Friday, February 16, 2007

Triển vọng lao động Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ



Triển vọng lao động Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ
2007.02.15

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong những ngày giáp Tết, chuyện Việt Nam sắp xuất khẩu lao động sang Mỹ lại rộ lên trên báo chí trong nước và được một số hãng thông tấn quốc tế trích thuật lại.

* Bấm vào đây để nghe bài này
* Tải xuống để nghe

Công nhân hái cam tại một trang trại ở Immokalee, Florida hôm 24-4-2004. AFP PHOTO

Được dư luận chú ý vì sau khi các viên chức tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo khẳng định vấn đề, Hà Nội vẫn loan tin là sẽ xúc tiến đưa người sang Hoa Kỳ làm việc do hai doanh nghiệp của quân đội và bộ Lao động tổ chức.

Chuyện đưa lao động sang Mỹ làm việc rộ lên sau khi Thủ tướng Việt Nam phổ biến công văn số 883/VPCP-VX, đồng ý với đề nghị của các bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Ngoại giao và cả bộ Công An xin thực hiện thí điểm chương trình đưa người lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Hoa Kỳ.

Thị trường nhạy cảm

Với sự tham gia của bộ Ngoại giao và bộ Công an thì chương trình thí điểm này có tầm quan trọng đặc biệt vì đối với những thị trường sử dụng lao động khác như Hàn Quốc hay Đài Loan, Malaysia thì chỉ có bộ Lao động phụ trách mà thôi. Bản tin liên quan của Thông tấn xã Việt Nam cho Hoa Kỳ là một thị trường nhạy cảm.

Sau khi những tin tức này được loan tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam thì tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi có đặt văn phòng di trú của Mỹ tại Việt Nam, đã tổ chức một cuộc họp báo, giải thích rõ ràng về tiến trình thu nhận lao động vào làm việc tại nước họ.

Bà Mary Ann Russell, trưởng đại diện phòng Di trú, cùng ông Jeffrey C. Schwenk, trưởng phòng lãnh sự thuộc tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sàigòn, đều khẳng định là chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam chưa ký bất cứ một thỏa thuận nào về xuất khẩu lao động.

Tôi nghĩ là bất cứ ai nghe đến chuyện sang Mỹ làm việc cần phải xác minh, nhất là không nên nghe những lời hứa hẹn sẽ được trả lương cao, rằng quý vị sẽ được định cư, hay trở thành công dân Mỹ, bởi vì dưới diện visa H2A, điều đó rất khó xảy ra.

Ông Jack King, khuyến cáo các lao động Việt Nam

Mỹ cũng không hề làm việc với bất cứ tổ chức hay công ty môi giới xuất khẩu lao động, mà chỉ làm việc trực tiếp với từng người, từng hồ sơ, và ngoài lệ phí cấp visa là 100 đôla, thì Hoa Kỳ không thu bất cứ một khoản lệ phí nào khác của người lao động vào Mỹ làm việc.

Ngay hôm sau, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho báo chí biết chính phủ Việt Nam vừa cho phép đưa lao động sang Mỹ làm việc và giao cho hai doanh nghiệp phụ trách việc này. Một công ty thuộc quân đội và công ty kia thuộc bộ Lao động.

Ông cũng nhắc lại là hồi năm ngoái bộ Lao động đã cử tới hai đoàn quan chức sang Hoa Kỳ khảo sát thị trường này và nhận xét là triển vọng rất tốt.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho báo chí biết là Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ thị triển khai đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao và lao động y tế chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ.

Trong thực tế thì nhiều công ty Hoa Kỳ đã từng ký hợp đồng tuyển dụng và xin cho nhập vào Mỹ nhiều chuyên viên Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực tin học. Còn về y tế, hiện tại số lao động nước ngoài đông nhất trong lãnh vực này đến từ Ấn Độ và Philippines, là những nước có giáo trình được Hoa Kỳ công nhận và họ rất thông thạo tiếng Anh.

Việt Nam muốn chen chân vào lãnh vực đó thì phải mất thêm nhiều thời gian cải tổ hệ thống giáo dục trong nước.

Vấn đề di dân tại Hoa Kỳ

Về nhu cầu lao động sơ cấp tthì thị trường Hoa Kỳ sẵn có nhân công rất dồi dào và có thể nói là dư thừa từ các nước Trung và Nam Mỹ sang, và giải quyết công ăn việc làm cho số người đó đã là một vấn đề khá nghiêm trọng cho chính phủ Hoa Kỳ.

Theo thủ tục, một chủ sử dụng lao động khi muốn nhập khẩu người làm từ nước ngoài vào Mỹ, phải trực tiếp xin bộ Lao động tại Washington. Họ phải chứng minh là không thể thuê mướn công nhân đó trong nước Mỹ, thường phải là sau khi đăng báo tìm người làm việc.

Sau đó, chủ cần lao động phải trực tiếp tìm người nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện, lập hồ sơ và đệ nạp cho bộ Lao động. Khi được được chấp thuận rồi mới tới phần việc của sở Di trú Mỹ, và đây là khâu gay góc nhất, ngay cả đối với những người chỉ xin vào Hoa Kỳ để du lịch.

Vấn đề là hiện nay Hoa Kỳ rất lo lắng về số người nước ngoài đang lưu lại quá hạn ngày càng đông, mà Washington chưa tìm ra tung tích.

Các giới chức di trú Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng chính phủ Hoa Kỳ không hề ký hợp đồng hay hợp tác với bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu lao động của bất cứ nước nào, và Washington chỉ giải quyết theo từng trường hợp mà thôi.

Triển vọng sang Hoa Kỳ làm việc xem ra không thuận lợi và nhanh chóng như đối với một số thị trường sử dụng nhân lực khác như Đài Loan, Hàn Quốc hay Malaysia. Một chuyên viên tư pháp Mỹ là ông Jack King, khuyến cáo các lao động Việt Nam:

“Tôi nghĩ là bất cứ ai nghe đến chuyện sang Mỹ làm việc cần phải xác minh, nhất là không nên nghe những lời hứa hẹn sẽ được trả lương cao, rằng quý vị sẽ được định cư, hay trở thành công dân Mỹ, bởi vì dưới diện visa H2A, điều đó rất khó xảy ra.”

Nơi mà những ai quan tâm đến việc sang Hoa Kỳ lao động cần phối kiểm, xác minh cho chính xác trước khi chạy vạy đóng tiền cọc là tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sàigòn, nơi đặt văn phòng đại diện di trú. Địa điểm là đường Lê Duẩn, quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin trên mạng:

- Temporary Agricultural Workers (H-2A Visas)

- Plan to Document Migrant Workers Could Help Shortage

- U.S Department of Labor - H-2A Certification

- All About H2A Visa
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/02/15/PerspectiveVietnamLaborExportToUS_Ldan/

0 Comments:

Post a Comment

<< Home