái mình. Dung biết: Hiền chỉ hỏi để tìm hiểu, xem mẹ nghĩ thế nào về vấn đề “sex” mà thôi, chứ Hiền không phải là một đứa con gái, muốn hành động như vậy. Dường như Hiền đã quen sống trong “áp bức”, nên chỉ một lát sau, Hiền quên ngay sự giận dữ của mẹ, vui cười hồn nhiên trở lại.
Người Việt thường quan niệm: nhà có con gái, như có hũ mắn treo đầu giàn. Nhìn xa thêm chút nữa, Dung thấy: nhà có con trai, nếu dạy dỗ không kỹ, nó sẽ đi phá vỡ các hũ mắm, làm hôi thối cả một môi trường sinh sống. Nghĩ vậy, Dung càng thấy thấm thía lời Hùng nói trên xe, sau khi nàng kể chuyện An Phương cho chàng nghe:
- Mình đã vong quốc, giờ lại để vong gia nữa hay sao?
SA PY ĐI ĐI
http://www.vietbao.com/?ppid=74&pid=51&auid=2803&nid=85734
Đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ, biết nhiều ngôn ngữ là mối lợi cho sức khỏe
Đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ, biết nhiều ngôn ngữ là mối lợi cho sức khỏe
Feb 13, 2007
Cali Today News - Sau khi từ trường về, Carlos và Carmen Nguyễn nói chuyện tiùu tit với ông bà bằng… 4 thứ tiếng là Anh, Việt, Tây Ban Nha và Tagalog!
Cha mẹ của các em rất thích vì nói nhiều ngôn ngữ sẽ giúp các em biết thêm về nguồn gốc gia đình và các nền văn hóa khác. Nhưng hai em bé 6 và 9 tuổi này sẽ tránh được bệnh dementia lúc tuổi già.
Một nhóm các khoa học gia Canada đang nghiên cứu các bệnh nhân dementia (điên loạn do tuổi già) khám phá người nào thường xuyên sử dụng hai ngôn ngữ sẽ có thêm 4 năm trước khi trí óc trở nên mệt mỏi vì tuổi già, so với những người chỉ nói 1 ngôn ngữ.
Công trình này được đăng trên báo Neuropsychologia, tiếp theo một công trình năm 2004 theo đó thì người nói được 2 ngôn ngữ có sức tập trung lớn hơn.
Theo giáo sư Ellen Bialystock, người nghiên cứu chính của cả hai công trình, tuy còn quá sớm để khẳng định nhưng hiện nay nhiều nhà giáo dục rất chú ý tới vấn đề hấp dẫn này.
Theo bà thì vì phải quyết định nhanh chóng phải nói tiếng nào và bỏ tiếng nào, trí não “luôn bị động và bị kich thích một cách tốt đẹp” và lạ lùng là khi bạn nói tiếng này thì thứ tiếng kia cũng… hoạt động ngầm trong não.
Bà cho hay chính vì khả năng dùng từ ngữ chính xác, khi bạn nói ra câu, nó phải được vận hành rất nhanh nên trí não loại người này luôn sắc bén.
Ngoài ra sức chú ý của người nói 2 ngôn ngữ cũng tăng thêm, có khả năng lọc lựa thông tin nhanh và đúng, đồng thời trí nhớ cũng tăng cường.
Nguyễn Dương, source Kansascity.com
http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=56a767cce96d74e7b5b4b0b351a628ef
Labels: Nếu Con Có Bầu Thì Sao?
0 Comments:
Post a Comment
<< Home